Ảnh minh hoạ (Pixabay)
Ảnh minh hoạ (Pixabay)

Tranh thủ ngày chủ nhật đọc hết cuốn Mật mã Tây Tạng. Cuốn này gây bão lâu rồi, nhưng có cái tật là hễ sách nào nổi quá, thì lại không đọc vội. Đọc hết gần 500 trang múa bút của Hạ Mã, chỉ thấy tâm đắc mỗi một câu:

TÍN NGƯỠNG GIÚP LẤP ĐI NHỮNG KHOẢNG TRỐNG.

Vậy là hiểu, tại sao, tôi, một người có bản khai lý lịch, ở mục Tôn giáo, ghi KHÔNG luôn có những khoảng trống khủng khiếp như vậy, hoang mang như vậy. Và nếu chỉ dừng ở Tôi, chuyện cũng không có gì quá nghiêm trọng, tất nhiên. Đằng này, ở Việt Nam, có cả dăm chục triệu người như vậy, không có tôn giáo.

Năm 1962, trước những tổn thất quá lớn của cuộc xung đột tín điều giữa Giáo hội Công giáo và những người đang cho mình là chủ lưu của dòng thác cách mạng loài người. Để tránh một cuộc Thập tự chinh lần thứ hai, cầm chắc phần thua … tháng 11 năm 1962, Công đồng Vatican II Công đồng đại kết đã được triệu tập bởi Giáo hoàng Gioan XXIII. Từ tinh thần của Công đồng II, người công dân và người công giáo ở các quốc gia Cộng sản bắt đầu tìm thấy một lối đi. Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thư chung, đó là điểm khởi đầu của một câu trích, sau này được sử dụng nhiều lần như là kim chỉ nam của phụng vụ trong Giáo hội Việt Nam “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.

Người Công giáo thúc thủ trước những người theo chủ thuyết Vô thần?

Người ta thấy không lâu sau đó, những mảng bám được sơn quết vội vã bởi một chủ nghĩa khoa học đầy mâu thuẫn long tróc ra từng mảng.

Và khi những tín điều được xây dựng trên nền tảng của khoa học không giải quyết được những khoảng trống mênh mông, những cá nhân vội vã lao vào tín ngưỡng.

Hẫng hụt và Vô định, những người không có đức tin quay lại với trạng thái xuất phát của nhân loại thuở hồng hoang, giống như tổ tiên của họ, ở đâu đó trên thế giới này, trong thế kỷ 21, người ta đang tin vào totem giáo, một đống đá bên đường, một cái cây giữa phố, một góc tường gạch hay một bát hương đặt giữa hồ văn. Cuống cuồng và mất phương hướng, những cá nhân vội vã mong lấp đi khoảng trống cho mình…và xã hội bộc lộ những điểm yếu chết người. Một xã hội không có đức tin.

Tháng 5 năm 2014, một Thương nhân Phật tử nổi tiếng mời một mục sư tin lành người Australia sang Việt Nam, hai phiên thuyết giáo của anh về Đức tin và Nghị lực, về quyền năng của Chúa đã tạo cảm hứng rất lớn trong xã hội khi đó.

Sau này, đần dần người ta bắt đầu quen với các trào lưu trình diễn sự khao khát niềm tin, những chuyến viếng thăm Đài truyền hình Quốc gia được live trên sóng của Đức pháp Vương, những câu trích đẫn nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà bất cứ một công dân mạng nào cũng ít nhất vài lần tôn vinh làm “Thầy” dù chỉ đọc qua vài lời trích.

Có cầu, dĩ nhiên sẽ có cung. Nền kinh doanh đức tin cũng lên ngôi.60 năm trước, đình chùa làm kho hợp tác cho một dòng thác cách mạng phản phong đang lên, “Tượng Phật khóc, đức tin lưu lạc” (Nguyễn Duy) 60 năm sau, những công trình tôn giáo Nhất đông nam á, nhất thế giới nô nức mọc lên.

Tín ngưỡng để lấp đi khoảng trống. Con người khi nhìn sâu vào bản thể, đã không còn đủ tự tin để cho rằng sự phát triển tối đa của khoa học sẽ giải quyết được hết bí ẩn thế gian. “Gáy người thì lạnh” (Ngoc Tư) nên những khoảng trống khoa học chỉ có thể lấp đầy bằng đức tin tôn giáo.

Rất tiếc. Liệu đã quá muộn để làm lại? Và quan trọng, là có phải làm lại bằng cách vận động toàn dân được hay không?