Chắc hẳn ai trong đời cũng ít nhất một lần tranh luận, với bất kỳ ai, về bất cứ điều gì. Tranh luận là một bản năng của con người. Ta không hài lòng vì điều gì đó, ta tranh luận. Ta tức một ai đó, ta tranh luận. Ta thấy cần thử thách một ai đó, ta tranh luận. Internet ngày này khiến công việc này trở nên thường xuyên và dễ dàng hơn. Tranh luận đem đến cảm giác thỏa mãn vì được nói và tự hào vì được người khác like.

16487698_10155010578354532_4039180747498964940_o

Nhưng có phải chúng ta tranh luận chỉ vì những điều đó? Rốt cuộc, tranh luận để làm gì?

Hãy lấy một ví dụ gần đây để thử xem xét: Donald Trump. Rất nhiều người Việt đã và đang tranh luận xem Trump là một tổng thống tồi hay một lãnh đạo vĩ đại. Những người có cảm tình với Obama đương nhiên nghĩ rằng Trump rất tồi tệ. Ai trân trọng nữ quyền và quyền thân thể phụ nữ nghĩ Trump là lão dê xồm. Những người tôn vinh nhân quyền nghĩ rằng Trump đang vi phạm các quyền con người cơ bản… Ngược lại, cũng có 1001 lý do để ai đó ủng hộ Trump – một tổng thống dám nghĩ, dám làm; một lãnh đạo bình dân, bộc trực; một lãnh tụ kinh tế mà nước Mỹ đang cần; một hình mẫu mà Ku Búa lăng xê… Thế là hai bên lao vào nhau, tranh cãi, thậm chí vài trường hợp sỉ vả nhau. Những người ủng hộ Trump không thể tin nổi lại có đám người ngu si và những ai phản đối Trump thề có chúa lũ cuồng kia là đám bỏ đi.

Cuối cùng thì mèo lại hoàn mèo. Tranh luận như vậy là tranh luận vộ ích. Thích hay ghét một ai đó nằm ở trái tim và trải nghiệm, mỗi người một khác nhau. Dùng lý lẽ để bắt ai đó từ bỏ tình cảm hay thay đổi trải nghiệm cũng chỉ là hành vi áp đặt mà thôi.

Nhưng có người cũng từng nói với mình rằng tranh luận là để thể hiện “sự vượt trội về trí tuệ” của mình với người khác. Do đó, không cần biết có thay đổi gì không, cảm giác làm cho đối phương đuối lý cũng là một cảm giác chiến thắng.

Tốt thôi, nhưng đừng quên rằng, cần phải có một hội đồng trọng tài để phân xử ai thắng ai thua, trong bất kỳ chuyện gì, kể cả tranh luận. Đôi lúc mọi người hay tưởng tượng ra những quan tòa vô hình cầm trong tay lá phiếu like để tuyên xử ai thắng ai thua. Trên thực tế thì chẳng có ai trao cho bạn huân chương nào cả ngoài sự tự kỷ bản thân. Mình nghĩ những thứ đó chỉ là ảo ảnh.

Tranh luận với mình suy cho cùng không phải để vượt trội hơn ai, hay chiến thắng bất kỳ ai, mà là hy vọng người đối diện có thêm thông tin để hy vọng họ có thể hiểu mình hơn. Hy vọng hai lần vì không có điều gì là chắc chắn cả.

Nếu có điều gì mình học được từ việc tìm hiểu về thế giới này cho đến bây giờ, đó là không ai đáng bị gắn một cái mũ chỉ vì một điều ta biết về họ cả. Có triệu lý do để ta ủng hộ Trump và triệu lý do để ta phản đối Trump. Mình biết có người bầu cho Trump không phải vì ủng hộ những lệnh cấm nhập cư, hay bức tường, hay các quyết sách về môi trường của Trump, mà đơn giản vì người đó nghĩ rằng chính quyền của Obama không đối xử tốt với cảnh sát và cựu quân nhân – điều mà Trump hứa sẽ làm tốt hơn. Hay có những người dù có xu hướng tính dục đồng tính và là dân da màu nhưng vẫn bỏ phiếu cho đảng viên Cộng hòa, đơn giản vì với họ, sự sống của một đứa trẻ chưa sinh ra đời là quan trọng nhất và họ không thể bầu cho một đảng viên Dân chủ cho dù người này có ủng hộ quyền của LGBT đến đâu. Mỗi người có một câu chuyện, một trải nghiệm, một ưu tiên, một hệ đạo đức. Ghép họ vào những tầng lớp người khác nhau là một sai lầm mà nhiều nước đã mắc phải và không nên tiếp tục.

Từ ngày hiểu như vậy, tranh luận với mình nhẹ nhàng và thú vị hơn rất nhiều. Mình tin rằng ai cũng xứng đáng để mình học hỏi và họ cũng xứng đáng được biết mình nghĩ gì. Chẳng phải chính sự giao lưu tư tưởng đó đã giúp chúng ta cùng tồn tại với nhau cho đến lúc này?

Tất nhiên, tôn trọng sự khác biệt không có nghĩa là ta thờ ơ với những cái sai, cái trái giá trị. Nước Mỹ họ tranh luận cũng giống chúng ta, người Anh họ cãi nhau không khác gì người Việt, nhưng khi cần giải quyết vấn đề, họ mang nhau ra tòa, họ vận động để công chúng ủng hộ họ, và họ bỏ phiếu (thật tiếc rằng chúng ta không có được lòng tin vào một hệ thống dân chủ để ta làm điều đó, vậy thì chúng ta cũng phải cố gắng để kiến tạo). Những người không hiểu chuyện sẽ thấy tại sao các nước dân chủ lại “rối ren” thế, dân suốt ngày cãi nhau, không lo làm ăn thế? Nhưng một quốc gia dân chủ thực thụ (chứ không phải giả hiệu) thì không bao giờ chết vì con người luôn được vận động, tư duy, và có lòng tin rằng họ làm chủ đất nước thật và họ không cần phải bỏ xứ ra đi.

Mình sẽ thấy đáng tiếc nếu ai đó sử dụng những chiêu hèn kế bẩn chỉ để làm đối phương tức điên vì như vậy, họ đã bỏ rơi một cơ hội được học hỏi điều khác lạ. Mình cũng sẽ thấy buồn nếu ai đó từ bỏ tranh luận với các tặc lưỡi “lũ ngu, đời sao lắm kẻ ngu thế” vì làm sao họ có thể sống trong một xã hội toàn loài ngu và chỉ mình ta tỉnh như thế? Mình càng thấy đáng tiếc hơn cho những ai tranh luận chỉ để chứng tỏ ta hơn người vì suy cho cùng không ai khổ bằng thằng chột sống giữa xứ mù.

Làm cho kẻ khác xấu hổ không khiến ta đáng tự hào hơn. Dìm người khác xuống vực sâu không làm cho chúng ta cao thêm. Bảo kẻ khác ngu không chứng tỏ chúng ta đúng. Gọi kẻ khác là phản động không có nghĩa là chân lý thuộc về ta hay phỉ nhổ kẻ khác là chống lại nhân quyền chưa chắc có nghĩa là ta thực sự hiểu về tự do. Tranh luận đòi hỏi một sự cởi mở và là một công cụ để học. Những nhà khoa học vĩ đại một cách thầm lặng khi họ dám thừa nhận học thuyết của mình sai để cho kẻ kế thừa không đi theo vết xe đổ của họ nữa. Đó chính là cách để con người tìm ra điểm cân bằng sao cho chiếc xe đạp thời gian đang chạy không ngã quỵ về bất kỳ bên nào.

Cuối cùng thì mình lấy ví dụ về Trump cho gần gũi và dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Rồi sẽ có lúc những gì chúng ta đang nói về nước Mỹ sẽ rất hiện hữu ở Việt Nam, thậm chí mình tin rằng nó đã hiện hữu rồi. Xin đừng chỉ bàn chuyện nước Mỹ mà quên đi rằng nơi ta sống và trả thuế là Việt Nam có những vết thủng tương tự cần sự chung tay sửa chữa, bằng bất cứ cách nào.

Facebook Lê Nguyễn Duy Hậu