Nhà văn Hồng Kông: Triều đại mạt vận, điềm hung khắp nơi
- Nghiêm Thuần Câu
- •
Nhìn lại lịch sử cho thấy các triều đại giai đoạn mạt kỳ thường xuất hiện những “dấu hiệu lớn mang tính điềm báo”. Mới đây, nhà văn Hồng Kông Nghiêm Thuần Câu có bài viết đề cập đến những vấn đề của Trung Quốc được ông xem là “điềm báo” về chặn đường cuối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trung Quốc gần đây chìm trong thiên tai: Ban đầu miền nam ngập lụt còn miền bắc hạn hán, nhưng miền bắc sau kỳ hạn hán cũng bị ngập lụt, nhiều khu vực thành thị và nông thôn trên cả nước biến thành đầm lầy làm dân chúng khốn đốn. Hạn hán, lũ lụt là hiện tượng tự nhiên, nhưng vấn đề là lý do phía sau từ con người gây ra. Nhiều vùng lũ lụt vì các hồ chứa xả nước không báo trước làm người dân bị động, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Video từ nhiều nơi cho thấy, người dân các vùng lũ lụt sống trôi nổi trên mặt nước, họ kêu cứu từ những mái nhà bị nước bao vây, gia súc và tài sản trôi lênh đênh trong nước khi nước bao phủ các thành phố và làng mạc. Tuy nhiên thật khó hiểu khi cảnh mọi người cứu trợ nhau trong vùng thiên tai toàn người dân tự cứu nhau, không thấy bóng dáng nhà chức trách đâu.
Điều kinh khủng là mỗi kỳ mưa lũ ở Trung Quốc thường thấy cơ quan chức năng xả nước không báo trước. Tại sao họ lại máu lạnh đến thế? Việc cảnh báo người dân sơ tán trước khi xả nước lũ thì có gì không tốt cho họ? Chẳng phải điều đó sẽ giúp nhiều người tránh được thiên tai hơn, giảm bớt thiệt hại về người và tài sản, mọi người sẽ ít phàn nàn chính quyền hơn và hợp tác tốt hơn sao?
Các hồ chứa trên khắp đất nước xả nước mà không có cảnh báo, chứng tỏ đó không phải do làm việc quan liêu của địa phương mà là chính sách quốc gia! Việc ĐCSTQ hành động vô đạo không phải lạ, nhưng vấn đề cố ý gây bi kịch cho xã hội chính mình thì ĐCSTQ phải xem là “độc nhất vô nhị”.
Nhìn lại lịch sử, thường thấy các triều đại đi vào giai đoạn mạt kỳ thường xuất hiện những trận thiên tai lớn, dân chúng phải chịu họa ly tán và thậm chí nhiều người chết đói, thù địch xã hội ngày càng gia tăng, thiên tai nối tiếp nhân họa làm tan rã cơ tầng cai quản của kẻ thống trị. Không phải là thiên tai ập đến với bộ máy thống trị và thời mạt vận mà là bộ máy thống trị gặp thiên tai trên con đường tiến tới thời mạt vận, do đó thiên tai “ví như dấu ấn” trước khi kết thúc triều đại.
Trong những năm gần đây có nhiều hiện tượng xấu trong triều đại nhà họ Tập [của Trung Quốc]. Các quan chức cấp cao do Tập Cận Bình bổ nhiệm thay nhau ‘ngã ngựa’, hàng trăm cán bộ quản lý trung ương bị thanh trừng. Theo lý, nếu một triều đại tốt thì các quan chức cấp cao phải duy trì mức độ ổn định cao, người cai trị tối cao phải giỏi dùng người giúp bộ máy ổn định từ trên xuống dưới, quản trị tốt xã hội theo chính sách quốc gia đã lập. Khi tầng lớp quan lại cấp cao không ổn định khiến việc thực thi chính sách không được đảm bảo thì chính người cai trị chịu tổn thất.
Tại sao người cai trị liên tục thanh trừng cấp dưới của họ? Nguyên nhân chính là triều đại vào thời mạt vận trong tình trạng nội bộ ly tán, quan chức cấp cao ngấm ngầm mưu đồ, chống lệnh trung ương [người cầm đầu], khiến phải có những chính sách thanh trừng làm cho giới quan chức khiếp sợ. Nhưng khi các quan chức cấp cao mất cảm giác an toàn, không còn cảm giác thuộc về hệ thống, ngày càng xa lánh người cai trị tối cao và có những biểu hiện phản lại, cảnh giác dè chừng, từ đó trước mặt thì thuộc cấp miễn cưỡng phục tùng, nhưng sẽ phá sau lưng. Quan chức không chú tâm cuộc sống người dân, lơ việc hành chính tạo thành vòng luẩn quẩn tiêu cực leo thang, bộ máy quyền lực dần tê liệt và triều đại lâm nguy.
Với nền kinh tế suy thoái hoàn toàn và cuộc khủng hoảng tài chính trước mắt, ĐCSTQ đã “kịp thời” đưa ra chính sách quốc gia mới về “Trung tâm điều hành tổng hợp cảnh sát-thuế”, nghĩa là sở cảnh sát sẽ hợp tác toàn diện với sở thuế để lộng hành thu thuế, tước đoạt của cải của người dân để bổ sung nguồn cung cấp cho chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp tư nhân vốn đã gặp khó khăn do suy thoái kinh tế lại hứng thêm các khoản thuế cắt cổ và các loại thuế linh tinh của chính phủ là ép các doanh nghiệp tư nhân vào tuyệt lộ. Công ty tư nhân đóng cửa trên diện rộng thì người thất nghiệp ngày càng nhiều, khi đó lực lượng phản kháng dân sự càng mạnh có thể khiến ĐCSTQ càng nhanh sụp đổ? Nhưng tình hình hiện tại đã đến mức ‘sống ngày nào hay ngày đó’, sống ngày nào may ngày đó chứ không còn nghĩ được lâu dài.
- Học giả: Muốn thu hút đầu tư thì ĐCSTQ phải ngừng việc “cướp” bằng cách truy thu thuế
- Trung Quốc thành lập “Trung tâm điều hành cảnh sát thuế” gây tranh cãi
Trong bối cảnh này, ĐCSTQ ban hành Luật Kinh tế tập thể nông thôn, quay trở lại cơ cấu kinh tế tập thể nông thôn 3 cấp gồm: cấp hương trấn, cấp làng và cấp tổ. Ý nghĩa là gì? Nghĩa là, hệ thống khế ước hộ gia đình sau cải cách mở cửa sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn, khu vực nông thôn Trung Quốc sẽ quay trở lại mô hình kinh tế tập thể. Chính sách vĩ mô này khác gì giết gà lấy trứng, với chính sách này thì cơ chế thỏa thuận khế ước trong xã hội bị triệt tiêu, toàn bộ đất đai, tài sản và tài nguyên ở nông thôn đều thuộc sở hữu của nhà nước (ĐCSTQ).
Khi nền kinh tế suy thoái, chính phủ thực hiện các chính sách lỏng lẻo và mở mang hoạt động khế ước dân sự để khuyến khích mọi người nỗ lực làm việc. Đây là kinh nghiệm thành công của các cố lãnh đạo Triệu Tử Dương và Vạn Lý cứu ĐCSTQ khỏi thảm họa. Nền kinh tế hiện tại lại lao dốc không phanh, trong lúc này vốn cần khuyến khích người nông dân nhiệt tình sản xuất thì ĐCSTQ lại đi theo hướng ngược lại, đó là thắt chặt chính sách, dùng mô hình kinh tế tập thể thay thế cơ chế khế ước/hợp đồng [tự do], nguyên nhân chính là do nguồn tài chính chính quyền trung ương khó khăn.
Vốn dĩ khu vực nông thôn chủ yếu dựa vào hệ thống hợp đồng, chính quyền hương trấn chủ yếu dựa vào các tỉnh, thành phố để chi trả chi phí sinh hoạt, mô thức này không vấn đề gì khi trung ương có tiền, nhưng ngày nay trung ương đang ‘cạn vốn’ khiến tiền phân phối đến tận những vùng nông thôn bị hạn chế. Phải làm sao? Cách duy nhất là thu hồi đất đai và các nguồn tài chính ở nông thôn, đặt dưới sự quản lý của cán bộ thôn, như vậy cán bộ thôn có quyền lực và có thể thuê tay chân duy trì được yêu cầu tối thiểu là “có người trông nhà” ở cơ sở vùng nông thôn. Nhưng với sự biến mất của hệ thống khế ước/hợp đồng [lao động tự do] thì nhiệt tình sản xuất của nông dân cũng bị xóa bỏ. Mâu thuẫn giữa quan chức thôn và nông dân sẽ ngày càng gay gắt, và phản kháng của nông dân sẽ dần leo thang, đây là một hậu quả tiêu cực khác của kiểu hoạt động đi ngược mà ĐCSTQ thúc đẩy.
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, hoàng đế vào thời kỳ đầu triều đại thường thực hiện chính sách nhượng bộ vì nhu cầu cấp thiết phải xoa dịu những xung đột xã hội và thể hiện sự mềm mỏng của chính quyền mới. Triều đại mới muốn thể hiện niềm tin mới và bầu không khí mới, do đó chính sách nhượng bộ đã được người dân ủng hộ. Chính phủ giảm tô và thuế để mang lại lợi ích cho người dân, mối quan hệ giữa chính phủ và người dân trở nên hài hòa, đây là nền tảng xã hội thường thấy khi một triều đại mới thiết lập.
Ngược lại, khi một triều đại đi đến những năm cuối cùng thì mọi thứ đều trên đà sụp đổ, quốc khố trống rỗng nên cần gấp rút cướp đoạt tài sản của dân để sinh tồn qua ngày, do đó triều đại vào thời mạt kỳ có xu hướng điên cuồng và mất trí hơn, thậm chí còn bất chấp hậu quả. Khi phẫn nộ trong nhân dân ngày càng mạnh thì chính quyền càng tăng cường trấn áp, khiến khắp nơi mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân dần trở nên gay gắt, chỉ cần một tia lửa là bùng nổ.
Tập Cận Bình là quan chức thế hệ thứ hai của ĐCSTQ (con của công thần tham gia sáng lập ĐCSTQ), đã thiếu hiểu biết lại ngạo mạn. Khi gặp khủng hoảng, ông ta không cố gắng tìm cách giải quyết mà làm ngược lại, đẩy tình trạng tới ngõ cụt – điều mà người Hồng Kông gọi là “làm cho chết”, có nghĩa thà không làm gì, càng làm lại càng sớm tiêu vong.
Nghiêm Thuần Câu
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, Vision Times được ông cho phép công bố lại từ trang Facebook Nghiêm Thuần Câu)
Từ khóa Xã hội Trung Quốc lũ lụt ở Trung Quốc Nghiêm Thuần Câu