Trung Quốc lập kỷ lục bắt giữ 36 “lão hổ” trong nửa đầu năm
- Trí Đạt
- •
Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc đã bắt giữ 36 “lão hổ” trong nửa đầu năm nay, lập kỷ lục mới trong 6 tháng cho nỗ lực chống tham nhũng mang tính biểu tượng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngày 6/7, tờ South China Morning Post (SCMP) trích dẫn số liệu thống kê liên quan cho biết, có 36 quan chức ít nhất từ cấp thứ trưởng đã bị bắt giữ, trong khi so với cùng kỳ năm ngoái thì chỉ có 22 quan chức cấp cao đang bị điều tra, khi đó là kỷ lục cao nhất trong 6 tháng.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, năm ngoái đã công bố 45 cuộc điều tra liên quan đến các quan chức hàng đầu, nhưng kể từ đó chỉ có thêm 2 cuộc điều tra nữa, đó là 2 cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa.
Tất cả những “lão hổ” này – như cách gọi của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – có nghĩa là họ đều ở cấp từ thứ trưởng trở lên. Một số ít ở cấp thấp hơn một chút nhưng lại giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan quan trọng.
8 trong số 36 người bị bắt giữ trong nửa đầu năm làm việc trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và các cơ quan nhà nước, 20 người trong số đó đến từ các cơ quan đảng và chính quyền địa phương.
Chính quyền ĐCSTQ đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc mà không giải thích sau khi ông vắng mặt gần 2 tháng.
Các vụ án lớn nhất còn liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện (Tang Renjian), cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đường Nhất Quân (Tang Yijun); cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Quốc gia Trung Quốc Câu Trọng Văn (Gou Zhongwen), người đã góp công vào việc giành huy chương Olympic của Trung Quốc; cựu Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ Trương Kiến Xuân (Zhang Jianchun); cựu Cục trưởng Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc Chung Tự Nhiên (Zhong Ziran), v.v.
Trong số 20 quan chức địa phương, gây chú ý nhất là Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), nguyên Bí thư Khu tự trị Tây Tạng; Dương Tử Hưng (Yang Zixing), Phó Tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc và Lý Thạch Tùng (Li Shisong), Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam.
Theo báo cáo, Phiên họp toàn thể cấp cao lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 sẽ được tổ chức vào ngày 15/7. Cuộc họp này có thể thông qua quyết định cách chức 3 cựu quan chức cấp cao đang bị điều tra gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Đường Nhân Kiện, cựu Tư lệnh viên Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao).
Những tên tuổi lớn khác bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cách chức trong vòng 6 tháng gồm 2 quan chức an ninh nổi tiếng. Những người này bao gồm Lưu Diệc Tiến (Liu Yuejin), cựu Thứ trưởng phụ trách chống khủng bố của Bộ Công an Trung Quốc, người đã bị nhắm tới vào tháng Ba, và cựu Thứ trưởng Tư pháp Lưu Chí Cường (Liu Zhiqiang) bị nhắm tới vào tháng Tư.
Vụ án ông Lưu Dược Tiến (Liu Yuejin) đặc biệt gây sốc vì ông từng xử lý nhiều vụ án được chú ý. Ông trở thành người đứng đầu cơ quan chống khủng bố đầu tiên của Bộ Công an Trung Quốc vào tháng 12/2015, sau một loạt vụ tấn công trên khắp Trung Quốc, đáng chú ý nhất là vào tháng 3/2014, khi một kẻ dùng dao giết chết hàng chục người tại một nhà ga xe lửa ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Bắc Kinh đổ lỗi vụ tấn công đó cho phần tử ly khai Tân Cương.
Báo cáo dẫn lời một nhà khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng các cuộc điều tra cho thấy vinh quang trong quá khứ, chuyên môn xuất sắc hay mối quan hệ chính trị không còn là con bài mặc cả với các cơ quan giám sát kỷ luật. Nhà khoa học chính trị giấu tên này cho biết: “Nhóm chống tham nhũng đã không cho phép họ trốn tránh trong vinh quang trong quá khứ, dưới thời đại Tập Cận Bình, không có ai có thể may mắn thoát được”.
Theo Đài Á Châu Tự Do đưa tin trước đó, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, đã giành được sự ủng hộ của dư luận vì đã phát động chiến dịch chống tham nhũng trong giới quan chức trong những ngày đầu cầm quyền. Tuy nhiên, với khó khăn trong việc xóa bỏ nạn tham nhũng có hệ thống xuất phát từ hệ thống chính trị của Trung Quốc, và sự gia tăng gần đây của các vụ án chống tham nhũng liên quan đến nhiều binh chủng của quân đội và các quan chức cấp cao, mục đích thực sự của của việc chống tham nhũng theo chiều sâu của ông Tập Cận Bình cũng đã thu hút sự chú ý của công chúng.
- Ngày 1/7: Hơn 430 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi Đảng, Đoàn, Đội
- Cựu nhà báo: Ông Tập Cận Bình trong tình trạng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù
- Hai cựu bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cùng bị khai trừ đảng vì tham nhũng
Hơn 16.000 quan chức Trung Quốc bị điều tra và xử phạt vì vi phạm “8 quy định”
Theo thông tin mới được công bố trên trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, trong tháng Năm năm nay, chính quyền nước này đã điều tra và xử lý 17.204 trường hợp vi phạm “tám quy định của trung ương”, 24.033 người liên quan đã bị “giáo dục phê bình” và xử phạt. Trong số đó, 16.317 người bị kỷ luật đảng và xử phạt chính trị, gần gấp đôi so với 9.755 trường hợp được công bố vào tháng Tư năm nay.
Theo thông báo trên, những quan chức bị xử lý bị tố “lơ là trách nhiệm, hành động tùy tiện và gian dối”, nhận tặng các đặc sản quý giá, tặng phẩm, biếu tiền, ăn uống trái phép hoặc phân phát trợ cấp, phúc lợi bừa bãi. Trong đó có 74 trường hợp cán bộ cấp tỉnh, 991 trường hợp cán bộ cấp huyện và 16.139 trường hợp cán bộ từ cấp phòng trở xuống.
Từ khóa Quan chức Trung Quốc tham quan Trung Quốc Nguỵ Phụng Hoà Lý Thượng Phúc