Chân dài và đại gia – Đừng để chuyện ấy lũng đoạn tâm thái xã hội
- FB HỒ THỊ HẢI ÂU
- •
Mấy hôm nay, cứ lên faceboock là thấy nhan nhản bài viết, chia sẻ chuyện đại gia – chân dài tố nhau nơi pháp đình CHXHCN VN. Tôi kinh ngạc về độ hot, độ nhạy cảm của một vụ án mà theo tôi là thường tình và cỏn con lắm! Tôi cũng đọc nghiêm túc nhiều bài báo, đọc nhiều stt của nhiều fbker nổi tiếng, đọc cả nhiều comment… lòng không thay đổi cách tiếp cận từ đầu của tôi về sự vụ ấy, rằng “chuyện bé xé thành to rồi”.
Xé to một cách rất chuyên nghiệp, cuốn hút cả những giáo sư, luật sư, nhà tâm lý học và cuộc bình luận và lên tiếng. Chuyện trở nên to đến mức, nó nhanh chóng làm mờ nhạt, tan loãng những câu chuyện pháp đình khác cũng đồng thời đang diễn ra về một blogker đấu tranh đòi minh bạch thông tin và một phụ nữ kêu oan nhưng… vượt “quá giới hạn cho phép”… 3 vụ xét xử được sắp lịch trùng thời điểm: Một người bảo vệ quyền phát ngôn; một người kêu oan và một cặp chân dài đại gia…. và bây giờ truyền thông chỉ nói đến vụ xử thứ 3, quốc dân chỉ quan tâm đến vụ thứ 3! Thế mới hay, quốc dân mình sống bằng cảm tính và quá ư dễ xúc động, dễ bị lôi cuốn… Tôi nghĩ, đọc đến đây, bạn đọc sẽ bật lên câu hỏi rằng, ai được lợi khi câu chuyện đại gia chân dài trở nên lũng đoạn truyền thông và mạng xã hội?
Trở lại câu chuyện đại gia – chân dài, tôi thấy có gì mới mẻ đâu nhỉ? Một anh bạn của tôi, là đại gia từ Nga về, thỉnh thoảng gặp nhau, thân mật anh vẫn hay nói “Ở VN, đàn ông, cứ hễ giàu chút là hư. Còn đàn bà, muốn giàu và thành đạt… thì không thể không hư!” . Anh giải thích thêm, ở nơi mà độc quyền và tiền quyền ngự trị cao hơn cả pháp quyền… thì đàn ông chỉ lo tích cóp giàu giàu 1 tý rồi ăn chơi hưởng lạc, hư hỏng… chứ không có chí hướng làm giàu vì cộng đồng; cũng do đó, nấc thang đi lên của phụ nữ được bắc qua những dóng chân đàn ông, bằng không, cô thông minh giỏi giang đến đâu cũng khó vượt qua cái thắt lưng giống đực! Tôi lắng nghe nhiều lần cách nói này của anh bạn, tôi im lặng để quan sát và chiêm nghiệm. Hy vọng nhận định ấy là sai, nhưng tôi phải thú nhận rằng, trong nhiều điều mắt thấy tai nghe, thì dường như nó đúng!
Tôi từng quen biết có ông công chức quèn quèn, đảng viên hẳn hoi (!) tẩm ngẩm… mà ngoài vợ con ra, ông ta có tới 3 cô tình nhân nho nhỏ… mà toàn các cháu là sinh viên ngoại tỉnh, xuất thân nghèo. Ông bạn này nghe chuyện đại gia hùng hổ bẫy chân dài ra tòa, rồi cuối cùng chính anh ta lại bị “đuối nước”, bèn cười gió mà rằng, “thằng ấy háo danh hoa hậu chứ độ trẻ đẹp thì chắc gì đã hơn các bé sinh viên. Anh đây lo cho 3 cô ba phòng trọ; tiền học phí và chút tiền chi tiêu hàng tháng… tất nhiên là các nàng không biết nhau, tất nhiên là anh có lịch với từng cô rất kín đáo và an toàn… thế là êm và không nhàm chán!” Anh nhấn mạnh, “cặp với các em sinh viên là thoải mái nhất: Thực tế, bình dân, ít đòi hỏi và cái chính là các em ấy cũng muốn kín đáo để sau này ra trường còn lấy chồng tử tế…. thế nên, bọn anh gọi những dự án này là “hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó!”. Kịch bản tương tự như câu chuyện trên quá nhiều, nhiều đến mức đôi khi tôi hoang mang không biết tôi phải nhìn nhận thế nào về xã hội này.
Thú thật, nhiều khi, nhìn hình ảnh các cháu sinh viên gái bên những ông lão… lòng tôi đau như cắt, tôi đã khóc nhiều lần với một câu thảng thốt trong lòng “những người đàn ông ấy có con gái, em gái, cháu gái không nhỉ? Họ nghĩ gì, khi ở đâu đó, con, em, cháu của họ cũng đang bầm dập trong cuộc chơi mà như các ông vẫn nói trơn tru cửa miệng “đồng thuận mà em… gái già như em sao mà không chịu hiểu!”.
Đương nhiên, chuyện một vị đại đại gia nổi như cồn, cùng lúc ở với 5 – 9 cô vợ trong một khu biệt điện ngay giữa trung tâm HN… hẳn giới hiểu chuyện không ai không biết. Anh này rất hãnh diện và tự hào về điều đó. Đương nhiên, không ít đấng nam nhi trầm trồ tài năng cưa vợ và tài “dẹp yên biên thùy” để chung sống êm thấm cùng một bồ đoàn vợ của anh ta! Cô bạn tôi kể, khi chồng cô (một người có vai vế trong xã hội) có dịp đến làm việc với vị đại gia này, được anh ta gọi cả đàn vợ ra chào hỏi, hầu chuyện… anh này về mà ngẩn ngơ lắm, nắc nỏm khen, “Chà, cái thằng V. nó tài thật, mấy cô vợ sống hòa thuận êm ái. Sướng thật!”. Cô bạn tôi nóng mặt, mới nhẹ nhàng thưa với anh chồng rằng: “Anh ạ, mấy cô ấy chẳng hòa thuận đâu, mấy cô ấy cũng chẳng tôn kính cái thằng đạị đại gia ấy đâu… mấy cô ấy là nô lệ vì tiền!” Anh chồng tỏ ra không hiểu, cô bạn tôi nói tiếp: mấy cô nàng ấy đang thực hiện những hợp đồng tình dục để lấy tiền, nhiều tiền… anh đã hiểu chưa?”
Thêm nữa, làm sao và làm sao chúng ta biết được đâu là sự thật… một khi mà chuyện pháp đình ở xứ này cũng thâm cung lắm luôn! “Vẽ rắn thêm chân” là điều rất có thể; và hai kẻ từng ôm ấp nồng thắm rồi quay ra tố nhau một mất một còn… dường như, cả hai đều không ý thức được rằng, họ đang trở thành diễn viên bi – hài bất đắc dĩ mà hay đâu mình diễn sâu đến thế, dưới bàn tay đạo diễn tài hoa nào đó?
Chuyện đại gia chân dài có gì đáng bàn nhiều đâu nhỉ so với chuyện Formosa tiếp tục đưa chất thải vào biển VN; một dự án thép mang tên đẹp đẽ “tôn Hoa sen” sẽ tàn phá môi trường đang nhăm nhe triển khai ở biển Cà Ná mơ mộng; chuyện học trò ngơ ngác vì chuẩn bị thành nạn nhân cho việc thí điểm dạy thêm 2 ngoại ngữ: tiếng Trung và tiếng Nga; phụ huynh nghe thế thì tuyên bố dứt khoát sẽ cắp con di tản… giáo dục ra nước ngoài, phản ứng kiểu bất tuân dân sự, vân vân. Nhưng mọi người lãng quên tất cả… vì chuyện đại gia – chân dài. Đàn bà nhiều người hả hê chửi cô HH; Đàn ông nhiều vị tỏ ra cao thượng chửi gã đại gia; nhiều người điên tiết chửi cả hai là “mạt cưa mướp đắng”…. Phải chăng, trong sâu thẳm, mỗi người đều mang chút gì đó ẩn ức riêng tư, bức bối… đợi một chuyện điển hình ngoài kia để xả cái van bức bối căng tràn. Nghèo thì bức bối: Tao mà giàu tao không khốn nạn như mày, thằng kia! Người có chồng thì thóa mạ HH để răn đe kẻ bên cạnh mình…. Mặc cho hiển nhiên 1 điều, chỉ có hai người trong cuộc mới thực sự biết đâu là sự thật, nhưng họ đã trượt quá xa trên con đường “tố” nhau theo kịch bản mất rồi.
Giống như một vũng bùn nhỏ mà trên con đường, nó có đó, nếu ta thận trọng đi qua, và tránh nó để đi tiếp vì mục tiêu của ta không phải là cái vũng bùn đó… Nếu thế, vũng bùn sẽ tự lắng, tự trong. Đừng thò tay vào quấy cho vũng bùn đó thêm ngầu bẩn… mà quên rằng còn những điều khác đáng quan tâm hơn.
Tôi chỉ ghi chú thêm điều này: Quả nếu tôi lấy chồng sớm, chắc hẳn con gái tôi bằng tuổi cô HH. Nói thế để thấy rằng, tôi đang quan sát sự việc trong tâm thái một người đàn bà, một người viết và trên tất cả là một người mẹ.
Bây giờ, có ít nhất 4 người mẹ đang đau đớn. Mẹ của cô HH, dẫu thế nào, khi nhìn hình ảnh đứa con gái mong manh, lầm lỗi bị còng tay dẫn ra pháp đình đầy đơn độc… người mẹ ấy đứt ruột từng cơn? Chị đã sai gì và chị đã nhầm lẫn gì khi hướng dẫn để con lớn lên mà chọn nhầm đường lạc lối? Mẹ của anh chàng đại gia chắc cũng đau không kém khi hốt hoảng nhận ra con trai mình biến thái đến mức này sao? Mọi dự định tan tành trong nỗi ê chề cay đắng? Mẹ của những người con gã đại gia, cô ấy đau vô cùng! Trong nỗi đau người vợ, cô ấy còn đau hơn trong nỗi đau của con gà mái phải xòe cánh ra để che chở cho các con khỏi phải nghe, thấy những lời thị phi về cha nó; để chúng được lớn lên lành mạnh như bao đứa trẻ khác mà không phải chịu đựng cảm giác bị kỳ thị và định kiến? Cô ấy có đáng vậy không? Những đứa trẻ có đáng vậy không? Và những Người – mẹ – Việt, các mẹ có đau đớn không? Hay quên vai trò làm mẹ để thả sức ném đá, mắng chửi như thể mình vô can?
Và, với những người mẹ Việt, bài học ấy nên là bài học tỉnh táo để chúng ta dẫn dắt những đứa con biết sống có trách nhiệm với bản thân, tỉnh táo và nội lực.
Các em gái, cháu gái thân yêu ! Có nội lực, có chí hướng, có lao động chăm chỉ sẽ có thành quả. Thành quả ấy là niềm kiêu hãnh và độc lập tự cường. Và, các em gái cần hiểu rằng, chẳng ai có thể áp đặt lên các em cái gọi là thói “trọng nam khinh nữ”, chẳng kẻ nào có thể đối xử với các em như nô lệ, chẳng ai có thể làm được điều ấy, duy chỉ một người: đó chính là khi các em tự cho phép mình sống như một nô lệ!
Nhân đây, tôi cũng xin trích đăng một đoạn trong bức thư mà Ngài Tổng thống Mỹ thứ 16 Abrham Lincoln (1809 – 1865) đã gửi cho thầy giáo của con mình, như sau: “Xin Thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng, có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người trả giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình!“
Cô HH là một ví dụ buồn. Khi được cộng đồng xã hội tôn vinh cô trở thành HH, cô ấy được nâng lên cao hơn, rất cao; nhưng tiếc thay cô ấy đi xuống rất thấp, bởi cô ấy tự cho phép mình chọn một con đường dễ và thấp kém, nếu đúng sự thực là cô đã ký một bản hợp đồng tình dục!
Từ khóa bất công xã hội Văn hóa ứng xử trào lưu xã hội thực trạng xã hội hoa hậu