“Tôi muốn được sống đúng như một con người!”
- Blog Giang Kỳ Sinh
- •
Tháng 12 năm ngoái, sau khi đọc xong bản thảo 10 quyển “Lịch sử cuộc vận động dân chủ năm 1989”, tôi đã không khỏi hồi tưởng lại sự kiện này. Chương 9 của quyển thứ 4 bộ sách này có tiêu đề “Phong trào vận động của học sinh sinh viên đi đến cao trào”. Khi đọc đến chương này, tôi không kìm nén được nước mắt, tâm trí tôi quay trở lại ngày 27/4/1989, một ngày mà cả đời này tôi không thể nào quên.
Buổi chiều hôm đó, tôi đi xe đến cầu Phục Hưng Môn. Tấm biểu ngữ “Đại học Nhân dân Trung Quốc” dẫn đầu đoàn diễu hành ngày 27/4 bay phấp phới trong gió, bên trên bên dưới cầu chật kín người, không ngừng vỗ tay reo hò cổ vũ, từng tràng từng tràng một. Đến lúc cuối, do dòng người không ngừng đổ về từ cả phía bắc và phía nam, nhóm diễu hành phải men theo phía trong đại lộ Phục Hưng Môn mà đi. Những người công nhân đang xây dựng tòa nhà Parkson đứng trên dàn giáo gần đó cũng thường xuyên vẫy tay cổ động, những người đứng cạnh tôi và khắp xung quanh đó đều hô lớn, người dân ở Bắc Kinh cũng phấn khích lạ thường, hòa vào cùng dòng người lớn, tạo nên một cảnh tượng lịch sử hết sức chấn động. May mắn được là một chứng nhân trực tiếp chứng kiến, tôi cũng cảm thấy rất xung động và hào hứng: đối với một quốc gia và dân tộc mà nói, đây thực sự là một sự đồng tâm nhất trí và phối hợp chân thành rất đáng trân trọng.
Cùng với cảm hứng phấn khích trong ngày đại diễu hành 27/4 đó, đến ngày 17/5, đúng 5 ngày sau khi cuộc biểu tình tuyệt thực lên đến cao trào, tôi hòa mình cùng với hàng triệu người tham gia. Một lần nữa cảm giác xung động và hào sảng dấy lên trong tâm. Những người dân phổ thông, từ trẻ em đến những ông lão tóc bạc phơ, tay trong tay cùng tiến vào Đại lộ Trường An, muốn thể hiện tiếng nói từ tận đáy lòng mình, từ tận tâm can muốn được biểu đạt ý nguyện làm người của bản thân, đây quả thực là một bức tranh lịch sử minh chứng cho câu “nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý”, tức là người cốt đồng lòng, đồng lòng cốt ở ý.
Loại cảm giác xúc động hưng phấn này cho đến nay, sau tận 28 năm vẫn còn lại nguyên vẹn như thuở ban đầu. Tôi tự hỏi xem liệu có phải nội tại bản thân mình có mối liên kết sâu sắc nào với cuộc vận động dân chủ năm 1989 hay không? Tôi nghĩ, đáp án khẳng định là có. Một loại cảm giác xúc động hưng phấn không cách nào có thể quên đi được ấy, giống như muốn nêu ra một sự thật cơ bản không thể chối cãi: chính là nhiệt tâm sôi sục và mong mỏi cháy bỏng của những người tham gia vào cuộc vận động dân chủ năm 1989, có thể nói ngắn gọn trong 9 chữ:
Tôi muốn được sống đúng như một con người!
Đến nay, sau 28 năm, nhiều người vẫn khó mà hiểu được rằng “muốn được sống đúng như một con người” chính là phải kiên trì lấy quyền lợi và lương tri như là yêu cầu then chốt của cái gốc làm người. Có thể giữ vững được điểm then chốt làm người này, thì sẽ có thể “được sống đúng như một con người”, nếu như không ngừng nâng cao yêu cầu then chốt này của bản thân, thì sẽ không ngừng “được sống đúng như một con người”.
Có một bài viết trên Wechat mà tôi rất tâm đắc, trong đó có đoạn: “Bạn có thể chuyên tâm vào công việc, bạn có thể phát tài, hay bạn có thể kiếm lợi cho mình. Nhưng ít nhất thì bạn cũng phải biết thế nào là đen, thế nào là trắng; thế nào là đúng, thế nào là sai. Bạn có thể không lý giải được, có thể im lặng, nhưng ít nhất cũng phải làm được: không đứng sau ủng hộ cho một chính quyền tà ác, không vì quyền lực mà ca công tụng đức. Đó chính là ranh giới then chốt để sống đúng như một con người ở trong cái thời đại này.” Tác giả của bài viết này tin rằng, nếu như bạn đứng sau ủng hộ cho chính quyền tà ác, vì quyền lực mà ca công tụng đức, thì bạn đã đi quá giới hạn làm người. Cũng có thể hiểu rằng, đó chính là bạn đang sống không đúng như một con người.
Dưới chế độ độc tài toàn trị của Liên Xô, nhà bất đồng chính kiến Alexander Solzhenitsyn, từng đề xuất ranh giới làm người là “đừng sống bằng dối trá”, trong đó đưa ra những yêu cầu cụ thể và ranh giới rõ ràng. Nếu như có thể giữ vững ranh giới này, thì có thể sống đúng hơn với tinh thần công dân, sống đúng như một con người. Ranh giới này gồm có 8 điều, sau này lại được truyền tải trong tác phẩm “Nếu không dám sống không dối trá, thì sẽ hết hy vọng”.
Nếu bạn không chỉ muốn sống như một con người, mà còn muốn vượt trên cả giới hạn đó, sống như một con người dũng cảm, thì cần phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và tinh thần, mới có thể giữ vững ranh giới làm một người dũng cảm. Đương nhiên, người dũng cảm cũng phân ra nhiều mức độ khác nhau, có người thì không sợ bị khuấy động cuộc sống, có người không sợ bị bắt giữ, có người không sợ bị tịch thu tài sản, v.v.. Nhưng cho dù bạn tự chọn xem làm người dũng cảm ở góc độ nào, cũng đều phải chuẩn bị để giữ vững ranh giới làm người tương ứng.
Nếu như bạn bị kỳ thị, bị phê phán, hoặc phản đối một chế độ đảng chuyên chính nào đó mà trở thành tù nhân chính trị, vậy thì cũng phải giữ ranh giới làm người của tù nhân chính trị. Thế nào là ranh giới làm người của tù chính trị Trung Quốc? Ở phương diện này, tôi đồng tình với quan điểm của ông Lý Hòa Bình, một luật sư nhân quyền Trung Quốc, nạn nhân bị bắt giữ trong “sự kiện 709” năm 2015 khi Bộ Công an Trung Quốc truy quét bắt bớ hàng loạt luật sư đấu tranh vì nhân quyền trên toàn quốc. Ông Lý Hòa Bình cho rằng, tù chính trị ít nhất cũng phải không được nhận tội, không tự lừa dối nói không thành có. Trong “sự kiện 709” này, còn có ông Ngô Cam cũng luôn kiên trì với ranh giới của mình, không cúi đầu trước cái ác, không bước sang hàng ngũ của tà ác.
Một trường hợp khác, ông Triệu Tử Dương, người ủng hộ sinh viên đòi dân chủ hóa đã “bị loại” ngay sau cuộc thảm sát năm 1989, bị quản thúc cho tới tận khi qua đời và hình ảnh ông cũng bị cấm lưu hành tại Trung Quốc. Nhưng đến cuối đời, ông cũng vẫn dũng cảm lên tiếng hé lộ những thông tin về vụ thảm sát đẫm máu năm xưa.
Mong muốn “được sống đúng như một con người” cũng có ý nghĩa phổ quát. Tỷ phú Quách Văn Quý, người từng có quan hệ mật thiết với các quan chức cấp cao thuộc phe ông Giang Trạch Dân, cũng đã công khai tuyên bố sẽ đoạn tuyệt lối sống tệ hại trước đây, mỗi ngày đều nghiêm khắc với bản thân để không phạm phải những việc nhơ nhuốc làm hại dân tộc Trung Quốc. Hiện ông Quách Văn Quý vẫn đang sống lưu vong ở nước ngoài. Ông từng bị các nhà chức trách Trung Quốc điều tra vài lần. Tới nay chưa có cáo buộc nào được đưa ra và ông Quý nói rằng mình không làm gì sai trái.
Sống đúng như một con người, đó hẳn là yêu sinh mệnh, yêu chân lý của cuộc sống. Nếu không sống như một con người, thì tôn nghiêm của người ta có thế giữ được hay không? Hạnh phúc nhân sinh đến từ đâu? Điều gì có thể khiến người ta cảm thấy mãn nguyện? Sống đúng như một con người, thì mới hiểu được ý nghĩa thực sự của việc sống khỏe mạnh hơn, tâm mở rộng hơn, nhu thuận ưu nhã hơn, đồng thời cũng có giá trị và phẩm vị hơn. Nếu người dân một quốc gia, ai cũng có thể sống đúng như một con người, có giá trị nhân phẩm, thì quốc gia đó sẽ trở thành một quốc gia đúng nghĩa. Để Trung Quốc có thể phục hưng và quật khởi, mỗi người dân Trung Quốc đều phải nỗ lực, đó mới thực sự là chính lý và chính đạo, đó mới là tình yêu nước chân chính và đích thực.
Blog Giang Kỳ Sinh
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm cá nhân tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa nhân quyền ở Trung Quốc Thiên An Môn Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ