Ngày 7/10, sinh nhật 72 tuổi của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nga giới thiệu công trình “Putin Speaks” trong đó các khán thính giả bốn phương có thể được nghe lời thuyết của “vị tổng thống Nga theo cách mà họ chưa từng bao giờ được nghe.” Nói đơn giản thế này, bây giờ Nga cũng chơi AI kiểu Mỹ, dùng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) sao cho âm thanh đúng là giọng Putin, nhưng mà là nói tiếng Mỹ, và môi miệng mấp máy cũng là do công nghệ AI chỉnh lại sao cho đúng theo âm tiết tiếng Mỹ phát ra. Một lượng rất lớn các bài thuyết trình quan trọng của ông Putin đều được chuyển tải. Bất kể dù trước đây một người nhìn nhận thế nào về Putin, thì có khả năng cực kỳ cao, người đó sẽ có những cái nhìn rất mới về ông, sau khi trực tiếp nghe được ông nói gì. Không phải bởi vì Putin quá bí hiểm. Mà là bởi vì ông bị truyền thông của phương Tây chôn vùi quá sâu và quá lâu rồi.

240816putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị Nghị viện quốc tế Nga, 20/3/2023 (nguồn ảnh Wikipedia)

“The Truth will set you free” — “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” — Thánh Kinh, John 8:31-32

Lần đầu coi AI của Nga, vậy mà ấn tượng cũng khá, khá hơn tưởng tượng ban đầu.

Năm xưa tôi có một người bạn cùng lớp phổ thông, nhưng cậu ta đi học đại học ở Liên Xô, theo chương trình học sinh đỗ điểm cao thì được đi học nước ngoài. Người bạn này học chuyên ngành cực mới: Tin học Liên Xô. Người Mỹ làm máy tính ư? Thì Liên Xô cũng làm máy tính, từ con chip phần cứng cho đến hệ điều hành và chương trình ứng dụng, tất tần tật đều là người Nga làm hết. Cái vấn đề độc lập công nghệ này rất quan trọng vào thời Chiến tranh Lạnh.

Kết quả? Phí công toi mấy năm trời. Sau đó phải học lại hết tất cả công nghệ Mỹ. Còn không bằng không đi nước ngoài, mà ở Việt Nam học Tin học còn bổ ích hơn.

Cho nên, tôi chính là có định kiến rằng mấy thứ công nghệ thông tin này thì không phải cường hạng của Nga. Khác với lĩnh vực hàng không vũ trụ, hay hạt nhân nguyên tử gì đó.

Tuy nhiên “Putin Speaks” đã làm tôi thay đổi định kiến này, thay đổi một chút. Các đoạn video, nếu không phải là biết trước đó là do AI làm ra, thì nhiều lúc tưởng rằng đúng là ông Putin đang nói tiếng Mỹ.

Trong thực tế, bản thân cá nhân ông Putin là thạo tiếng Mỹ lắm, chẳng qua là ông ấy không sử dụng tiếng Mỹ trong các buổi phát biểu mà thôi. Cho nên nếu không biết trước video đó là AI, thì có thể nhầm rằng đó là ông ta đang nói tiếng Mỹ. Nghe nói người nhà ông còn thạo cả tiếng Tàu nữa. Không rõ là tác giả công trình Putin Speaks này có định làm cả phiên bản tiếng Tàu nữa không.

Các bài phát biểu quan trọng của Vladimir Putin, người đứng đầu nước Nga suốt từ 2000 đến nay, được kết tập và chia ra theo thời gian. Có 3 giai đoạn tất cả.

  • Phần 1: Một nước Nga mới với trái tim rộng mở.
  • Phần 2: Những năm hòa bình lạnh giá.
  • Phần 3: Bình minh mở ra một thế giới với trật tự mới.

Năm 1999, Vladimir Putin bất ngờ được bổ nhiệm làm Thủ tướng, trong bối cảnh nước Nga đang tan hoang. 25 năm sau, ông đã là một trong những nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Trái với những gì truyền thông phương Tây đang miêu tả, trên thực tế ông Putin là vị tổng thống hữu hảo nhất đối với phương Tây, nếu tính tất cả nguyên thủ quốc gia của Liên Xô cho tới Nga hôm nay.

Putin Speaks, hiển nhiên, không phải là để trình diễn công nghệ AI hay trình độ tin học của Nga. Mà đó là một nỗ lực cung cấp một hình ảnh trung thực hơn về Tổng thống Putin.

Dù nói thế nào, thì những gì được đưa ra đều là tư liệu thật. Không phải là các báo cáo hay các bài tin miêu tả theo quan điểm của ai đó với các góc nhìn có thể là đã mang theo định kiến.

“The Truth will set you free”“Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” — Chúa Kitô đã giảng.

Truyền thông Mỹ chẳng phải nói Nga hay xuyên tạc thông tin sao, hay disinformation sao? Thì đây, Nga làm hẳn cái website trình bày nguyên văn lời mà ông tổng thống của họ nói nhé, bằng luôn tiếng Mỹ, theo phong cách công nghệ Mỹ.

Đương nhiên rồi, Nga là lạc hậu nhiều, quá nhiều. Như tôi thấy một ông tổng thống nào đó ở quốc gia láng giềng, tối nào cũng thuyết trình và đăng lên Telegram, Youtube, và X (Twitter). Ông tự quay video, tự mình phát biểu luôn. Rất nhanh, rất tân tiến, và có vẻ rất chuyên nghiệp. Cho nên tốc độ nổi tiếng của ông ta nhanh hơn Putin nhiều lắm.

Nga dù sao muộn còn hơn không.

  • Dưới đây là video trên Youtube (đăng 2015) bài phát biểu năm 2007 của Tổng thống Putin tại Munich. Có thể so sánh nó với bản trên Putin Speaks. Trong các bình luận của khán giả trên Youtube có các bình luận như: (1) Có ai giống tôi xem video này sau khi xem phỏng vấn của Tucker Carlson không? Putin ngay từ đầu đã nói đúng. Không thể tưởng tượng được những lời ông ta tiên đoán đã được chứng thực qua từng ngày; (2) Lần đầu tiên thật sự nghe ông ấy nói, rất có tính dẫn dắt và có ý nghĩa vào hôm nay. Những ai tin rằng người Nga chỉ là tỉnh dậy vào một buổi sáng nào đó và chạy sang xâm lược Ukraine, thì hãy nghe bài thuyết này; (3) Ông ta biết rõ họ (phương Tây) đang có kế hoạch gì trong bụng, và ông ta đang nói một cách lịch sự với họ rằng họ đang đi sai đường rồi; (4) Họ quả nhiên không lắng nghe. Hãy nhìn những ai đang ngồi ở vị trí khán giả. Họ kiêu ngạo không thèm nghe!:

Đương nhiên, công nghệ AI của Nga cần phải cải thiện thêm nữa nếu muốn đua với Mỹ. Tuy tôi không rành công nghệ, nhưng cũng có thể nghe ra được, nếu so với video sau, cũng trên Youtube:

Nếu không được biết trước, không chừng tưởng đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hát đó. Dù sao ông Trump cũng từng có thời làm diễn viên mà. Ông hát, chắc cũng không phải là không được. Nhưng kỳ thực, đó là danh ca Perry Como của thế kỷ trước, hát vào năm 1973.

Thiên Đức (bài viết này là quan điểm của riêng tác giả)