Trách nhiệm xã hội của người công dân
- Nguyễn Huy Vũ
- •
Nhiều người trong xã hội chúng ta được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lập gia đình, và sau đó sống hết cuộc đời mà không bao giờ nghĩ rằng mình nên có một trách nhiệm xã hội nào đối với cộng đồng.
Họ nghĩ rằng mọi thứ diễn ra như là những trao đổi thường nhật giữa người với người và họ xem môi trường xung quanh nơi họ được nuôi nấng như là một điều họ nghiễm nhiên được thừa hưởng mà không bao giờ hỏi tại sao và nhờ ai mà họ được sống trong một môi trường như vậy. Vì nghĩ vậy mà trong góc nhìn của họ, mọi thứ diễn ra như là những đổi chác tầm thường.
Có một câu ngạn ngữ của người xưa rằng cần cả một ngôi làng để nuôi nấng một đứa trẻ. Tại sao lại là cần cả một ngôi làng? Bởi vì đơn giản rằng chúng ta không thể tự sống một mình và làm mọi thứ cho riêng mình như trên một ốc đảo được. Chúng ta đọc những cuốn sách để hiểu biết hơn được viết và sẻ chia bởi người khác. Chúng ta ăn bát cơm được chăm bón bởi những người nông dân. Chúng ta dùng những công cụ và tiện nghi được nghiên cứu và chế tác bởi công sức của các kỹ sư. Chúng ta được chăm sóc sức khỏe bởi sự ân cần của các bác sỹ. Một cách rộng ra, nhìn quanh, những sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta dùng hàng ngày có sự đóng góp của biết bao người trong xã hội. Và nếu chúng ta nghĩ lại thì đất nước hay ngôi làng chúng ta đang sống hôm nay có được là nhờ ở công khai phá và bảo vệ của bao bậc tiền nhân. Nói như vậy để thấy rằng chúng ta sinh ra và trưởng thành là nhờ ở sự góp công rất lớn của biết bao người trong xã hội, vì vậy mà chúng ta cần nhớ cái ơn đó đặng đóng góp lại cộng đồng như một cách trả ơn gửi về cho những thế hệ kế tiếp.
“Đất có lề, quê có thói”. Để đất nước có dân chủ thì người dân phải trước hết làm quen với văn hóa tự do. Như bất kỳ một văn hóa nào khác, văn hóa tự do cần được gieo trồng và vun xới mỗi ngày. Có như vậy thì văn hóa đó mới lan rộng và phát triển. Đừng bao giờ nản khi thấy những nếp văn hóa lành mạnh mới bị chống đối ở ngay cả chính những người được cho là tiến bộ nhất trong cộng đồng. Bởi nếu một văn hóa mới nhanh chóng được thích nghi vào cộng đồng thì văn hóa đó sẽ không còn là mới nữa. Một văn hóa mới như minh bạch khi được lan tỏa vào cộng đồng sẽ càng bị chống dữ dội hơn, đơn giản là vì khi sự minh bạch được thực hiện thì những cá nhân và tổ chức lợi dụng sự không minh bạch để kiếm chác sẽ mất đi lợi ích của mình và do đó họ là những người chống đối mạnh mẽ nhất.
Ngay cả ở các nước dân chủ phát triển, các kiến thức về dân chủ và trách nhiệm xã hội của công dân luôn được giáo dục cho mọi người từ những cấp thấp nhất. Ở các cấp cao hơn, các viện nghiên cứu, các hội đoàn xã hội dân sự, các học giả liên tục rao giảng, truyền bá, và bảo vệ không ngừng nghỉ các giá trị tự do, minh bạch. Có như vậy thì văn hóa tự do và minh bạch mới lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và ai cũng luôn có ý thức bảo vệ nó. Nhờ vậy mà họ giảm bớt tham nhũng, thất thoát, và lãnh đạo được bầu chọn tự do công bằng cũng bởi vì tự do và minh bạch. Khi minh bạch xuất hiện thì bất công, tham nhũng, và thất thoát dần biết mất, các cuộc bầu cử cũng nhờ ở minh bạch mà giảm đi sự gian lận.
Văn hóa tự do nhấn mạnh đến không chỉ các quyền liên quan đến cá nhân mà ở đó còn có quyền của cá nhân trong việc định hình nên các hình thức văn hóa và sinh hoạt chính trị trong cộng đồng. Bằng việc kêu gọi minh bạch, các cá nhân đang thực hiện các quyền nhằm hình thành nên một văn hóa minh bạch, lương thiện, và tử tế trong cộng đồng mình. Và bằng cách động viên các cá nhân lên tiếng bắt đầu từ những việc nhỏ như đòi minh bạch từ thiện nhằm ngăn ngừa ăn chặn, chúng ta đang giúp các cá nhân làm quen với việc cất lên tiếng nói, bước qua nỗi sợ, và từ từ xây dựng một văn hóa tự do và minh bạch vì một cộng đồng tốt đẹp hơn.
Không thể nào mong chờ một dân tộc hơn 90 triệu người trong một đêm bỗng chốc biến thành những con người cư xử với một văn hóa tự do và ngay lập tức đòi hỏi các quyền tự do của mình dù họ biết. Họ cần được động viên, khích lệ, và dẫn dắt làm quen với việc cất lên tiếng nói vì cộng đồng mình từ những việc nhỏ nhất. Có như vậy, khi mà người dân ngày càng trở nên có trách nhiệm với xã hội thì họ sẽ lên tiếng cho những việc to lớn hơn của đất nước mình.
Con đường vạn dặm luôn bắt đầu bởi những bước đầu tiên. Dân chủ là một con đường như vậy – con đường mà toàn dân tộc mỗi người cần được từng bước chia sẻ và động viên sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, biết lên tiếng với những bất công, trước khi họ có thể cầm lá phiếu chọn ra những người lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình. Khi mà cả một dân tộc đa phần đều hiểu rằng mình có trách nhiệm với cộng đồng và lên tiếng vì đất nước thì đó cũng là lúc đất nước đổi thay.
Trích đăng theo Facebook TS Nguyễn Huy Vũ
Xem thêm:
Từ khóa tự do Minh bạch công dân trách nhiệm xã hội