Dân miền Trung thèm ăn cá
- FB BÙI LAN ANH
- •
Cô em gái trong Quảng Trị gọi điện ra than thở: “chị à, mấy tháng ròng không ăn cá biển, không ăn hải sản em thèm quá. Hôm rồi, các ông Bộ trưởng kêu biển sạch, rồi đi tắm biển tùm lum, thấy tin quá, em liều ra chợ, mua mấy chục nghìn cá nục về ăn. Lâu không ăn cá, chao ôi là cái vị mặn mòi, ngon không kể được chị ạ! Mà răng bữa ni họ lại bảo ghẹ nhiễm độc, ghẹ Phenol, với cả Cyanua. Thôi tóm lại là răng? Dân biển quê em, không có cá, em sống không nổi chị…“
Nghe giọng em háo hức, rồi chùng xuống, thấy chạnh lòng.
Miền Trung cũng là quê tôi.
Biển gắn với con người miền Trung, như khúc ruột, như nguồn sống của họ. Tôm cá, không chỉ nuôi sống, mà còn là nguồn thu nhập chính cho những con người nắng gió ấy. Tôi từng đi qua những vùng biển, những bờ cát trắng, những làng quê biển nghèo. Những con tàu ra khơi đánh cá, dù được, hay thua, khi trở về, với họ vẫn là những giọt nước mắt, mặn mòi như vị của biển. Tàu gần bờ, tàu xa bờ, hay chỉ cần là thuyền thúng nhỏ, cũng đã là kế mưu sinh cho những con người nơi đây. Một thuyền thúng nhỏ, nếu ra biển, không kiếm vài ba trăm bạc, thì khi về, ít cũng có vài con mực, vài con cá cho bữa cơm thuyền chài.
Cá nấu thuyền chài cũng lạ lắm nhé. Nếu tàu đi dài ngày, thì ngư dân nấu luôn trên tàu thì khỏi nói. Nhưng nếu đánh trong ngày, chỉ cần 3 hòn gạch, lên bờ biển, cạnh một bãi cát vắng nào đó kê làm bếp. Củi lửa thì đã có biển đánh dạt lên, cây gãy khô trên bờ biển. Nhóm bếp. Bắc nồi. Chỉ cần cho nước mắm, đôi khi chỉ là muối, ớt, rất nhiều ớt bột, một ít chay… Nước sôi sùng sục thì đổ cá vào. Vài phút là đã có món mặn kiểu thuyền chài. Tôi xin thử. Ngoài cái vị cay xé lưỡi của thức ăn mặn của người miền Trung, thì nấu cá kiểu này, giữ nguyên vị ngọt, vị thơm của cá khi vừa đánh bắt lên. Mấy ông ngư dân, thêm chai rượu khề khà bên bãi biển. Cái thú này, không phải ai cũng được hưởng. Nhưng chắc chỉ là cái thú của mấy đứa thành thị cảm nhận, còn với họ, đơn giản đó chỉ là một bữa cơm. Một bữa cơm từ biển…
Trong đợt đi làm vụ Formosa, nhìn những người dân miền Trung đi dọc bờ biển, tay vớt cá, những cá mú, cá song, cá vẩu, cá bớp… những khuôn mặt thất thần, đau khổ, tôi khóc. Những con cá là nguồn sống của họ, nay phải tự tay nhặt mang đi chôn. Nặng trĩu những bao tải cá, là nặng trĩu những nỗi lòng ngư dân miền biển. Nhiều người trong số họ, vừa nhặt cá, vừa khóc. Những nỗi hoang mang, bất định đến với họ, cho đến nay, vẫn chưa thể có câu trả lời. Từ những ngày đó, bữa cơm của người dân quê tôi, vắng cá.
Sự chờ đợi mệt mỏi, day dứt cứ thế lớn dần.
Miền Trung nắng gió, miền Trung bão tố.. Xa bờ, xa hậu phương vững chắc, trên biển, ngư dân đối mặt với không ít hiểm nguy. Nhưng có những người, dù đổ máu, dù mất tàu, dù bị cướp… vẫn kiên quyết đóng lại tàu, để lại ra khơi. Ở miền Trung, có những bà mẹ, những người vợ mong ngóng chồng từ những chuyến đánh bắt xa bờ trở về. Nhiều tháng nay, tàu nằm bờ, thuyền ghe phải phủ bạt bởi chẳng thể ra khơi. Nỗi nhớ mong chồng, nay trở thành xa xỉ… 263.000 người ảnh hưởng bởi ô nhiễm biển miền Trung.
Họ là những người đánh dấu, góp phần canh giữ chủ quyền của Tổ quốc.
Họ, những thuyền thúng thuyền nan, những làng quê nghèo liêu xiêu, mang những trọng trách nặng nề từ những người con nơi đất liền gửi gắm.
Đất nước, hơn 3000 cây số bờ biển, khúc ruột miền Trung với đường bờ biển dài, đang quặn thắt trong những ngày sóng gió.
Chưa biết đến bao giờ, những con tàu mới có thể lại ra khơi.
Chưa biết đến bao giờ, bữa cơm của người dân quê tôi, sẽ lại có thêm vị mặn mòi từ cá…
Từ khóa Formosa miền Trung thảm họa môi trường miền Trung