Không định viết về đề xuất bỏ Tết nguyên đán nhưng có mấy bạn hỏi tôi nghĩ gì về việc này. Có ý kiến bảo nên bỏ bởi đấy là Tết của Trung Quốc. Đây là một tâm lý yếu. Nếu ghét ai đấy mà cứ cố làm khác đi thì ta sẽ ở thế bị động và sẽ trở nên ngớ ngẩn. Phải học điều hay bất kể là ai, kể cả của kẻ thù nhất là khi một điều đã trở thành tập tục của chính ta.

Ảnh minh hoạ (Ảnh qua vietravel.com)
Ảnh minh hoạ (Ảnh qua vietravel.com)

Nhiều bạn đưa lý do về việc làm ăn với đối tác nước ngoài. Khi chúng ta nghỉ thì họ đi làm. Việc này sẽ ảnh hưởng tới công việc, thương mại. Nhiều doanh nhân thì cứ tính mỗi ngày nghỉ là mất bao nhiêu tiền cho văn phòng, nhà xưởng, lương công nhân… Về khía cạnh này thì đúng rồi. Với góc nhìn đơn thuần của doanh nghiệp thì có lẽ không nên có cả Tết dương lịch nữa kia và nếu tuần chỉ được nghỉ một ngày Chủ Nhật thì còn tốt hơn nữa. Nhưng tiếc thay, một đề xuất được đưa ra thường phải dựa trên rất nhiều ngành nghề, tầng lớp xã hội, tuổi tác và văn hoá khác nhau và tất nhiên, đề xuất ấy tốt với nhóm này, sẽ không tốt với nhóm kia.

Nếu chỉ lo về hiệu quả công việc thì chúng ta sẽ có cuộc sống giống như người Nhật, khi mà công việc luôn được ưu tiên số một. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi tại sao phải luôn chạy theo công việc trong khi cuộc đời là hữu hạn?

Mấy ngày nghỉ của Tết có là gì so với 365 ngày. Nếu chỉ thấy nghỉ là mất tiền thì chúng ta sẽ luôn thấy mất mát. Ở đây mất mát hay không thực ra chỉ là góc nhìn.

Nếu quan tâm tới mất mát thì tại sao các bạn không lên tiếng mạnh mẽ phản đối những chính sách thuế má bất công. Giả dụ như trong một lít xăng đã có tới 8000 tiền thuế môi trường, rồi hàng trăm nghìn tỉ bị ăn cắp, nạn tham nhũng kinh hoàng trong xã hội này? Thay vì làm “con trâu, con bò” chỉ tham công tiếc việc, tại sao không có thêm mấy ngày nghỉ để chào đón Xuân? Đời rất ngắn cơ mà?

Tôi để ý có mấy bạn đề xuất bỏ Tết thì lại chẳng hề phản đối gì sự bất công xã hội, những mất mát khủng khiếp do tham nhũng gây ra. Vậy có phải là tham bát bỏ mâm không?

Hơn nữa, người Việt Nam coi trọng việc cúng tổ tiên. Tết luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng với người Việt, tất nhiên có thể không phải với người Việt trẻ.

Nếu cứ lấy hiệu quả công việc làm trọng thì có lẽ chúng ta nên dạy toàn tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật cho trẻ con thôi, như thế chúng sẽ hội nhập với thế giới tốt hơn. Chứ tiếng của một dân tộc tiểu nhược thì được việc gì?

Tiếc rằng, cuộc đời không phải lúc nào cũng có thể đo đếm bằng hiệu quả, bằng tiền được mà còn phần hồn bên trong. Chúng ta mang tâm hồn Việt chứ không phải tâm hồn Tầu, Mỹ hay Nhật.

Hôm nay, mấy học sinh võ của tôi nói về các bài hát nhưng chúng chỉ toàn biết các bài hát tiếng Anh, chúng bảo không thích hát tiếng Việt, tôi quả thực rất buồn và cảm thấy bất lực. Số phận của một văn hoá yếu ớt sẽ phải chịu lép vế như vậy đấy. Cho nên, xin đừng mang tính hiệu quả công việc ra để định xoá đi mấy ngày thiêng liêng với hồn Việt.

Tôi nói tôi không thích những tập tục rườm rà, làm khổ con người, những lễ nghi nặng tính hình thức nhưng tôi muốn giữ những gì là hồn cốt Việt. Tôi không tin lắm chuyện mấy ông bà tổ tiên sẽ về nhưng tôi vẫn muốn kính cẩn chắp tay trước bàn thờ. Làm thế, tôi cảm thấy như được ngả mình vào cội rễ yên bình và có thể trong một phần trăm hiếm hoi, tôi vẫn hy vọng nhưng vong linh đã khuất cảm nhận được con cháu. Đấy là sự kết nối vô hình, chẳng hiệu quả gì cả nhưng thiêng liêng, ngọt ngào và ấm áp. Xin đừng tước đi những điều ấy có được không?

Tôi yêu Tết nhưng tôi lại ghét những sự biếu xén quà cáp, những cỗ bàn quá rườm rà. Ở đây, vấn đề không phải là bỏ hay không bỏ mà đón Tết thế nào cho con người được hạnh phúc hơn mà thôi.