Một số hiện tượng bất thường tại những thành phố hạng nhất Trung Quốc
- Vũ Chấn
- •
Tại Trung Quốc, những thành phố lớn hạng nhất như Thượng Hải hay Thâm Quyến… là “thiên đường” trong mắt giới trẻ, là những nơi quan trọng cho hình ảnh bên ngoài và cũng là những thành phố quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ít nhất ở 2 thành phố này ngày nay nổi lên 4 hiện tượng bất thường – và điều đó cũng ngày càng phổ biến ở các thành phố khác của Trung Quốc.
4 hiện tượng bất thường này nhìn bề ngoài có vẻ bình thường và dường như tất yếu đối với sự phát triển của xã hội, nhưng nhìn sâu bản chất có thể thấy chúng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bình thường và sức khỏe tinh thần của người dân nơi đó, hậu quả sẽ rất tai hại nếu diễn biến đó không ngừng phát triển. Vậy 4 hiện tượng bất thường đó là gì?
1. Chi phí sinh hoạt ngày càng cao
Không cần phải nói, giá nhà đất ở các thành phố hạng nhất Trung Quốc cao ngất ngưởng so với mức lương bình quân người dân ở đó. Mặc dù trong hai năm qua, giá nhà đã giảm, nhưng vẫn vô cùng khó khăn để các gia đình Trung Quốc bình thường có thể mua được nhà ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến… Nhìn từ tỷ lệ giá nhà trên thu nhập người dân theo mức giá tăng hiện nay, nếu một gia đình Trung Quốc bình thường muốn mua nhà ở một nơi như Thâm Quyến sẽ phải mất ít nhất 30 – 40 năm tiết kiệm và nhịn ăn tiêu; nhưng thực tế trong bối cảnh vật giá không ngừng lên cao thì thậm chí 30 – 40 năm cũng có thể là không đủ. Sau khi bước sang năm 2024 thì giá cả đã bắt đầu tăng trở lại, một khi giá đã tăng thì sẽ không dễ giảm, đặc biệt ở các thành phố hàng đầu như Thượng Hải và Thâm Quyến.
Hãy xem tiêu biểu một đĩa khoai tây cắt lát, trước đây chỉ có 7 – 8 nhân dân tệ (khoảng 20.000 – 30.000 Việt Nam)/ một đĩa, nhưng bây giờ 15 – 16 nhân dân tệ vẫn được coi là rẻ; thứ khác như giá cả các món ăn chứa thịt đã tăng gấp 2 – 3 lần, ví dụ như một tô mì xào chỉ có vài miếng thịt bò đã được bán với giá hơn 30 nhân dân tệ (khoảng 100.000 Việt Nam)…
2. Phân cực nghiêm trọng
Càng là thành phố lớn thì phân cực càng nghiêm trọng. Nhiều người ở thuê trong những căn phòng nhỏ tầng hầm, ngày nào cũng đi sớm về muộn, làm thêm giờ, thậm chí có người còn làm vài ba công việc bán thời gian, nhưng mức lương họ nhận được thì không đủ chi, nói gì đến việc tiết kiệm.
Và đây chỉ là một mặt của cuộc sống tại thành phố lớn Trung Quốc. Còn mặt phía bên kia thì sao? Đó là nhóm người địa phương có điều kiện hơn bắt kịp xu thế phát triển đô thị, họ sống cuộc sống hưu trí trước tuổi, hàng ngày ngủ đến chán mới dậy rồi đi dạo tắm nắng và chơi game, họ không thể tiêu hết thu nhập từ tiền họ cho thuê nhà hàng tháng…
Một số cư dân mạng nói đùa rằng giá nhà đất cao ở Thâm Quyến khiến giới trẻ không thể chi trả được, đa số bạn trẻ muốn sở hữu nhà phải nhịn ăn tiêu và tiết kiệm cả trăm năm. Thay vì chen chúc trong những tầng hầm tối tăm ẩm ướt của các thành phố lớn và sống cuộc sống hối hả, thà quay trở lại các thành phố hạng ba, hạng bốn để có cuộc sống dễ thở hơn…
Vì thế hiện nay rất nhiều người trẻ Trung Quốc đã từ bỏ tham vọng sống tại các thành phố hạng nhất, khiến nhà xây dựng (cho thuê hoặc để bán) bỏ trống cũng theo đó tăng mạnh.
3. Bệnh tật trẻ hóa
Trong nhiều năm trước đây, Thượng Hải và Thâm Quyến luôn là thiên đường cho giới trẻ Trung Quốc vì mang đến cơ hội việc làm tuyệt vời, nhưng dĩ nhiên đi kèm là yêu cầu chuyên môn cao.
Phúc lợi công việc ở các thành phố lớn tuy hấp dẫn nhưng số người tài năng ở đó cũng rất nhiều, trong trường hợp này ai muốn nổi bật đều phải vắt kiệt sức lực và trí tuệ, phải nỗ lực hơn hết.
Kết quả? Làm thêm giờ và thức khuya để bắt kịp công việc đã trở thành thói quen của giới trẻ tại đó. Khi luôn làm việc với cường độ cao và sinh hoạt thất thường cũng nảy sinh vấn đề mới: Ngày càng có nhiều bệnh tật “nhắm tới” giới trẻ.
4. Người trung niên đi làm, người trẻ tận hưởng cuộc sống
Không rõ nhiều người Trung Quốc có để ý rằng đa số những người đi bộ vội vã trên đường phố những thành phố hạng nhất như Thượng Hải và Thâm Quyến là những người trung niên hay không. Họ bước đi vội vã, trong đó nhiều người vừa đi vừa nói chuyện điện thoại công việc, một số vừa đi vừa dùng bữa sáng hoặc bữa trưa đơn giản, tận dụng thời gian trên đường để nhanh chóng ăn xong, những áp lực cuộc sống khiến họ phải tận dụng triệt để thời gian.
Nhưng cũng có thể thấy ở các thành phố lớn đó bức tranh trái ngược ở nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học, họ sống rất thoải mái và tự do, nếu công việc có vấn đề khiến họ không vui là họ nghỉ việc, họ không làm thêm giờ, không kết hôn, không sinh con, chiều đến la cà thư giãn và thỉnh thoảng đi nghỉ ngắn ngày…
So với những người trung niên lớn tuổi, rõ ràng những người trẻ đó chú trọng đến thụ hưởng cuộc sống hơn. Vì vậy, với tư cách là một người của thời đại tự do, tôi phải khâm phục tâm thái sống của những người trẻ này, chỉ là có đắn đo vấn đề về ý thức trách nhiệm của họ!
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Thượng Hải Thâm Quyến Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc