‘Ưu đãi đầu tư’ nhưng lợi ích liệu có ở lại Việt Nam?
- Trần Xuân
- •
Thứ gọi là “ưu đãi đầu tư” có rất nhiều vấn đề cần bàn. Việt Nam đi vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư. DN vào, hưởng lợi công nhân rẻ, và được hưởng mức thuế ưu đãi thấp, lại có mức thuế cạnh tranh khi xuất khẩu. Và khi bị kiện, DN không còn lãi, họ sẽ rời bỏ Việt Nam.
Khoảng năm 2015, sau khi làm xong luận văn Thạc sĩ ở Đài Loan mình chuyển sang làm nhân viên quản lý xưởng ở một công ty linh kiện xe đạp ở đây. Trước khi đi làm ở công ty, mình có khoảng 2 tuần đợi hoàn tất giấy tờ, mình ngồi “ngâm cứu” tình hình ngành xe đạp thế giới, và ngó xem ngành sản xuất xe đạp ở Việt Nam. Mình hoàn toàn không có chuyên môn về kinh doanh hay tài chính DN, mà chỉ là theo bản năng của người thích ngâm cứu, nhằm chuẩn bị vốn liếng từ vựng trước khi trở thành nhân viên “quản lý hiện trường” cho một công ty ở Đài Loan.
Mình làm ở công ty hơn một năm, hay đọc tin về xe đạp, nên cũng ít nhiều hiểu về ngành xe đạp ở Đài Loan, và các nước trong khu vực. Có một việc mình thấy ấn tượng, đó là vụ kiện bán phá giá xe đạp của Liên minh EU đối với xe đạp xuất khẩu từ Việt Nam. Việt Nam vốn không phải là một đất nước của ngành công nghiệp sản xuất xe đạp theo định hướng xuất khẩu nhưng năm 2004 lại chịu kiện của chống bán phá giá của liên minh Châu Âu. Vì thấy hành vi bán phá giá, các DN Việt Nam phải chịu mức thuế 34,5% thay vì mức thuế 15,8%. Trong đợt này, xe đạp Trung Quốc cũng bị kiện và phải chịu mức thuế là 48,5%.
Theo số liệu EC đưa ra, kim ngạch xuất khẩu xe đạp cũng như thị phần xe đạp Việt Nam tại thị trường EU tăng rất nhanh trong khoảng năm 2000, từ mức 267.000 chiếc năm 1999 đã tăng lên 1,311 triệu chiếc vào năm 2003, năm 2004 ước đạt 1,5 triệu chiếc xe đạp, chiếm 3,7% thị phần EU. Chính điều này đã rung chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp của vùng này để thoát khỏi số phận của ngành xe đạp Nhật Bản khi bị xe đạp giá rẻ Trung Quốc bóp chết. Nhật Bản từng là cường quốc số 1 về xe đạp xuất khẩu sang Mỹ, thế nhưng ngành này gần như bị xóa sổ do sự xâm nhập của xe đạp giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường này và Mỹ.
Điều đáng nói là 6 DN chịu kiện lại 100% vốn nước ngoài và đều đến từ Đài Loan – một trong những nước đứng đầu trong xuất khẩu xe đạp.
Theo thống kê trên, số lượng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam từ hơn 2 triệu (năm 2008), giảm xuống chỉ còn 3.000 chiếc đến (năm 2009). Các DN Đài Loan ở Việt Nam đã bỏ của chạy lấy người. Với mức thuế 34,5%, xe đạp xuất khẩu ở Việt Nam chịu mức giá tương đương với xe đạp xuất khẩu từ Đài Loan. Mặc khác, xe đạp Trung Quốc ở EU được đánh giá là vẫn có thể vượt qua khủng hoảng. Vì Trung Quốc đi chiến lược “giá rẻ” và dù với mức thuế như trên, giá xe vẫn có sự cạnh tranh và doanh nghiệp vẫn có lãi. Còn đối với trường hợp Việt Nam, do Đài Loan phát triển theo hướng “chất lượng” nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
DN đồng loạt đóng cửa nhà máy ở Việt Nam, di chuyển sang Campuchia vì nước này thực hành chính sách thị trường tự do và chịu mức thuế 0% khi xuất khẩu sang Châu Âu.
DN rời đi, công nhân Việt Nam thất nghiệp, và chắc chắn sẽ không dễ dàng gì đối với gia đình họ trong giai đoạn này. Mình bắt đầu nhận ra thứ gọi là “ưu đãi đầu tư” có rất nhiều vấn đề cần bàn. Việt Nam đi vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi DN đầu tư. DN vào, hưởng lợi công nhân rẻ, và được hưởng mức thuế ưu đãi thấp, lại có mức thuế cạnh tranh khi xuất khẩu. Và khi bị kiện, DN không còn lãi, họ sẽ rời bỏ Việt Nam. Việc “chống bán phá giá” còn có thể làm tổn hại cho các DN trong nước. Cho nên câu chuyện phát triển không phải là câu chuyện của DN có vào Việt Nam hay không mà là lợi ích thực tế Việt Nam được hưởng, cũng như cần có những ràng buộc có tính trách nhiệm của họ đối với xã hội nữa.
Theo Facebook Trần Xuân
(*) NCS tại Đại học Hamburg, Đức
Tựa bài do TTVN đặt lại.
Xem thêm:
Từ khóa ưu đãi đầu tư Thị trường Trung Quốc FDI