Thương tiếc một nhà sử học có tâm
- Lê Nguyễn
- •
Tin về sự ra đi của giáo sư Phan Huy Lê khiến cho nhiều người sửng sốt và tiếc thương.
Đó là một “hiện tượng” đáng ngạc nhiên vào thời buổi mà các giá trị xã hội đang bị đảo lộn rất nhiều. Thời buổi mà sự ra đi của nhiều người đã hay đang nằm trong những bộ máy đặt dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của chính quyền thường nhận được sự thờ ơ, thậm chí hả hê của công chúng. Nhưng với giáo sư Phan Huy Lê lại khác. Ông từng là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngành khoa học một thời đã được chỉ đạo sát sao nhằm phục vụ cho một cuộc chiến đòi hỏi phải lèo lái các vấn đề lịch sử theo những chiều hướng định sẵn. Và quán tính đó vẫn kéo dài cho đến mấy thập kỷ sau khi nước nhà đã trở về một mối. Ông đã dũng cảm đi ngược lại quán tính đó!
Tôi không biết nhiều về ông, cho đến một ngày đọc được những cảm nghĩ của ông về bộ tạp chí Sử Địa do các anh em trí thức miền Nam phát hành vào những năm 1966-1975, những cảm nghĩ trung thực và khách quan, không mang màu sắc chính trị như nhiều người hoạt động trong cùng một ngành nghề với ông, trước ông hay cùng thời với ông. Nhưng cuộc hội thảo cấp quốc gia về nhà Nguyễn và vương triều Nguyễn do ông tổ chức tại Thanh Hóa năm 2008 mới là công lao đóng góp lớn lao của ông nhằm trả lại nhiều sự thật cho lịch sử, gián tiếp phản bác lại những luận điệu méo mó, xuyên tạc đã được áp đặt cho nhà Nguyễn trong một thời gian dài và vẫn chưa có chiều hướng kết thúc. Tuy cuộc hội thảo chưa mang lại nhiều kết quả cụ thể như mong muốn và bản thân giáo sư phải hứng chịu búa rìu của không ít kẻ cực đoan, song nó là sự tiếp nối đáng trân trọng của một khuynh hướng đang ngày càng chiếm ưu thế trong lãnh vực học hỏi, nghiên cứu nhằm mang lại tính khách quan, trung thực và công bằng cho lịch sử.
Với tư cách một người trước năm 1975 không ở cùng một chiến tuyến với ông, tôi chân thành thương tiếc ông, một người biết sống với lương tri, ít nhất trong những năm cuối đời. Và buồn lòng khi thấy những con người có tâm lại sớm ra đi, còn bọn ăn hại đái nát sao cứ sống dài dài để tiếp tục ngự trị trên nỗi đau thương của đất nước, của dân tộc này.
23/6/2018
Theo Facebook Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn
Xem thêm:
Từ khóa nhà Nguyễn Nguyễn Ánh GS Phan Huy Lê sử học