Tư duy phản biện là một yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho sinh viên. Trong rất nhiều dịp, lãnh đạo Bộ và Nhà nước đã khuyến khích sinh viên thực hành tư duy phản biện đó. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải sinh viên nào cũng dám phản biện, đặc biệt là đối với các chính sách của nhà trường vi phạm quyền và lợi ích của họ.

giao-duc

Môi trường giáo dục đại học rất có thể là nơi chứa đựng nhiều quy định bất thành văn độc đoán nhất và sinh viên có thể là đối tượng đang bị xâm phạm quyền nhiều nhất. Mình khuyến khích tư duy phản biện ở sinh viên, khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi “Có đúng không?” và “Tại sao?” và đòi hỏi chính thầy cô, nhà trường mình giải trình. Note này nêu ra 4 trường hợp điển hình tại nhiều trường đại học mà mình nghĩ sinh viên cần lên tiếng phản biện để không phụ lòng mong đợi của Bộ Giáo dục và Nhà nước.

1. Không phải đoàn viên thì không được thi đại học:

Đây là hiểu lầm phổ biến nhất của các bạn học sinh dẫn đến tình trạng một số đoàn trường cấp 3 lợi dụng để “bắt” các bạn “tự nguyện” tham gia đoàn (vi phạm quyền tự do hiệp hội).

Tuy nhiên, cả Luật Giáo Dục và Quy chế tuyển sinh Đại học, cao đẳng chưa bao giờ quy định “tư cách đoàn viên” là tiêu chuẩn xét tuyển đại học, cao đẳng cả. Trừ một số ngành đặc thù có quy chế riêng (công an, quân đội v.v..), việc một người có “đậu” đại học không phù thuộc vào điểm thi kì thi quốc gia của họ so với điểm xét tuyển của trường. Do đó, không có lý do gì phải vào đoàn chỉ để thi đại học.

Tương tự như vậy, tin đồn rằng phải là đoàn viên mới tốt nghiệp đại học được cũng sai nốt.

2. Phải đi Mùa hè xanh thì mới được tốt nghiệp đại học:

Đây cũng là một tin đồn rất thất thiệt (và hơi ác ý) khiến không ít các bạn sinh viên cố sống cố chết để đăng ký đi mùa hè xanh. Đương nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện để hội sinh viên các trường chọn để đi.

Theo Điều 17 của Quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT, một sinh viên thoả mãn được 4 điều kiện sau thì tốt nghiệp đại học: (1) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại thời điểm xét tốt nghiệp, (2) học đủ và không có điểm liệt (dưới 5), (3) thi đạt các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh (tốt nghiệp), và (4) có chứng chỉ quốc phòng và thể chất (hoặc được miễn). Không có điều kiện nào liên quan đến mùa hè xanh hay hoạt động đoàn, hội trong tiêu chí xét tốt nghiệp.

Với các trường áp dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ thì có quy định thêm về “các điều kiện khác do hiệu trưởng quy định” (Điều 27.1, Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT). Tuy nhiên, các điều kiện do hiệu trưởng quy định phải thể hiện trong quy chế đào tạo của trường. Một số quy chế mẫu của các trường lớn như ĐHQGTPHCM, Đại học Luật TPHCM… chỉ quy định thêm về chuẩn tiếng Anh, tin học, chứ không quy định về “hoạt động xã hội.”

Việc đi mùa hè xanh (hoặc các chương trình tình nguyện khác) là lựa chọn để rèn luyện và hoạt động đoàn, hội chứ không phải là tiêu chí học thuật và đạo đức để sinh viên tốt nghiệp.

3. Phải có chứng chỉ hoàn thành 6 bài luận chính trị mới được tốt nghiệp đại học:

Tương tự, nhiều sinh viên vẫn hỏi mình rằng liệu tuyên truyền này có đúng hay không. Câu trả lời là hoàn toàn sai.

Các bạn có thể xem lại điều 17 của Quyết định 25 hoặc Điều 27.1 của Thông tư 57, việc hoàn thành 6 bài luận chính trị không phải là điều kiện để tốt nghiệp đại học. Thực tế thì nhiều phòng công tác chính trị-sinh viên của nhiều trường cũng đã có câu trả lời tương tự. Có thể tham khảo quy chế đào tạo tín chỉ của ĐHQGTPHCM, Đại học Luật TPHCM… đều không quy định việc hoàn thành 6 bài lý luận chính trị là cơ sở để tốt nghiệp. Việc quy định thêm điều kiện phải do Hiệu trưởng đưa ra, các khoa không được phép có những quy định chuyên biệt không thông qua hiệu trưởng.

Yêu cầu các sinh viên phải hoàn tất 6 bài luận chính trị để được tốt nghiệp vi phạm quyền tự do tư tưởng của sinh viên và cũng vi phạm nốt pháp luật và quy chế đào tạo đại học.

4. Phải ký cam kết không vi phạm quy chế đào tạo:

Có hiện tượng một số trường đang yêu cầu sinh viên phải kí bản cam kết của sinh viên phải tuân thủ, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước và các quy chế đào tạo. Nếu vi phạm, sinh viên phải chịu trách nhiệm trước trường và trước pháp luật.

Về pháp lý, đây là yêu cầu không có trong quy chế đào tạo và tạo áp lực không công bằng cho sinh viên. Một số trường lập luận rằng sinh viên có ký hay không thì cũng phải chấp hành. Điều này có thể đúng, vậy cũng không có lý do gì bắt sinh viên phải ký cam kết nói trên. Đó là chưa kể bản cam kết trong nhiều trường hợp có thể bị coi là một hợp đồng pháp lý. Việc yêu cầu sinh viên phải cam kết với nhà trường (cho dù là những quy chế có sẵn) cũng là hành vi ép buộc và vi phạm quyền tự do tư tưởng, tự do ý chí của sinh viên.

Việc thực hiện các quy chế là do nhận thức và sự tự nguyện của sinh viên, không phải do cái bản cam kết.

***
Tuỳ từng cơ sở giáo dục, chúng ta sẽ thấy xuất hiện những quy định vi phạm quyền và lợi ích của sinh viên. Hiện đang có rất nhiều cuộc thi tranh biện thu hút rất đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Tuy nhiên, những kiến thức đó sẽ rất lãng phí nếu nó không được thực hành trên thực tế. Tư duy phản biện của sinh viên sẽ vô nghĩa nếu nó không được sử dụng để bảo vệ chính bản thân họ.