Thành phố có bản sắc là thành phố có được nét riêng, có yếu tố văn hóa bản địa. Nếu giữ gìn được bản sắc, thành phố sẽ hấp dẫn mãi. Với một thành phố được định hình từ bản sắc rất riêng như Đà Lạt, nếu mất di sản, mất cảnh quan thiên nhiên, thành phố ấy sẽ tự chết.

da lat tu tren cao
Một góc Đà Lạt nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tiep.Nguyen/Shutterstock)

Lợi ích kinh tế của di sản

“Một đô thị với nhiều di sản kiến trúc có bản sắc, có ý nghĩa lớn đến sức hấp dẫn cho các hoạt động kinh tế, văn hóa chính trị và trực tiếp sinh ra các nguồn lợi vật chất. Sự phá hủy các di sản kiến trúc – đô thị sẽ làm thiệt hại cơ cấu kinh tế đô thị, đôi khi nguy hiểm đến mức làm lụi tàn đô thị do đánh mất bản sắc riêng, giống như “tự sát về văn hóa” (cultural – suicide). Các quan điểm thiển cận, sai lầm là cho rằng phá các di sản đi để xây nhà hiện đại, to lớn hơn sẽ có hiệu quả kinh tế hơn…”, theo PGS. TS. KTS. Trần Văn Khải (1).

Không phải ngẫu nhiên mà khi nói về “cổ tích” (một từ để chỉ về di sản). Sắc lệnh 65/SL ngày 23/11/1945 về “Bảo tồn cổ tích” nêu: “Việc bảo tồn cổ tích là việc cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà”. “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.

Tầm nhìn chiến lược, những quan điểm của định hướng đúng đắn đó được khẳng định lại trong tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững vào 27/7/2018. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nêu: “Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì”.

Giá trị cốt lõi làm nên bản sắc Đà Lạt

Bản sắc Đà lạt chỉ có 2 yếu tố và luôn phải giữ để thu hút du lịch đó là nét đẹp tự nhiên của địa hình, cảnh quan và hệ thống các di sản kiến trúc.

Nhiều Đô thị khác, di sản của họ không đặc sắc, nhưng họ đã thực hiện bài toán: “Đẩy di sản lên để cứu kinh tế”. Vậy ta có viên kim cương trong tay, hãy giữ gìn và luôn “lau” cho nó sáng bóng. Lẽ ra phải chăm sóc cảnh quan, kiến trúc, các công trình có giá trị để giữ được vẻ đẹp này, đó mới là tư duy bền vững.

Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng chứ tuyệt nhiên không phải và cũng không thể là thành phố đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng. Và với một vai trò mới: Đà Lạt trở thành đô thị di sản, đây còn là không gian nghệ thuật lớn: nghệ thuật đương đại trong lòng di sản.

Quan điểm của lãnh đạo địa phương: “Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”

Khi được hỏi: “Tỉnh Lâm Đồng đang trong quá trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản, vậy việc xây dựng cụm khách sạn cao tầng, hiện đại trên khu vực đồi Dinh có “phá vỡ” kế hoạch đô thị di sản Đà Lạt?”, người đứng đầu chính quyền địa phương – ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt – cho rằng: “Đô thị di sản Đà Lạt bao gồm nhiều yếu tố …, kiến trúc chỉ là một phần để tạo nên đô thị di sản. Thực tế theo quy hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12/2/2019 thì trung tâm khu Hòa Bình và đồi Dinh chỉ thay đổi công trình xây dựng hiện đại hơn, còn kiến trúc cảnh quan phù hợp với quy hoạch chung. Có người nói nên chọn vị trí khác để xây dựng các công trình hiện đại, nhưng cần thiết phải đầu tư, nâng cấp các công trình ở trung tâm Đà Lạt để nâng tầm Đà Lạt lên”. (2)

Thật sự cách nghĩ này rất nguy hiểm vì nó xuất phát từ sự hiểu chưa đầy đủ về vai trò của di sản, của các yếu tố bản sắc đối với đô thị Đà Lạt. Cách suy nghĩ này đã lý giải cho tôi những thắc mắc: Vì sao Đà Lạt lại thay đổi nhiều như vậy, đến nỗi người đi xa không còn nhận ra khi trở về? Vì sao khu trung tâm Đà Lạt bị dồn nén, bị xây cao tầng nhiều như vậy? Vì sao thông bị phá nhiều đến thế???…

Lời kết

Nếu những người đứng đầu, có vai trò quyết định số phận của Đà Lạt tương lai không mở lòng mình để tiếp nhận những ý kiến của chuyên gia, của giới kiến trúc sư cả nước, cố giữ những định kiến “bảo tồn cản trở phát triển”, “Phát triển Đà Lạt là hiện đại, là cao tầng”… thì hậu quả khôn lường. Sai hay đúng hãy đặt qua một bên dù đã tốn quá nhiều thời gian, nhưng lúc này các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đô thị, các cơ quan Bộ Xây Dựng, Cục Di sản- Bộ Văn Hóa nên cùng ngồi với địa phương để cùng tìm cách tháo gỡ cho thành phố.

TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên 

Đăng theo Facebook Nguyen Hanh Nguyen với sự đồng ý của tác giả. Bài do TTVN biên tập. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Chú thích:

  1. https://kienviet.net/2013/08/22/bao-ton-di-san-kien-truc-do-thi-ly-luan-mo-hinh-thuc-te/
  2. https://thanhnien.vn/van-hoa/lanh-dao-thanh-pho-da-lat-noi-gi-ve-phuong-an-kien-truc-doi-dinh-tinh-truong-1268009.html

Xem thêm: