Chống lại nền giáo dục bất nhân ở TQ cần bắt đầu từ chính các bậc cha mẹ
- Nhan Thuần Câu
- •
Ở Thâm Quyến – Trung Quốc trong vòng 3 tháng có 100 thiếu niên tự tử, con số đáng sợ như vậy có thể tin được không? Tỷ lệ thiếu niên tự tử cao như vậy nghĩa là không phải do trẻ có vấn đề, mà là hệ thống giáo dục Trung Quốc có vấn đề, là xã hội có vấn đề, là quan niệm của nhiều bậc cha mẹ có vấn đề lớn.
Trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học cần được vui thú nhất có thể, áp lực làm sao để trẻ chỉ cần chút nỗ lực là có thể vượt qua. Tuổi niên thiếu chưa có trải qua cuộc sống xã hội nhiều, chưa nhiễm những thói hư tật xấu của xã hội, nên thường vô tư để phát triển trí thông minh và sở thích, mang tới những hiểu biết ban đầu về xã hội và cuộc sống, mở mang tâm trí để đi đến cuộc sống tương lai.
Có nhiều lý do khiến trẻ nhỏ chọn con đường tự tử.
Trước nhất là áp lực học tập ở trường học của Trung Quốc Đại Lục quá lớn, phổ biến lao vào trò thi đua thành tích, giáo viên nhăm nhăm tìm kiếm lợi nhuận, sử dụng nhiều phương tiện phi nhân đạo khác nhau để ép trẻ, còn cha mẹ trẻ cũng nặng tâm lý cạnh tranh, cũng lấy thành tích học tập của trẻ làm chỉ số hạnh phúc. Trẻ nhỏ sống trong vòng tròn áp lực vô tận một cách không lối thoát từ vô kể bài tập ở trường.
Thứ hai là công nghiệp hóa giáo dục, nhà trường sử dụng nhiều phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp để bóc lột phụ huynh, con trẻ thành tâm điểm trong vướng víu lợi ích giữa nhà trường và gia đình. Khi nền kinh tế xã hội đi xuống và thu nhập của phụ huynh giảm mạnh, áp lực vô hình đổ dồn vào tâm lý yếu đuối của con trẻ.
Thứ ba, kinh tế xã hội suy thoái trong một thời gian dài khiến các ngành nghề gặp khốn khó chưa từng có, không khí xã hội phổ biến lo lắng về tương lai, môi trường sống xấu đi mang đến nghèo đói và bất công đáng báo động, những cảm xúc tiêu cực đó được con trẻ tiếp thu thông qua các kênh xã hội khác nhau. Sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp, chọn cách mặc kệ cuộc đời đến đâu thì đến, trong đó có người chết đói và có người tự tử, vô số vấn đề cuộc sống khó khăn cũng khiến các bạn trẻ mất niềm tin vào tương lai. Quá nhiều trường hợp học hành đã vất vả lại không giúp ích gì cho cuộc đời người học, trong khi không học thì càng không có tương lai, điều đó khiến trẻ hoang mang không thể tự giải thoát khỏi những khó khăn về tinh thần.
Thứ tư, môi trường chung của xã hội xấu đi, không phân biệt đúng sai, tôn vinh yêu ma trong khi người tốt bị bỏ rơi, con trẻ phải đối mặt với đủ loại tà ác và bất thường trong khi khả năng nhận biết và khả năng chịu đựng tâm lý hạn chế; khi giá trị quan trẻ chưa được định hình khiến đổ vỡ niềm tin vào cuộc sống, trẻ không có phương tiện tự vệ tối thiểu khi gặp phải vấn đề khó khăn trong thực tế, cộng với trường học và gia đình đều thiếu sự ấm áp, xã hội thiếu cơ chế cứu trợ, vì vậy tự tử trở thành một cánh cửa thoát hiểm tiêu cực.
Cuối cùng, nếu cộng thêm thực trạng cá lớn nuốt cá bé từ bạn học và xã hội, sự bạo hành của cha mẹ do áp lực cuộc sống, vấn nạn bắt nạt của cảnh sát vũ trang quản lý thành phố đối với người dân, tình hình lừa dối và bạo lực tràn ngập mọi ngóc ngách của xã hội, khoảng cách khủng khiếp giữa những lời nói dối của chính phủ và sự tà ác của chế độ độc tài, tất cả những điều đó đều là quá trình xâm phạm kéo dài đối với tâm hồn trẻ thơ khiến trẻ bất lực để vượt qua.
Áp lực bài tập ở trường, áp lực giáo viên, áp lực xã hội, cuối cùng sẽ đè bẹp tâm trí non nớt của các bạn trẻ. Đây là hậu quả xấu xa do cạnh tranh ác liệt trong xã hội, hậu quả xấu xa của công nghiệp hóa giáo dục, toàn xã hội gây hại lẫn nhau trong dây chuyền hiện thực theo đuổi lợi ích.
Hiện trạng xã hội tà ác ở Trung Quốc không thể thay đổi được nữa, hiện trạng đó là hệ quả của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính trị hóa toàn diện xã hội, muốn thay đổi được hệ thống giáo dục đó thì phải phá hủy bộ máy thống trị toàn trị. Bởi vì ĐCSTQ không quan tâm kiện toàn sức khỏe thân – tâm của thiếu niên để có nhân cách tích cực, mà là muốn nhào nặn trẻ nhỏ thành “người kế thừa chủ nghĩa cộng sản”, phải trung thành với Đảng và lãnh đạo, áp lực chính trị vô hình đó khiến trẻ sống trong xung đột gay gắt giữa lý tưởng ảo tưởng và thực tế tàn khốc. Tuổi nhỏ suy nghĩ còn bồng bột, khi hỗn loạn và bất lực bên trong chúng ngày càng tăng sẽ đến lúc chúng không còn khả năng chịu được.
Tình hình ở Hồng Kông hiện không tốt hơn mấy, tình trạng truyền bá chính trị trong trường học đang ngày càng giống với Đại Lục, sự phát triển bất thường của giáo dục trong những năm qua cũng đã ăn sâu vào chính quyền Đặc khu hành chính tuân thủ ý chí của ĐCSTQ, bầu không khí chính trị tồi tệ bao phủ xã hội làm tình hình thiếu công bằng xã hội gia tăng, đảo lộn đúng sai, tất cả đều khiến tâm hồn các bạn trẻ trở nên hỗn loạn. Giáo dục Hồng Kông cũng đang suy thoái, nhưng dù sao vẫn chưa tệ như Đại Lục, vì vậy nếu các bậc cha mẹ ở Hồng Kông muốn cứu con cái của họ thì vẫn có thể tìm được lối đi riêng.
Là một người từng trải qua, tôi có những gợi ý sau đây.
Một là, trước tiên hãy buông bỏ gánh nặng thành tích, trẻ có thành tích trung bình trở lên đã rất tốt, đừng cố gắng bắt trẻ trở thành người đứng đầu, thua ở vạch xuất phát không có nghĩa là tất cả, thắng ở vạch đích mới là chiến thắng thực sự. Trước đây yêu cầu của tôi đối với con trẻ cũng chỉ là thành tích từ trung bình, đừng ở lại lớp, vấn đề của việc ở lại lớp chỉ là lãng phí một năm còn các khía cạnh khác cũng không có gì. Đừng giúp trẻ làm bài tập về nhà, đừng yêu cầu trẻ thuộc văn mẫu, đừng trách mắng nếu điểm số của trẻ không tốt, mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên.
Thứ hai là quan tâm thực sự đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, trau dồi thói quen suy nghĩ độc lập và tự học, hướng dẫn chúng tư duy tốt nhất có thể về các hiện tượng xã hội và giúp trẻ dần trưởng thành về tinh thần, chú ý đến việc nuôi dưỡng sở thích cá nhân của chúng. Đối với hiện tượng bất công xã hội, không phân biệt đúng sai, giá trị đảo ngược, phụ huynh hãy làm sao nhắc nhở chúng kịp thời trên cơ sở đưa ra phân tích chính kiến được điều chỉnh tốt nhất có thể.
Thứ ba là để trẻ tham gia các khóa học ngoại khóa, nhưng nên căn cứ vào hứng thú của trẻ. Trẻ có hứng thú thì không cần cha mẹ ép buộc cũng sẽ tập trung học tập, nếu không thì nên dừng lại sớm, thử những môn khác cho đến khi gặp hướng mà trẻ thực sự quan tâm mới cố gắng hết sức để thúc đẩy. Nuôi dưỡng hứng thú của trẻ là rất quan trọng, đó có thể là yếu tố quyết định cả đời trẻ, con người luôn cần có chí nguyện riêng.
Thứ tư là cha mẹ nên tạo thói quen trò chuyện với trẻ, giao tiếp với trẻ, tìm hiểu suy nghĩ của trẻ, tìm hiểu những thất bại và khó khăn của trẻ; trừ khi có vấn đề về nguyên tắc, đừng áp đặt suy nghĩ của bạn lên trẻ, khi cần cũng chỉ có thể thuyết phục, không thể ép buộc, càng không nên trừng phạt thân thể. Cha mẹ đôi khi không thể tránh khỏi việc mất bình tĩnh, nhưng sau đó cần phải suy ngẫm, có chỗ quá đáng cần phải thẳng thắn giải thích cho trẻ.
Thứ năm, ngoại trừ các vấn đề nguyên tắc liên quan đến phẩm chất đạo đức và tâm tính cá nhân, những phương diện khác đều nên để trẻ được tự do phát triển, cho phép trẻ thử và sai, khuyến khích trẻ thử những thứ khác nhau. Trẻ hay thay đổi là bình thường, lười biếng cũng là tính cách phổ biến, chỉ cần nuôi dưỡng hứng thú của trẻ chứ không cần hối thúc quá.
Những ý kiến trên đây chỉ để tham khảo. Thời trước cuộc sống còn khó khăn hơn tôi cũng không làm được tốt mọi thứ như vậy, chỉ là ý kiến từ trải nghiệm mấy chục năm quan sát. Tôi thấy tuổi trẻ không có thành tích gì cũng không thành vấn đề, nhưng ít nhất phải sống tốt, phải sống như một con người, phải có khả năng kiếm sống, lập gia đình riêng, có những điều kiện cơ bản này là đủ. Về việc có vượt lên hay xuất chúng hay không là tùy duyên. Trên đời người xuất chúng được bao nhiêu? Thành công không chỉ là thành tích ở trường học, cuộc đời còn dài sau đó cùng các loại nhân quả chuyển hóa lẫn nhau, quan trọng nhất là cố gắng hết sức làm những gì có thể làm, còn kết quả sau đó tùy duyên phận!
Nhan Thuần Câu
(Bài viết được công bố trên Up Media Đài Loan, Vision Times được trao quyền đăng lại. Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân nhà văn Hồng Kông Nhan Thuần Câu.)
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Giáo dục Trung Quốc Học sinh Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc