Vị mặn trong mỗi cánh hoa vàng
- Trần Vương Thuấn
- •
Những mùa hạn mặn dài hơn, đến sớm hơn, đến bất thình lình không cần một quy luật nào… Vị mặn sẽ chỉ có trên môi, trên mắt người sống với đất đai, vị mặn đã và sẽ còn thay đổi tâm tính bản xứ, thay đổi những truyền thống đẹp đẽ…
“Ngày 14/1, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh Long An như sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra dao động ở mức từ 0,2 – 14,7 ‰. Đối chiếu so với cùng kỳ tháng 11.2015 (theo ngày Âm lịch, thời điểm trước đợt thiên tai mặn lịch sử mùa khô năm 2016) thì thậm chí ở nhiều tuyến sông khi đó chưa xuất hiện mặn. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0 ‰ đã vượt qua cống Tầm Vu (H.Châu Thành), cách cửa sông soài Rạp khoảng 56 km, so với cùng kỳ tháng 11.2015 (Âm lịch, độ mặn chưa xuất hiện). Độ mặn 4,0 ‰ vượt qua cống Sông Cui (H.Châu Thành) cách cửa sông Soài Rạp khoảng 42 km (so với cùng kỳ tháng 11.2015 Âm lịch, độ mặn chưa xuất hiện)” – theo Báo Thanh Niên.
“Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 1/2020; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53-68km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh Bến Tre” – theo Báo Tuổi Trẻ.
Nước mặn đang chảy ngược từ Biển Đông vào 9 nhánh phù sa và mọi chi lưu trên toàn cõi đồng bằng, nước mặn tươm ra từ lòng đất, những mảnh đất đã lâu không được dòng nước ngọt từ nguồn ấp iu, dỗ dành. Những thông báo chặn dòng tích nước từ 1, 2, 3 nước ở phía trên, của những đại dự án đang thít chặt bầu nước sông Cửu Long phía chảy về biển.
Những thông báo ngắn ngủi từ các dự án tích nước đã khiến những mùa hạn mặn dài hơn, đến sớm hơn, đến bất thình lình không cần một quy luật nào cho những nông dân quen con nước biết nhịp điệu mùa màng mà tránh. Nhịp điệu châu thổ đã mất, người nông dân không còn bất cứ quy luật tự nhiên nào để vin vào, những dòng tin ngắn ngủi trên báo vào cuối năm, chìm mất trong bao nhiêu ngổn ngang đời sống, chìm mất trong biển thông tin, không lưu một vị mặn ở đâu cả. Vị mặn sẽ chỉ có trên môi, trên mắt người sống với đất đai, vị mặn đã và sẽ còn thay đổi tâm tính bản xứ, thay đổi những truyền thống đẹp đẽ. Đất đai mất độ ngọt, người ta sẽ giành giật đời sống riết róng hơn, những ngọt ngào trong lối sống, hành xử có khi phải lùi lại cho nhu cầu tồn tại.
Những con số 1 phần ngàn, 10 phần ngàn độ mặn, nhỏ bé, vô nghĩa trong trí bao nhiêu người dân phố thị, nhưng ai biết những chậu kiểng đẹp hồn hậu, những chậu hoa trăm sắc điểm tô vùng Chợ Lách-Bến Tre, nơi đang bị vây bủa với mức mặn 4 phần ngàn sẽ xếp lá, rụng bông, sẽ tả tơi nhàu nát khi chạm phải thứ nước chỉ cần 0,5 phần ngàn độ mặn. Để một chậu hoa khoe sắc, người có khi phải nhường nước cho hoa (sắc màu ấy xin trân trọng). Nói người nhường nước cho cây không sai đâu, bà Nguyễn Thị Diễm Phượng (Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre) cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp như pha nước ngọt dự trữ nhưng độ mặn trong cao nhất mà chúng tôi cung cấp dành cho sinh hoạt vẫn ở mức gần 2‰” (Báo Thanh Niên). Độ mặn thích hợp cho người được khuyến cáo là 0,5-0,75 và ngưỡng độ mặn tối đa mà con người uống được là 3 phần ngàn.
Đi chuyến xe ôm cuối năm, thấy bảng số, hỏi thăm anh tài xế, anh nói: “Tôi dân Duyên Hải-Trà Vinh, làm tôm gần chục năm, cả tôm thẻ lẫn tôm sú, nhưng 3 năm không trúng nổi một mùa. Giờ 2 vợ chồng đưa con cái lên đây, ở Bình Chánh, vợ làm công nhân, tui chạy xe, cứ túc tắc sống rồi coi sao”, rồi anh cười “dân nuôi tôm bán đìa như tôi nhiều lắm anh ơi, nước nôi, thời tiết giờ sao đó, không có kinh nghiệm nào đỡ cho được”. Cũng đành vỗ vai anh một cái, như một kẻ nông dân từ gốc, chứ biết làm gì hơn.
Nông dân, biểu tượng lớn nhất của đất nước, đang bị vây bủa, đối mặt cả với thiên tai và nhân tai. Tôi vẫn tin rằng, nông nghiệp và nông dân mới là niềm hy vọng lớn nhất của xứ sở, hãy cho họ cơ hội, họ sẽ đi qua những thách thức, như bao lần trong lịch sử. Nếu không biết làm gì với những khắc nghiệt mà người nông dân đang đối mặt, thì Tết này, khi ngắm một khóm cúc vừa mua, thì nhớ cho trong sắc vàng tươi tắn may mắn kia, có cả vị mặn từ mắt người trồng ra nó.
Trần Vương Thuấn (Nhà báo)
Đăng theo Facebook Thuan Vuong Tran dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa ĐBSCL xâm mặn Bán hoa Tết