Viên Bân: Mỗi người Trung Quốc đều là nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công
- Viên Bân
- •
Từ ngày 20/7/1999 đến nay, suốt 23 năm, tập đoàn Giang Trạch Dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đang bức hại Pháp Luân Công. Một số người nghĩ rằng trong cuộc đàn áp kéo dài này, chỉ có các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân, những người khác không liên can. Sự thực có đúng như vậy không?
Nhìn bề ngoài có vẻ là vậy. Bởi vì cuộc bức hại luôn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công chứ không phải những người khác. Nhưng nếu nhìn vào bản chất sự viêc và xem xét cuộc bức hại từ một góc độ lớn hơn, chúng ta sẽ thấy rằng nạn nhân không chỉ là học viên Pháp Luân Công mà còn là tất cả người dân Trung Quốc, là toàn bộ đất nước và dân tộc Trung Hoa.
Từ quan điểm kinh tế, cuộc bức hại Pháp Luân Công của tập đoàn Giang Trạch Dân và ĐCSTQ đã tiêu tốn của Trung Quốc nguồn tài chính, nhân lực và vật lực khổng lồ.
Thiết nghĩ, có việc nào không phải đầu tư nhiều tiền bạc, vật chất và tài chính vào đó? Dù là bắt giữ các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc, hay mở rộng các trại lao động giam giữ họ, thành lập các trung tâm và cơ sở tẩy não; hay sử dụng toàn bộ hệ thống truyền thông để phỉ báng Pháp Luân Công, tuyên truyền sai sự thật, tiến hành phong tỏa thông tin trên toàn quốc, dùng tiền lôi kéo rất nhiều người dân tham gia vào cuộc đàn áp.
Dù là gửi một lượng lớn đặc vụ ra nước ngoài, nhằm theo dõi, can thiệp và vu khống các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại, thu thập danh sách đen, mua chuộc truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài để tấn công Pháp Luân Công; hay hỗ trợ các nước thế giới thứ 3 một cách hào phóng, nhằm đổi lại việc họ bỏ phiếu chống lại những lời chỉ trích về nhân quyền của Trung Quốc tại Hội nghị Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các dịp khác.
Theo khảo sát của “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG), trong những năm mà chế độ Giang Trạch Dân và ĐCSTQ bức hại đoàn thể này điên cuồng nhất, gần 1/4 nguồn tài chính của Trung Quốc đã bị lãng phí cho cuộc đàn áp này.
Chỉ riêng ngày 27/2/2001, Tập đoàn Giang đã phân bổ một lần 4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 590 triệu USD) để lắp đặt thiết bị giám sát lớn trên các tòa nhà, nhằm theo dõi các học viên Pháp Luân Công.
Tháng 12/2001, 4,2 tỷ nhân dân tệ khác (khoảng 619 triệu USD) được đầu tư để thành lập các trung tâm và cơ sở tẩy não, nhằm “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công (ép buộc họ từ bỏ tu luyện).
Riêng Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh đã chi 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 73,7 triệu USD), để xây dựng một nhà tù mới.
Ngoài ra, chỉ riêng chi phí hàng ngày cho việc bắt giữ các học viên Pháp Luân Công ở Quảng trường Thiên An Môn đã là 1,7 triệu đến 2,5 triệu NDT (250.000 – 368.000 USD), tức khoảng 620 triệu đến 910 triệu NDT (91 triệu – 134 triệu USD) mỗi năm.
Để bức hại Pháp Luân Công, Chính phủ Trung Quốc đã thuê ít nhất hàng triệu người làm việc cho mình. Tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ và trợ cấp của những người này có thể lên tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ mỗi năm.
Từ năm 1999 đến nay, mặc dù thu nhập chung của người dân Đại Lục đã tăng lên, nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng mạnh, được xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Trong khi một số ít người trở nên giàu có, thì phần lớn người dân thành thị và nông dân ở các vùng lạc hậu vẫn sống trong cảnh nghèo đói.
Khoản thu nhập khổng lồ của quốc gia dành cho việc đàn áp Pháp Luân Công lẽ ra có thể được dùng để cải thiện cuộc sống của những người dân này, lại bị lãng phí để bức hại một nhóm người tốt tin vào “Chân-Thiện-Nhẫn”. Điều này không chỉ làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, mà còn cản trở nghiêm trọng việc nâng cao đời sống của tất cả người dân. Đặc biệt là gây ra áp lực to lớn và những hậu quả xấu đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Vậy nên, nạn nhân là ai, lẽ nào còn chưa rõ?!
Từ quan điểm chính trị, cuộc đàn áp Pháp Luân Công khiến chế độ độc tài của tập đoàn Giang Trạch Dân và ĐCSTQ lên đến đỉnh điểm.
Dựa vào quyền lực cá nhân, thứ đã được thổi phồng nhanh chóng trong cuộc bức hại này, kẻ bại hoại và bất tài Giang Trạch Dân đã không chút kiêng nể khi áp đặt ý chí cá nhân của mình lên trên Hiến pháp, luật pháp và quy định quốc gia, cũng như ý chí của ĐCSTQ và đất nước Trung Hoa.
ĐCSTQ và đất nước Trung Quốc hoàn toàn bị coi như một món đồ chơi trong lòng bàn tay của chính ông ta và nhóm nhỏ của ông ta. Giang đã hành ác không chút đắn đo.
Ngay cả sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ, dù đã từ chức Tổng bí thư, nhưng Giang vẫn tiếp tục thao túng chính trường Trung Quốc trong một thời gian dài.
Điều này chắc chắn sẽ khiến quá trình dân chủ hóa vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc bị cản trở nghiêm trọng. Việc xây dựng hệ thống luật pháp ở Đại Lục vốn luôn bị tụt hậu cũng sẽ bị thụt lùi nghiêm trọng.
Trong những năm đàn áp Pháp Luân Công, do sự độc đoán và đồng lõa của Giang Trạch Dân và ĐCSTQ, sự cai trị của con người đã thay thế nền pháp trị. Tự do và nhân quyền bị chà đạp.
Các quan chức tham nhũng, cảnh sát tà ác và những kẻ xấu trở nên hung hăng và hống hách ngang ngược hơn. Các vụ án oan sai liên tiếp xuất hiện. Hiện tượng vô pháp vô thiên ngày càng tràn lan ở Đại lục. Những nạn nhân phải gánh chịu hậu quả này lẽ nào chỉ có học viên Pháp Luân Công?
Từ góc độ ảnh hưởng quốc tế, sau Cách mạng Văn hóa, mặc dù nền kinh tế của Đại Lục đã đạt được sự phát triển nhanh chóng, nhưng hình ảnh nhân quyền của Trung Quốc trên trường quốc tế luôn rất xấu.
Trung Quốc luôn là một trong số ít quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã khiến hình ảnh nhân quyền vốn đã tồi tệ của Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Kể từ năm 1999, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhóm xã hội đã lên án tập đoàn Giang Trạch Dân và cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, cùng tội ác chà đạp nhân quyền và tự do của người dân ở Trung Quốc Đại Lục.
Ngày 30/5/2001, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố 5 “kẻ ác nhân quyền” năm 2000, và Giang Trạch Dân là một trong số đó.
Tại một cuộc họp báo, ông Schultz, Giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết: Chúng tôi đưa Giang Trạch Dân vào danh sách vì ông ta bức hại các nhóm dễ bị tổn thương, đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo, nhằm củng cố quyền lực của ĐCSTQ.
Ông đặc biệt đề cập đến lệnh cấm Pháp Luân Công bất hợp pháp của ĐCSTQ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một nguyên thủ quốc gia bị tổ chức quốc tế liệt vào danh sách “kẻ ác nhân quyền”.
Thiết nghĩ, một khi hình ảnh quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng, liệu người dân Trung Quốc có còn được cộng đồng quốc tế tôn trọng và đối xử tốt hay không?
Chỉ những sự thật trên đây cũng đủ để giải thích đầy đủ những ảnh hưởng tai hại mà tập đoàn Giang Trạch Dân và cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã gây ra cho đất nước và dân tộc Trung Hoa.
Tuy nhiên, tác hại nghiêm trọng nhất mà cuộc bức hại này mang lại cho người dân Trung Quốc không chỉ giới hạn ở những điều này. Đó còn là sự hủy hoại triệt để lương tri đạo đức mà đất nước, dân tộc Trung Quốc dựa vào để sinh tồn, hủy hoại hoàn toàn sự đảm bảo cơ bản cho ổn định và an ninh xã hội, phá vỡ hoàn toàn nền tảng đạo đức.
Tác hại này thậm chí ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại, sự mất mát này không thể đo đếm bằng tiền và con số. Chỉ là ảnh hưởng của nó biểu hiện trước trong lĩnh vực tinh thần vô hình, nên đến nay vẫn chưa có nhiều người nhận thức được.
Từ mùa hè năm 1999, tập đoàn Giang Trạch Dân và ĐCSTQ không chỉ điên cuồng bức hại Pháp Luân Công, mà còn tìm mọi cách trói buộc tất cả người dân Trung Quốc vào cỗ xe của mình, buộc mọi người phải phản bội lương tâm, trở thành tòng phạm bức hại Pháp Luân Công dưới sự thao túng của đảng.
Vì lý do này, một mặt, họ đã kích hoạt bộ máy tuyên truyền của mình, liều lĩnh gieo rắc những lời dối trá, tẩy não toàn dân để lừa bịp nhân dân và kích động hận thù.
Mặt khác, họ thông qua các hệ thống liên kết khác nhau, trực tiếp móc nối lợi ích kinh tế của người dân (như chức vụ công, đánh giá xã hội, gửi trẻ, đi học, việc làm, v.v. .) với cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đe dọa và dụ dỗ toàn dân.
Ví dụ, tháng 5/2002, tập đoàn Giang đã ban hành một chỉ thị nội bộ, dùng tiền để kích động nhân viên an ninh bắt giữ các học viên Pháp Luân Công.
Tại tỉnh Quảng Đông, các nhân viên an ninh có thể được thưởng tới 3.000 nhân dân tệ (khoảng 442 USD) nếu họ bắt được ai đó “vẫn đang tu luyện Pháp Luân Công”.
Không chỉ vậy, quan chức các cấp tích cực bức hại học viên Pháp Luân Công còn được thăng chức. Cai ngục trong các trại lao động và cảnh sát trong đồn cảnh sát là đồng phạm sẽ được tuyên dương và khen thưởng là “anh hùng”. Ngay cả những tù nhân từng tra tấn các học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động cũng lần lượt được giảm án.
Đồng thời, những người đồng cảm và ủng hộ Pháp Luân Công sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, thất học, nghiêm trọng hơn có người còn bị bắt và bị bỏ tù.
Dưới áp lực chuyên quyền và sự cám dỗ lợi ích đó, mặt tốt trong bản tính con người bị chà đạp tàn nhẫn, trong khi mặt xấu lại được dung túng và khuyến khích một cách vô nguyên tắc.
Những người dám nói sự thật, có lương tâm sẽ vào tù và chết. Trong khi kẻ bức hại những người nói sự thật, mất hết lương tri lại được thăng chức và phát tài. Trong một thời gian, trên đất nước Trung Hoa tràn ngập sự dối trá, thành tín bị quét sạch, lương tri bị hủy hoại.
Trở thành kẻ cơ hội, gió chiều nào theo chiều nấy, chạy theo trào lưu, khôn khéo bảo vệ mình đã trở thành một trào lưu phổ biến trong xã hội. Con người ngày càng trở nên ích kỷ và thờ ơ trong trào lưu “vô đạo đức tập thể”.
Vậy nên có người nói rằng bản chất của cuộc bức hại này là biến người tốt thành kẻ ác, và biến kẻ ác thành kẻ tà ác hơn.
Ngôi đền của nền văn minh luôn dựa trên lương tri đạo đức. Một xã hội “vô đạo đức tập thể” là một xã hội mà trong đó con người không sợ bất cứ điều gì, tự tung tự tác, làm đủ mọi điều ác, nói dối quen miệng, đầy ích kỷ hận thù, và không hề cảm thấy xấu hổ khi làm tổn thương người khác.
Trong một xã hội biến dị như vậy, cuộc sống của con người không thể được đảm bảo ở mức cơ bản nhất. Ai cũng không thể có được sự an toàn và hạnh phúc như mình mong đợi. Cuối cùng nạn nhân không chỉ là một số người, mà là tất cả mọi người, cả dân tộc và đất nước đều sẽ bị hủy hoại.
Từ khóa Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Pháp Luân Công Giang Trạch Dân