Mấy năm trước tôi từng phẫn nộ phải viết bài “Thiên tài không xuất hiện ở VN” khi chứng kiến cơn ném đá vô lối vào cậu bé Đỗ Nhật Nam chỉ vì cậu “thiếu lễ phép khi không nhìn vào người đối diện”. Cậu nói “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” rồi “muốn thành chuyên gia mật mã”… và nhận cơn mưa đá dạy dỗ lên lớp của cộng đồng.

van mieu
(Ảnh minh hoạ: Đỗ Nhật Nam và Văn miếu Quốc Tử Giám được sơn mới)

Nhưng cũng chính tôi sau đó và bây giờ lại ớn lạnh khiếp đảm những cơn cuồng mộ của các bà mẹ dành cho cậu. Rồi những thần đồng thần tượng gì đó mà người ta tung hô về cậu, và cám cảnh cho bao đứa trẻ đang bị so sánh, gò ép và uốn cho giống như cậu bé. Cái gì thái quá cũng thật đáng sợ, bị ai đó ghét đã mệt, mà bị ai yêu quá cũng sợ nốt. Cảm xúc của đám đông lại càng ngợp; và khi số đông quyết định cái gì đó là hình mẫu, là tiêu chuẩn, là “thần đồng” thì…

Mấy hôm nay những chuyện gây ồn ào dân mạng nhất hầu hết liên quan đến đến di sản và thẩm mỹ: rồng Pikachu, Văn Miếu, trùng tu di sản Huế… cũng như rất nhiều vấn đề khác. Tôi tin rằng đây là hệ quả của tư duy ào ạt mà tôi nói ở trên. Khi các cha mẹ nông dân tìm mọi cách cho con học đại học, mà luôn né tránh ngành nông nghiệp; khi các phụ huynh thành phố tìm mọi cách đưa con vào những ngành thương mại, kinh tế tài chính; khi các học sinh bị bắt buộc phải giỏi Toán, ngoại ngữ bằng mọi giá, và luôn có các “thần đồng” làm hình mẫu, khi mọi thước đo thành công đều được quy đổi ra tiền… thì mọi thứ giá trị khác sẽ không được để tâm, xem trọng.

Tôi hầu như không thấy trẻ em/người lớn chúng ta được dạy dỗ hay hướng dẫn để tìm ra và nâng niu những giá trị xung quanh mình; và xây đắp vun trồng cuộc sống ngay cạnh mình. Từ viên sỏi, hòn đá, cái cây, con đường… ngay trước mắt ta đều có vẻ đẹp, linh hồn riêng; nhưng bố mẹ còn bận bắt trẻ đọc sách thần đồng, theo các lớp phụ đạo thông minh sớm, kích não… nên chúng đánh mất cơ hội khám phá những điều gần gũi ấy.

Những công chức máy lạnh bị thuyết phục rằng chỉ bằng cấp Tây Tàu mới giúp được con họ có chỗ đứng trong đời, người trẻ được thuyết phục rằng phải nghe Pop Rock, uống Starbucks mới sành điệu; người nông dân tin rằng con nông dân lại học nông nghiệp hay thuỷ lợi là ngu ngốc, đi giật lùi… Họ chọn những thứ vô cùng xa lạ và… thất nghiệp. Cả xã hội cuồng loạn đuổi theo những vầng sáng xanh đỏ, chẳng cần biết đó là gì, có hợp với mình không?

Những ảo ảnh này làm không ai còn thấy được vẻ đẹp xung quanh, xem trọng những điều gần gũi, tìm thấy hạnh phúc trong sự bình dị. Phải hoành tráng, phải “làm cách mạng” phải to tát… mới đáng được quan tâm. Thế nên người việc người ta đục bỏ, trát xi măng lên, tô sơn làm mới di tích, biến bông hoa thành khuôn bánh trung thu thì cũng chả có gì lạ. Ý thức về giá trị xung quanh đâu được đào tạo và ngấm vào máu.

Người Ý giữ những con đường lát đá cả nghìn năm tuổi. Cảnh sát cưỡi ngựa trên đó. Họ không “làm cách mạng” biến thành đường nhựa để đi ô tô.

Ở đó không có khuôn bánh trung thu chế từ di tích, cũng chẳng có các lớp đúc khuôn trẻ thành “thần đồng”.