“Như con cá sống trong nước sẽ không hiểu ý nghĩa của nước, như mỗi chúng ta từng giây từng phút hít thở sẽ coi khí trời như không hề tồn tại. Đưa con cá lên bờ, nhấn đầu chúng ta vào nước, khi ấy cả cá và người sẽ hiểu được tầm quan trọng của những gì chúng ta đã từng phớt lờ hoặc mặc định là hiển nhiên…”
14188290_10210069547077535_7358586183050181615_o
Vết tích chiến tranh trên các toà nhà ở Sarajevo

Khi biết tôi chuẩn bị đến Sarajevo dự hội thảo, Aida òa khóc.

Aida xuất thân từ Nam Tư cũ, đất nước với cuộc nội chiến đẫm máu giữa người Thiên Chúa giáo Orthodox dòng Serbs và người Hồi giáo dòng Sunni. Bản thân Aida là kết quả của cuộc hôn nhân giữa hai dòng máu và hai tôn giáo.

Vào năm 1995, khi cuộc tàn sát man rợ nhất trên lãnh thổ châu Âu kể từ sau Thế chiến 2 diễn ra, Aida vẫn còn là một cô bé con 5 tuổi. Nhưng cô nhớ rất rõ cái đói, cái khát, sự hoảng sợ tột cùng, tiếng khóc than, và hơn tất cả là tiếng súng xé toang lồng ngực của bố và anh trai cô ngay khi hai mẹ con vừa bị lính Serbs đẩy dúi lên xe tải. Mẹ cô thò đầu ra ngoài gào thét điên dại khi nhìn thấy hàng trăm thân hình đàn ông đổ ập lên nhau dưới làn mưa đạn.

Gần 8.000 người Hồi giáo Bosniak trở thành nạn nhân của cuộc thảm sát, 8.000 đàn ông và nam thiếu niên. Đau xót hơn, họ hầu hết là những người tị nạn tìm đến chỗ nương náu cuối cùng tại một doanh trại của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Lính mũ nồi xanh tại doanh trại này (gồm lính chủ lực Hà Lan) tin lời hứa của quân đội Serbs nên đã ra lệnh cho dân Hồi tị nạn phải rời doanh trại. Trắng trợn nuốt lời hứa, ngay sau khi tách đàn ông và nam thiếu niên ra khỏi đám phụ nữ và trẻ em tại cổng doanh trại, lính Serbs xả súng giết toàn bộ những thường dân còn chưa kịp biến thành tù nhân.

Hố chôn người tập thể chi chít khắp Srebrenica. Tướng đứng đầu quân đội Serbs là Mladic tuyên bố thẳng thừng, mục tiêu của chính phủ Serbs là dù Nam Tư đã tan rã nhưng vẫn kiên quyết không để cho bộ phận người Hồi Bosniak có thể tách ra thành lập một quốc gia Hồi giáo ngay giữa lòng châu Âu.

Thành phố của 3 tôn giáo

Tôi đến Sarajevo đúng 10 năm sau cuộc diệt chủng. Sarajevo là “vùng an toàn” duy nhất không bị quân đội Serbs thực hiện sàng lọc tôn giáo và tiến hành thảm sát. Các “vùng an toàn” còn lại do Liên Hiệp Quốc thiết lập đều trở thành mồ chôn tập thể của người Hồi Bosniak.

Buổi chiều hôm ấy, tôi bước những bước đầu tiên trên lãnh thổ Bosnia, lòng kinh hãi nhìn những ngôi nhà đổ nát, những bức tường chi chít vết đạn, những nghĩa trang trắng xóa bia mộ dù năm sinh khác nhau nhưng đều nhất loạt in cùng một năm mất: 1995. Chiến tranh đã biến Sarajevo một thời huy hoàng thành chiến địa tan hoang đổ nát.

Trên thế giới có hai thành phố là nơi hội tụ đậm đặc nhất của ba tôn giáo độc thần lớn Thiên Chúa, Do Thái và Hồi giáo cùng sát cánh tồn tại từ cả ngàn năm nay: đó là Jerusalem tại Trung Đông và Sarajevo của châu Âu. Cũng chỉ có ở hai thành phố này bạn mới có thể tìm thấy những thánh đường Hồi giáo xây chung tường cùng các thánh đường Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Chỉ có ở hai thành phố này bạn mới có cơ hội chụp một bức ảnh có cả ba đỉnh chóp vầng trăng lưỡi liềm, ngôi sao David và hình thập tự. Và chỉ cần một trận chinh chiến tràn qua, cũng chỉ có ở những thành phố như Jerusalem và Sarajevo, bạn mới có thể cảm nhận thấy khoảng cách mong manh giữa tình bạn và sự hận thù.

Hai bài học đắt giá

Tôi tình cờ gặp Mark khi anh đang cọ rửa một chiếc xe 12 chỗ ngồi dày đặc bụi đường trường. Mark là huấn luyện viên võ thuật của một trường trung học, kiêm lái xe, và thợ sửa chữa xe mỗi khi có trục trặc. Anh chỉ cho tôi hai vết đạn xuyên thủng hông xe, dấu tích của cuộc chạy trốn điên cuồng giữa hai làn đạn.

Khi bước lên nhà, anh yêu cầu tôi giẫm lên vết chân đi trước của anh để tránh những phần cầu thang và hành lang dễ sập do bị bom đạn bắn phá. Bước chân vào phòng khách, tôi đứng tim khi thấy một lỗ hổng lớn giữa sàn và bức tường phía sau lò sưởi nham nhở vết đạn. Nhưng mọi đồ vật trong căn phòng đều mới. Và cái sự phẳng phiu sáng bóng trơn tru của đồ gỗ mới mua giữa những vết sẹo lồi lõm dọc ngang của căn nhà gây cảm giác vừa bí hiểm vừa tức cười. Hệt như một gã đầu gấu bị bắt mặc đồng phục học sinh ngồi yên để chụp ảnh vậy (!).

Tối hôm ấy tôi theo chân Mark đến dự một buổi sinh nhật. Cũng nhạc ầm ĩ, thịt gà nướng, tiếng cười nói râm ran và những cuộc chuyện trò chẳng ra đầu ra đũa. Nhưng bất thình lình chủ bữa tiệc ngó vào phòng khách nơi tôi đang vắt chân chữ ngũ tán phét cùng năm sáu người khác. Nụ cười của anh ta tắt phụt khi nhìn thấy tôi. Chẳng nói chẳng rằng, anh xăm xăm tiến đến, đập tay đánh đốp vào chân tôi rồi bực bội bỏ đi.

Tôi ngơ ngác ngó xung quanh chờ một lời giải thích.

Khi chưa ai kịp cất lời thì ngoài hành lang xôn xao tiếng người cãi cọ. Tôi nhận ra giọng Mark liền vụt đứng dậy bổ ra ngoài. Chủ bữa tiệc và Mark đang đấu khẩu dữ dội. Mặt Mark đỏ lựng. Vừa nhìn thấy tôi, anh dằn mạnh cốc nước xuống bàn rồi nắm tay tôi lôi đi. Tất cả mọi người trong bữa tiệc đã dừng nói chuyện và vây quanh. Một người trung niên đứng ra cản đường Mark nhưng anh kiên quyết gạt tay ông ra và kéo tôi về phía cửa. Lúc ấy chủ bữa tiệc từ phía góc nhà bất thần lên tiếng:

– Mark! Đừng quên anh là người Bosniak!

Mark quay lại, anh nói rất chậm, dằn từng tiếng:

– Tôi không phải là người Bosniak! Tôi là người Nam Tư!

Buổi tối hôm ấy dù có một kết thúc buồn, tôi học được hai bài học đắt giá. Thứ nhất, đó là khi trò chuyện với người Hồi không bao giờ được ngồi hướng bàn chân về phía người đối diện. Đó là một sự xúc phạm lớn vì bàn chân được coi là nơi bẩn thỉu. Bài học thứ hai là sự khó nhọc của việc hàn gắn những vết thương nội chiến, nhất là khi cuộc chiến tranh ấy không xảy ra giữa những người xa lạ mà là giữa anh em một nhà. Mark giận dữ vì bạn anh ứng xử thiếu tế nhị với tôi, đi ngược lại truyền thống hiếu khách của người Hồi. Bạn anh (lầm tưởng tôi là người Thiên Chúa), giận dữ vì Mark coi trọng một kẻ mới quen biết hơn sự nghiêm minh của tôn giáo. Bị dồn đến chân tường, Mark tuyên bố phủ nhận nguồn gốc Bosniak và dùng lại cái tên Nam Tư – một cái tên đã chết.

***

Mỗi lần nhớ đến Bosnia và Nam Tư, tôi lại thầm cảm ơn ba mẹ đã sinh ra mình trong thời bình. Đất nước loạn lạc chia cắt, khi bạn bè quốc tế hỏi thăm, tôi thường chỉ nghĩ một cách giản đơn: “Với tôi, ai thắng thua có lẽ không còn quá quan trọng, điều thiêng liêng nhất là giờ đây đất nước tôi liền một mối, để cái tên VN sẽ không phải như Nam Tư, trở thành một cái tên dù đã chết trên trang sử mà vẫn phải thoi thóp sống trong trái tim của mỗi người dân không thể nào bỏ qua quá khứ”.

Những chuyến đi qua từng dải đất xa xôi cũng khiến tôi hiểu thêm sự mạnh mẽ của mối dây liên kết với quê hương. Sống xa nhà, đồ ăn thập cẩm, đôi khi cả năm không thốt ra một từ tiếng Việt, nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy chất Việt trong mình cuộn chảy rõ ràng như những năm tháng quăng quật trên đường dài.

Như con cá sống trong nước sẽ không hiểu ý nghĩa của nước, như mỗi chúng ta từng giây từng phút hít thở sẽ coi khí trời như không hề tồn tại. Đưa con cá lên bờ, nhấn đầu chúng ta vào nước, khi ấy cả cá và người sẽ hiểu được tầm quan trọng của những gì chúng ta đã từng phớt lờ hoặc mặc định là hiển nhiên.

Bước chân ra ngoài lũy tre làng, ra ngoài biên giới, ra ngoài sự ấm êm và thoải mái cũng vậy, nó khiến tôi như con cá choáng nắng, thốt nhiên hiểu được chất Việt trong từng mạch máu ý nghĩ của mình, những điều mà nếu cứ ở hoài trong nước có lẽ chẳng biết đến bao giờ tôi mới nhận ra.