Học giả: Muốn thu hút đầu tư thì ĐCSTQ phải ngừng việc “cướp” bằng cách truy thu thuế
- Trương Tín Yến, Lý Tịnh Dao
- •
Mới đây, nhiều công ty Trung Quốc bị yêu cầu nộp thuế bổ sung với thời gian truy thu ngược lại tới 30 năm gây hoang mang. Một số công ty tuyên bố đóng cửa sau khi nhận được thông báo nộp thuế. Các ý kiến cho rằng chính quyền đang nhắm tới các doanh nghiệp tư nhân, điều này sẽ làm giảm niềm tin đầu tư. Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ kinh tế La Gia Thông (Luo Jiacong) về vấn đề này. Ông cho rằng chính phủ nhìn thấy ai có tiền liền “thu hoạch”, việc này không khác gì “cướp bóc”. Nếu Trung Quốc vẫn muốn huy động vốn và đầu tư, thì không nên để chuyện này xảy ra trên diện rộng, sẽ dẫn đến hậu quả xấu.
Điều tra thuế từ 30 năm trước ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp
Theo báo chí Trung Quốc Đại Lục đưa tin, nhiều công ty niêm yết, bao gồm V V Food & Beverage, PKU Healthcare, ChinaLin Securities, NingBo BoHui Chemical Technology và Zangge Mining, v.v, đã ra thông báo nộp thuế bổ sung và phải nộp hàng chục đến hàng trăm triệu nhân dân tệ tiền thuế. Các công ty cảnh báo các nhà đầu tư rằng lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng.
V V Food & Beverage đưa ra thông báo bất ngờ vào ngày 13/6, cho rằng công ty con cũ của họ là Hubei Zhijiang Wine Industry Group đã không khai thuế tiêu thụ từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/10/2009 theo quy định, và đã bị cơ quan thuế liên quan truy thu 85 triệu nhân dân tệ tiền thuế.
Tin tức này làm dấy lên nghi ngờ về “điều tra truy thu thuế từ 30 năm trước” và cũng khiến các công ty hoang mang.
Theo báo cáo, công ty hóa chất NingBo BoHui Chemical Technology vào cuối tháng Ba thông báo rằng họ đã nhận được thông báo từ các cơ quan liên quan yêu cầu truy thu thuế 500 triệu nhân dân tệ. Công ty lại thông báo tạm dừng sản xuất vào ngày 13/6, giá cổ phiếu giảm gần 20% vào ngày hôm sau.
Sẽ thích hợp hơn nếu đưa ra các loại thuế mới
Đối với việc Chính phủ Trung Quốc truy thu thuế từ 30 năm trước, ông La Gia Thông nói rằng: “Chủ nghĩa Cộng sản cuối cùng chính là yêu cầu bạn phải rút tiền ra. Thu chi của chính phủ khả năng là có vấn đề. Trên thực tế, một số thủ đoạn kỳ lạ đã được sử dụng trước đây, chẳng hạn như các khoản phí linh tinh, tiền phạt, lợi dụng hành chính để thu tiền, v.v, phản ánh thu chi của chính phủ không ổn. Bây giờ là lúc họ thu thuế với những lý do chính đáng, đường hoàng.”
Ông La Gia Thông cho rằng việc thu thuế không phải là vấn đề lớn, nhưng một cuộc điều tra ngược lại từ 30 năm trước là rất hiếm trên thế giới và không có cuộc truy thu thuế nào lại truy ngược thời gian dài như thế.
“Chính phủ có điều kiện và lý do để truy thu thuế. Ví dụ, Cục Thuế Hồng Kông có thể truy thu thuế trong từ 7 trước, và một số nước châu Âu và châu Mỹ có thể truy thu từ 7 đến 10 năm trước. Nhưng truy thu thuế từ 30 năm trước chính là để nó mặc cho họ (ĐCSTQ) muốn nói gì thì nói, bởi vì một số tài liệu, thông tin, con người hay công ty có còn hay không thì đều là một dấu hỏi. Chi bằng đưa vào một loại thuế mới thì sẽ tương đối thích hợp hơn.”
“Việc đột nhiên truy thu thế từ nhiều năm trước, có thể dẫn đến nhiều nguyên nhân làm cho không có khả năng nộp thuế. Nếu chính phủ có biện pháp trừng phạt sẽ gây ra mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân, điều này rất không tốt.”
Nếu Chính phủ muốn thu hút đầu tư thì nên dừng việc “cướp” doanh nghiệp tư nhân
Chính quyền địa phương của Trung Quốc đang nợ nần chồng chất và trên bờ vực phá sản. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc, nợ của chính quyền địa phương đã tăng lên 41,4 nghìn tỷ nhân dân tệ vào tháng Hai năm nay, mức tăng hàng năm là 14,3%. Con số này chưa bao gồm cái được gọi là những khoản nợ vô hình như LGFV (nền tảng huy động vốn của chính quyền địa phương / Local government financing vehicles).
Chính quyền địa phương sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả phạt tiền, để tăng doanh thu. Bây giờ nó đã phát triển đến mức tấn công các doanh nghiệp tư nhân và truy thu thuế từ 30 năm trước. Tình trạng này cho thấy chính quyền địa phương Trung Quốc đang ở bước cuối cùng trong nỗ lực cứu vãn cuộc khủng hoảng nợ. Các nhà bình luận cho rằng các biện pháp của chính phủ giống như “chặn đường cướp bóc” và hậu quả là một số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân có thể phá sản đóng cửa.
Ông La Gia Thông tin rằng đây là cách làm của Trung Quốc Đại Lục, họ có xu hướng đổ lỗi cho khu vực tư nhân và các công ty về các vấn đề, sau đó nhân cơ hội này để phạt tiền hoặc bắt giữ người dân. Đây là một việc làm không tốt và sẽ gây ra sự phản cảm.
“Ở Trung Quốc Đại Lục có nhiều việc tưởng chừng như hợp pháp nhưng lại không hợp lý. Muốn hòa bình, ổn định lâu dài thì phải dùng những phương pháp hợp lý để giải quyết vấn đề. Hiện nay khi toàn bộ nền kinh tế đang suy thoái, mọi người đều phải gánh chịu hậu quả xấu, ông (chính quyền) nhìn thấy ai có tiền thì liền đi ‘cắt rau hẹ’ từ người đó thì chẳng khác gì cướp.”
“Chúng ta không thể gọi họ là kẻ trộm, nhưng họ lại đang làm những gì kẻ trộm làm. Họ nói họ hợp pháp vì pháp luật là do họ lập. Vấn đề là loại luật này khiến nhiều người không thể chấp nhận được.”
Ông cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ có xu hướng giải quyết chính trị bằng các vấn đề pháp luật. Nếu bạn có vấn đề chính trị, họ sẽ được quay đầu dùng pháp luật để giải quyết.
“Pháp luật là một phương tiện dùng để trừng phạt con người, cuối cùng là để đạt được mục đích chính trị của họ. Bây giờ họ muốn dọn dẹp mớ hỗn độn kinh tế, có cần phải đi đến mức này không? Có cần dùng đến phương pháp này không? Đây là điều đáng bàn. Xử lý khủng hoảng kinh tế, dù rất khó khăn. Khi gặp khủng hoảng lớn, chúng ta thấy có nhiều cách để giải quyết, và phản ứng cứu trợ cổ điển có thể được thực hiện một cách đẹp đẽ, nhưng cách xử lý bây giờ thật là tệ.”
Ông La Gia Thông tin rằng nếu Trung Quốc vẫn muốn huy động vốn và đầu tư thì không nên để điều này xảy ra trên quy mô lớn. Nếu chính phủ làm điều này, thì sẽ chỉ làm suy yếu niềm tin đầu tư.
“Bây giờ xem ra là cướp túi người dân, xem ai có nhiều tiền hơn thì cướp nhiều hơn một chút. Doanh nghiệp không phục thì sẽ phản kháng, phục thì cũng không chắc có thể có tiền để nộp, hậu quả sẽ rất nặng nề.”
Ông Chương Chí (Zhang Zhi), một luật sư ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, doanh thu của Chính phủ giảm mạnh và tài chính của chính quyền địa phương gần như sụp đổ, do đó thuế trở thành nguồn thu duy nhất của chính quyền.
Ông Chương Chí tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến trạng thái nguy hiểm nhất. Việc truy thu thuế sẽ chỉ khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động hoặc phá sản, khiến nhiều người thất nghiệp hơn.
“Vì vậy, cách căn bản để giải quyết vấn đề không phải điều tra ngược lại bao nhiêu năm, mà là đi cùng với các nước văn minh trên thế giới, đi theo con đường kết hợp giữa tuần hoàn chính trị đối ngoại và tuần hoàn kinh tế đối ngoại.”
Có thông tin cho rằng các công ty gần đây bị điều tra truy thu thuế còn bao gồm: Khách sạn New World ở Phật Sơn, Quảng Đông, bị điều tra truy thu trong 25 năm và hơn 900.000 nhân dân tệ tiền thuế bị truy thu; Tập đoàn Huizhou Taiji bị điều tra truy thu 20 năm và số tiền trốn thuế phải nộp từ năm 2000 đến năm 2008 đã là hơn 53,04 triệu nhân dân tệ. Zangge Mining, một công ty niêm yết ở Thanh Hải, đã bị điều tra ngược lại 20 năm và phải nộp hơn 180 triệu nhân dân tệ tiền thuế truy thu và phí chậm nộp. Một nhà phát triển bất động sản nổi tiếng ở Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị tra ngược lại 20 năm và phải nộp hơn 900 triệu nhân dân tệ tiền thuế và tiền phạt.
Từ khóa Doanh nghiệp tư nhân doanh nghiệp Trung Quốc Thuế Trung Quốc kinh tế Trung quốc truy thu thuế