Hiểm họa từ đợt dịch thứ hai ở Trung Quốc
- Đặng Sơn Duân
- •
Nguy cơ dịch bùng phát lần 2, liệu ĐCSTQ có đang nung nấu ý định chuyển lửa ra ngoài và đoàn kết nội bộ đảng bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng lớn ở khu vực, như là khủng hoảng eo biển Đài Loan, khủng hoảng Hoa Đông (Senkaku/Điếu Ngư) hoặc khủng hoảng Biển Đông?
Trung Quốc hiện lo ngại đợt dịch thứ hai sẽ ùa đến, đẩy nước này quay trở lại tình trạng cách ly xã hội như hơn hai tháng qua. Hiện có vài diễn biến lo ngại từ phản ứng của Trung Quốc cho thấy đợt dịch thứ hai có thể đã thấp thoáng.
Khác với đợt đầu, đợt dịch thứ hai nếu bùng phát có thể đẩy căng thẳng xã hội, chính trị, kinh tế ở Trung Quốc lên đến tột cùng vì sức chịu đựng của người dân cũng như mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc vượt quá giới hạn.
Điều này sẽ tác động đến tính toán của Trung Nam Hải, thúc đẩy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nung nấu ý định chuyển lửa ra ngoài và đoàn kết nội bộ đảng bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng lớn ở khu vực, như là khủng hoảng eo biển Đài Loan, khủng hoảng Hoa Đông (Senkaku/Điếu Ngư) hoặc khủng hoảng Biển Đông.
Nhiều diễn biến trong thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang dịch chuyển thái độ theo hướng hung hăng, không ngại khiêu khích hơn ở cả ba khu vực trên.
> Newt Gingrich: Đại dịch đến từ sự dối trá và bất lương của ĐCSTQ
Tại Hoa Đông vừa mới xảy ra vụ tàu cá Trung Quốc mà thực chất là tàu dân quân biển vỏ thép đâm tàu hải quân Nhật Bản.
Tại eo biển Đài Loan, không chỉ thường xuyên triển khai oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, trinh sát cơ bay vòng quanh hòn đảo này, nhiều xuồng cao tốc Trung Quốc đã đâm va tàu tuần duyên Đài Loan ở gần đảo Kim Môn một cách có ý đồ.
Tại Biển Đông, Trung Quốc tăng cường âm mưu tuyên truyền vu vạ, bêu xấu tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển nước này với ý đồ do thám.
Một diễn biến đang lo ngại mới nhất là Trung Quốc mới đây tung tin phao SF305 của Trung tâm kỹ thuật và khảo sát Nam Hải thuộc Bộ Tài Nguyên Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa bị phá hoại có chủ đích và hướng dư luận cho rằng ngư dân Việt Nam là thủ phạm.
Những sự kiện này khiến người ta không khỏi nghi ngờ về việc Trung Quốc đang dọn dư luận để chuẩn bị trấn áp mạnh tay ngư dân Việt Nam. Theo đó, những cảnh xả súng tàn sát ngư dân Việt có thể tái diễn, từ đó châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn ở Biển Đông.
Cũng như thế, các diễn biến ở Hoa Đông và eo biển Đài Loan có thể là âm mưu của Trung Quốc chuẩn bị bối cảnh cho việc leo thang để có thể tùy nghi châm ngòi khủng hoảng khi cần.
Trong lúc đó, hai tàu sân bay của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan gần như bị loại khỏi vòng chiến vì lây nhiễm virus Vũ Hán.
Tình thế này cũng có thể là chất xúc tác khiến Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn cho một cuộc phiêu lưu dưới ngưỡng chiến tranh ở khu vực nếu đợt dịch thứ hai bùng phát.
Đặng Sơn Duân (Nhà báo)
Đăng theo Facebook Duan Dang dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa đợt dịch thứ hai âm mưu của ĐCSTQ tranh chấp biển Đông Dòng sự kiện