Vị thế doanh nhân Mỹ – Trung Quốc trong khác biệt về thể chế chính trị
- Trần Quân
- •
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đã bước vào chặng nước rút. Người nổi tiếng giàu nhất thế giới Elon Musk đích thân ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hòa Trump, và trở thành một trong những người ủng hộ có ảnh hưởng nhất của phe này. Có phân tích rằng môi trường tự do ở Mỹ mang lại cho các doanh nhân như Musk quyền lên tiếng về chính trị, điều này trái ngược hoàn toàn với các doanh nhân Trung Quốc thường phải tìm cách né tránh.
Tỷ phú Musk được biết đến là chủ sở hữu nhiều tập đoàn hàng đầu như hãng xe hơi Tesla, công ty công nghệ thám hiểm không gian SpaceX, mạng xã hội X (Twitter cũ), tài khoản X của Musk có hơn 200 triệu người theo dõi…
Musk không chỉ công khai tuyên bố ủng hộ Trump, còn hay tận dụng các cuộc vận động tranh cử của ông Trump để tạo uy thế cho bản thân, tuyên bố rằng mỗi ngày trước cuộc bầu cử sẽ tặng 1 triệu USD cho các cử tri đăng ký ở 7 “bang dao động”, điều kiện là ký ủng hộ bản kiến nghị “Tự do ngôn luận và quyền mang vũ khí”. Động thái này đã thu hút sự chú ý của Bộ Tư pháp Mỹ, cảnh báo cách làm đó có thể vi phạm luật liên bang.
Musk cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ Kamala Harris sẽ đe dọa nền dân chủ Mỹ nếu bà thắng cuộc bầu cử vào tháng 11, đồng thời chỉ trích Đảng Dân chủ có thể thu hút được nền tảng cử tri đông đảo thông qua việc nhập cư bất hợp pháp, qua đó biến nước Mỹ thành nước “độc đảng độc tài”.
Mặc dù nhận xét của Musk gây ra tranh cãi, nhưng vấn đề chắc chắn là cho đến nay Musk trở thành người có ảnh hưởng nhất ủng hộ Trump, đồng thời có tác động đáng kể đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bằng sự giàu có và danh tiếng của mình.
Tạp chí Forbes hôm 24/10 đưa tin, tính đến ngày 16/10, Musk đã đầu tư hơn 118 triệu USD vào Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) của mình để hỗ trợ ông Trump; còn người từng giàu nhất thế giới Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft – đã quyên góp 50 triệu USD cho tổ chức chiến dịch hỗ trợ bà Harris là Future Forward. Theo New York Times, ông Gates lo lắng về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng, đã có quyết định đó sau khi thảo luận với ông Michael Bloomberg – cựu Thị trưởng New York và người sáng lập Bloomberg – một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Future Forward.
Có phân tích chỉ ra trong vấn đề chính trị tại Mỹ, các doanh nhân như Musk có thể công khai bày tỏ quan điểm đối với chính phủ hoặc các chính sách, cũng tự do lựa chọn các đảng chính trị và ứng viên tổng thống để ủng hộ, đó là phản ánh tính đa nguyên triệt để của nền dân chủ tự do Mỹ – một điều mà doanh nhân Trung Quốc thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không thể có được.
Mối quan hệ tam giác
Nhà kinh tế trưởng của Taishin Financial Đài Loan là Lý Chấn Vũ (Li Zhenyu) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA rằng Mỹ là nước có truyền thống trọng thương, hình thành mối quan hệ tam giác giữa ngành công nghiệp, chính phủ và giới học thuật. Nhiều Bộ trưởng Tài chính và cố vấn kinh tế chính phủ Mỹ đều có gốc từ chủ doanh nghiệp Phố Wall. Ví dụ, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke cũng làm việc trong một nhóm đầu tư sau khi rời nhiệm sở; Rex W. Tillerson – Ngoại trưởng đầu tiên dưới thời ông Trump làm tổng thống trước đây, là cựu CEO của ‘gã khổng lồ’ dầu mỏ ExxonMobil. Văn hóa “doanh nhân tham gia chính trị” này đã khiến các doanh nhân Mỹ thẳng thắn nói về chính trị.
Ngược lại, tình hình ở Trung Quốc hoàn toàn khác. Ông Lý Chấn Vũ giải thích rằng xã hội Trung Quốc từ thời cổ đại đã được tổ chức theo thứ tự “sĩ, nông, công, thương”, theo đó thương nhân có địa vị thấp nhất. Đảng Cộng sản thường cho rằng tư bản bóc lột lao động, khiến phải cảnh giác với các doanh nghiệp lớn, sợ họ sẽ đe dọa sự kiểm soát của đảng chính trị. Lý Chấn Vũ chỉ rõ: “Điều họ hy vọng là mọi công ty đều nhỏ bé và ngoan ngoãn, nên chỉ cần bạn chống lại chính sách của ĐCSTQ thì về cơ bản bạn sẽ không có kết cục tốt đẹp”.
Người sáng lập Alibaba – Jack Ma là một ví dụ điển hình. Ông đã công khai chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc vì kìm hãm đổi mới tài chính. Dịch vụ thanh toán trực tuyến Alipay do ông tạo ra đã trở nên lớn đến mức đe dọa sự thống trị của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc, thêm vào đó tập đoàn Ant còn dính líu đến lợi ích chính trị khiến Jack Ma phải bị trấn áp và kế hoạch IPO bị chặn, bị chính quyền ĐCSTQ điều tra chống độc quyền, và đưa ra mức phạt cao ngất ngưởng 18,228 tỷ nhân dân tệ.
Một ông trùm tài chính khác của Trung Quốc là Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) sáng lập Tomorrow Group, đã bị bắt vào năm 2017. New York Times chỉ ra, lý do ông Tập Cận Bình xử lý có thể vì ông trùm này đóng vai trò là ‘găng tay trắng’ cho các ‘thái tử đảng’ Trung Quốc, giúp các chính trị gia cấp cao ĐCSTQ chuyển tài sản ra nước ngoài. Tomorrow Group cũng sụp đổ sau khi Tiêu Kiến Hoa bị kết án 13 năm tù vào năm 2022.
Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) của Evergrande là một trường hợp khác về doanh nhân nổi tiếng bị ĐCSTQ “chấn chỉnh”. Theo quan điểm của nhà chức trách Trung Quốc, ông đã vi phạm “lằn ranh đỏ” của các công ty bất động sản, sau khi công ty Evergrande gặp khủng hoảng, thay vì tích cực tự giải cứu, ông Hứa Gia Ấn lại đổ những khoản nợ khổng lồ cho nhà nước, muốn nhà nước dọn dẹp mớ hỗn độn do bản thân ông ta gây ra, đồng thời dùng chiêu “ly hôn giả” để phân chia tài sản, mua quỹ tín thác khổng lồ cho con trai và chuyển khối tài sản khổng lồ ra nước ngoài, sau đó nộp đơn xin phá sản tại Mỹ để bảo vệ tài sản cá nhân – trong khi biết rõ tình hình đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Có ví von trường hợp này là “của cải đến Mỹ còn nợ để lại Trung Quốc”.
Một đảng thống trị
Có phân tích cho rằng các ông trùm kinh doanh Trung Quốc nói trên đều có quan hệ sâu sắc với giới quyền quý chính trị của ĐCSTQ, một khi họ trực tiếp hoặc gián tiếp làm trái quan điểm của ông Tập Cận Bình, thì họ sẽ trở thành mục tiêu bị trấn áp. Các doanh nhân Trung Quốc khó có thể bày tỏ quan điểm về chính trị như trường hợp tỷ phú Musk ở Mỹ, họ cũng khó có thể gây ảnh hưởng chính trị, bởi vì dưới chế độ độc tài độc đảng không cho phép điều đó xảy ra.
Phó giáo sư Sử Hạc Lăng (Shi Heling) Khoa Kinh tế tại Đại học Monash ở Úc, nói với VOA: “Chừng nào độc đảng độc tài thì không có bầu cử công bằng, còn lãnh đạo doanh nghiệp không thể đóng bất kỳ vai trò nào trong toàn bộ cuộc bầu cử, vì nếu ai đóng một vai trò quan trọng như Musk thì tương lai việc kinh doanh sẽ khốn khó”.
Ông cho rằng doanh nhân đại diện cho thị trường tự do và phải chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, Chính phủ chỉ can thiệp khi thị trường không thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy, về nguyên tắc, địa vị xã hội của doanh nhân phải cao hơn chính phủ, vì chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nhưng tình hình ở Trung Quốc thì ngược lại, doanh nhân Trung Quốc trên thực tế là phụ thuộc vào chính phủ, chỉ khi chính phủ cho một mức độ tự do nhất định thì thương nhân mới có thể phát huy trí thông minh của mình trong phạm vi hạn chế đó.
Phụ thuộc chính trị
Giáo sư Sử Hạc Lăng giải thích rằng điều tương tự cũng đúng đối với quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã “nhượng lại” một số quyền kiểm soát và tự do ban đầu, từ đó các doanh nhân có thể phát huy tài năng kinh doanh trong phạm vi đó. Có thể thấy, ở Trung Quốc thì địa vị của chính phủ cao hơn nhiều so với doanh nhân, và các quyền tự do, quyền lợi mà doanh nhân nhận được đều là “món quà” từ chính phủ hoặc quan chức. Điều này hoàn toàn khác với tình hình ở Mỹ, môi trường tự do kinh doanh ở Mỹ khiến đóng góp của các doanh nhân cho xã hội lớn hơn nhiều so với sự đóng góp của chính phủ. Còn ở Trung Quốc, những doanh nhân phát triển lớn mạnh bị xem là nguy cơ sẽ bị chính quyền can thiệp, làm suy yếu quyền lực của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Chủ tịch Trịnh Đạt Sinh (Chiu Dasheng) của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương Đài Loan cho biết, trong hệ sinh thái chính trị của Trung Quốc, điều quan trọng nhất là ổn định quyền lực của lãnh đạo trung ương, vấn đề kinh tế đứng sau; trong tình hình này, ĐCSTQ chỉ muốn các doanh nhân đóng vai trò “hợp tác” mà hạn chế cho phép can dự, để không trở thành trở ngại cho họ trong việc thúc đẩy chính sách.
Tờ WSJ hôm thứ Hai (28/10) đưa tin, công ty Tesla của Musk trong vài năm qua đã thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Chính phủ Trung Quốc, nhờ đó trở thành hãng sản xuất ô tô nước ngoài duy nhất tại Trung Quốc có nhà máy sản xuất mà họ sở hữu 100% vốn, khiến hãng này ở thị trường Trung Quốc có lợi thế lớn hơn hãng nước ngoài khác. Mối quan hệ đó có thể được kiểm nghiệm trong trường hợp Trump tái đắc cử tổng thống và làm gia tăng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Một mặt, do mối quan hệ thân thiết của Musk với Trump, Chính phủ Trung Quốc có thể tin rằng Musk sẽ đóng vai trò tích cực trong chính quyền Trump, theo đó thậm chí giúp xoa dịu lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc về các vấn đề công nghệ và xe điện. Mặt khác, các chính sách cứng rắn của ông Trump sẽ gây áp lực lên hoạt động của Tesla tại Trung Quốc, chẳng hạn như các chính sách thuế quan tiềm năng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và kế hoạch sản xuất của Tesla. Mặc dù Musk ủng hộ việc giảm thuế, nhưng vấn đề ông công khai ủng hộ Trump có thể ảnh hưởng đến vị thế của ông ở Trung Quốc.
Ông Trịnh Đạt Sinh của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương Đài Loan cũng cho biết, nếu một tài khoản có hàng trăm triệu người hâm mộ như Musk xuất hiện trên WeChat của Trung Quốc, thì tài khoản đó đã bị chính quyền cấm từ lâu, thực sự rất khó để một doanh nhân như Musk xuất hiện ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, về tác động của Musk đối với kết quả bầu cử Mỹ, ông Trịnh cho rằng ảnh hưởng của Musk có thể không nhất thiết có tác động tích cực cho ông Trump, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi thúc đẩy những cử tri phản đối Musk chuyển sang Đảng Dân chủ.
Con đường sống sót
Ông Lý Trấn Vũ nói thêm rằng ảnh hưởng của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đã bị thu hẹp trong những năm gần đây, vì ĐCSTQ theo đuổi nền kinh tế kế hoạch từ trên xuống, thay vì nền kinh tế thị trường từ dưới lên.
Ông cho hay, thực tế trước năm 2013 có khác, khi đó ĐCSTQ hướng đến hài hòa hai mô hình. Hồi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia thường bắt đầu về vùng nông thôn vào năm thứ hai của kế hoạch 5 năm để thăm hỏi doanh nghiệp, tìm hiểu họ và gợi ý những việc cần làm trong tương lai, ủy ban đó thu thập ý kiến của các doanh nhân làm tài liệu tham khảo cho việc thực hiện chính sách. Nhưng vấn đề này đã không xảy ra kể từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025): từ khi Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đi được nửa chặng đường cho đến Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 thì không thấy Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đi về nông thôn, và họ đã biến mất, tức là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đưa ra quyết định theo cách hoàn toàn từ trên xuống (top-down), bây giờ quyền lực của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng đã được chuyển giao cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nên quyền lực kinh tế của ĐCSTQ hiện tập trung hóa cao độ.
Lý Chấn Vũ chỉ ra cách duy nhất để các doanh nhân Trung Quốc tồn tại ngày nay là thể hiện lòng trung thành với các chính sách của ĐCSTQ, xem đó là “đúng đắn và khôn ngoan”, nhưng đó là mô thức nguy hiểm, vì “khi mọi người đều đứng về một phía con thuyền thì con thuyền chắc chắn sẽ dễ bị chìm sớm hơn”.
Giáo sư Sử Hạc Lăng cũng cho rằng cách duy nhất để các doanh nhân Trung Quốc tồn tại lúc này là giữ im lặng, “không bao giờ nói cho người khác biết suy nghĩ thực sự của bản thân về chính trị”, vì một khi chỉ trích hoặc thách thức ĐCSTQ thì chắc chắn là không chỉ doanh nghiệp không thể tồn tại, mà ngay cả bản thân người đó cũng có thể thân bại danh liệt.
Khi Musk gặp ĐCSTQ
Trong khi Musk thoải mái bày tỏ quan điểm chính trị trong môi trường tự do của Mỹ, thì Musk không như vậy ở Trung Quốc. Nếu muốn tiếp tục thành công ở thị trường Trung Quốc, thì ông cũng phải hạ mình với chính quyền ĐCSTQ như những doanh nhân khác. Tuy nhiên, ủng hộ mạnh của Musk dành cho Trump đang làm phức tạp thêm triển vọng kinh doanh Tesla của ông tại Trung Quốc.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Xã hội Trung Quốc Chính trị Trung Quốc Elon Musk Jack Ma Doanh nhân Trung Quốc