Những ngày này, những cuộc tranh cãi về tự do hay bảo hộ thương mại diễn ra từ khắp trong nước cho tới thế giới.
free trade
Quan điểm giữa tự do thương mại và bảo hộ thương mại vẫn gây nhiều tranh cãi. (Hình ảnh minh họa/dẫn qua The Telegraph)

 Ở trong nước, Vinasun đang kiện Grab. Trên thế giới, Việt Nam, Trung Quốc và vài nước khác đang kiện Hoa Kỳ vì áp thuế nhập khẩu với các tấm pin mặt trời. Ở Hoa Kỳ, cuộc tranh cãi cũng đang diễn ra khi chính quyền Donald Trump định áp thuế thép và nhôm với tỉ lệ lần lượt là 25% và 10% cho các sản phẩm nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành thép trong nước, và mức thuế này có thể sẽ bãi bỏ đối với các nước đồng minh, chẳng hạn như Canada hay Mexico, nếu họ nới lỏng các điều khoản cho hàng Mỹ trong Hiệp định Tự do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA). Câu hỏi là liệu rằng tự do thương mại thì tốt hơn hay bảo hộ thương mại thì tốt hơn cho một quốc gia? Trước khi đề cập đến các yếu tố chính trị, những đánh giá chính sách trước hết sẽ nghiêng thuần tuý về phân tích kinh tế.

Những sinh viên kinh tế khi học về kinh tế thế giới, mô hình đầu tiên luôn được dạy đó là mô hình lợi thế tương đối của Ricardo mở đầu cho tự do thương mại. Mô hình này vốn được toán hoá, nhưng ở đây sẽ được trình bày một cách đơn giản như sau. Có hai nước A và B. Cả hai nước người dân đều có thể sản xuất áo quần và lúa gạo. Chất lượng hàng hoá giả sử là như nhau. Có điều năng suất lao động thì khác nhau. Người dân cả hai nước A và B đều có thể tự cung và tự cấp, đóng cửa quốc gia, tự dệt vải và trồng lúa để sinh sống coi như không có tồn tại quốc gia kia. Tuy vậy, người dân ở quốc gia A thì được thiên phú về đất đai và người dân nước B thì lại khéo tay. Cho nên thay vì tự cung tự cấp, đóng cửa không giao thương, thì nếu tất cả người dân ở quốc gia A chuyển sang trồng lúa, còn tất cả người dân ở quốc gia B chuyển sang dệt vải, rồi hai quốc gia trao đổi hàng hoá cho nhau, kết quả cuối cùng sẽ là tổng lượng hàng hoá gồm lúa và vải sẽ lớn hơn nhiều khi hai nước tự cung tự cấp, đóng cửa không giao thương. Với điều kiện như vậy, mô hình đề nghị chính sách là mở rộng cửa thương mại để trao đổi hàng hoá với nước khác, cái gì nước mình có lợi thế cạnh tranh tương đối thì tập trung làm rồi trao đổi với nước khác để thế giới được nhiều hàng hoá hơn, mức sống nâng cao hơn.

Nghe thì có vẻ đơn giản, vì nếu vậy thì mỗi quốc gia muốn phát triển cứ mở rộng cánh cửa tự do thương mại, vậy là đủ, để mọi thứ thị trường lo. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ bạn sẽ thấy nhiều nước, bằng nhiều cách khác nhau, lo bảo hộ những ngành sản xuất của nước mình, và chuyện muôn thưở ở một số nước phát triển là chính quyền luôn tìm cách bảo vệ và trợ cấp cho ngành nông nghiệp thay vì dẹp ngành nông nghiệp và đưa những nông dân đi làm nghề khác nơi mà nước họ có cạnh tranh tương đối.

Quay lại mô hình Ricardo ở trên, mô hình này hoạt động trong thực tế dưới ba điều kiện. Điều kiện thứ nhất là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người dân. Câu hỏi là liệu khi muốn cả nước chuyển sang trồng lúa như ở nước A thì những thợ dệt ở nước A có đủ kỹ năng để chuyển thành nông dân không? Tương tự, ở nước B các nông dân có đủ kỹ năng để chuyển sang làm thợ dệt không? Ở tầm mức quốc gia, đây là một bài toán khó khi một ngành sản xuất phải đóng cửa và nhà nước phải hướng dẫn nghề nghiệp cho hàng trăm ngàn đến hàng triệu người.

Điều kiện thứ hai là liệu rằng sau khi sản xuất xong rồi thì nước A có dễ dàng xuất khẩu để bán sang nước B không? Vấn đề này liên quan đến hàng rào thuế quan, việc công bằng trong các hoạt động nhập cảng, phân phối và kinh doanh sản phẩm ở nước B.

Và điều kiện cuối cùng là bảo đảm cán cân thương mại giữa hai nước, tránh tình trạng một nước thu lợi lớn hơn nước còn lại bằng cách bán nhiều nhưng mua lại ít. Một ví dụ là điều gì sẽ diễn ra khi nước A bán hết lúa sang nước B, nhưng họ không mua vải ngược lại từ nước B, khiến nước B muốn chi trả tiền thóc phải đi vay?

Vì vậy, một cách tóm tắt, thương mại tự do sẽ chỉ hiệu quả khi diễn ra dưới sự công bằng và tự do. Mà để giao thương diễn ra công bằng thì phải đảm bảo việc san bằng những rào cản thương mại, thuế, phí, lãi suất cho vay, thủ tục, các điều kiện và ưu đãi khác trong giao dịch, việc đối xử công bằng của chính quyền địa phương với doanh nghiệp nước ngoài và địa phương, cũng như tỉ giá hối đoái công bằng.

Thực tế là những điều kiện để đảm bảo thương mại tự do và công bằng không diễn ra. Nước nào cũng bảo vệ lợi ích kinh tế của nước mình. Sự mở cửa tự do thương mại do đó chỉ tương đối.

Đóng cửa hẳn cũng không tốt mà mở toang cánh cửa tự do thương mại cũng chưa chắc là giải pháp tối ưu. Do đó, lựa chọn của các chính quyền thường là họ sẽ bảo vệ những lĩnh vực mà ở đó tác động nhiều đến an ninh quốc phòng và an sinh xã hội, công ăn việc làm của người dân. Sự tự do thương mại do đó chỉ được cơi nới nếu họ đánh giá tổng quan mang lại lợi ích kinh tế cho nước họ.

Lấy ví dụ ở Nauy. Những ngày này ở Việt Nam đang có tranh cãi giữa Vinasun, là một đại diện cho các hãng taxi truyền thống, và Grab, tương tự như Uber, là một đại diện cho một loại hình công ty điều phối vận tải mới, khiến giá thành vận chuyển giảm hẳn và đe doạ sự tồn vong của các hãng taxi truyền thống. Tuy vậy, ở Nauy có lẽ sẽ hiếm có những cuộc tranh cãi tương tự, đơn giản là bởi vì Uber không được cấp phép hoạt động, cho mãi đến gần đây thì chỉ được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển cao cấp mà giá thành không rẻ hơn bao nhiêu taxi truyền thống. Tại sao chính phủ Nauy làm vậy? Họ làm vậy là để bảo vệ những hãng taxi và những lái xe taxi. Nếu họ cho phép Uber hoạt động tự do thì người tiêu dùng sẽ đi taxi rẻ hơn, đánh đổi lại là các hãng taxi phải đóng cửa và nhiều lái xe taxi phải thất nghiệp. Việc cho phép Uber hoạt động — vốn là một chính sách kinh tế — sẽ đối mặt với hai mặt được và mất. Cuối cùng thì sau một thời gian suy xét, chính phủ quyết định giải pháp ôn hoà đó là cho phép dịch vụ cao cấp của Uber được hoạt động.

Tương tự, những bạn người Pháp và Ý khi chuyển lên Nauy sinh sống đều than phiền về các sản phẩm đắt đỏ làm từ bơ sữa của Pháp và Ý ở đây. Việc đánh thuế cao các sản phẩm nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà nông. An ninh lương thực là một điều quan trọng của một quốc gia. Câu hỏi tương tự là liệu việc giảm thuế có tốt hơn không? Khi giảm thuế nhập khẩu thì người tiêu dùng Nauy sẽ thoải mái lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn và chất lượng đa dạng hơn, ngược lại, các nhà nông Nauy có thể sẽ phải đóng cửa và chính phủ sẽ mất các khoản thuế, chi thêm tiền thất nghiệp và hỗ trợ công ăn việc làm cho họ. Vì vậy mà các chính sách đánh thuế với các hàng hoá nhập khẩu luôn là các đề tài gây tranh cãi.

Tương tự với trường hợp của Trung Quốc, những đối tác giao thương với Trung Quốc đều lo lắng về sự thiếu tự do và công bằng. Những người Việt Nam buôn bán dưa hấu với Trung Quốc hẳn sẽ hiểu vấn đề khi cuối năm xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc trì hoãn thông quan nhanh khiến hàng xe dưa hấu phải vứt bỏ. Chuyện Trung Quốc trợ giá các sản phẩm công nghiệp từ thép cho đến các tấm pin năng lượng mặt trời bán sang các nước nhằm dành lấy thị trường và làm đóng cửa các công ty địa phương. Chuyện Trung Quốc bắt buộc các công ty ngoại quốc đến kinh doanh ở nước mình phải hợp tác với doanh nghiệp trong nước và chuyển giao công nghệ. Một vấn đề quan trọng khác là chuyện Trung Quốc điều khiển tỉ suất hối đoái nhằm làm cho hàng hoá mình giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn trên trường thế giới,nhằm đè bẹp đối thủ. Và cuối cùng, việc nhắm mắt mở cửa đối với hàng hoá Trung Quốc khiến thị trường Việt Nam hầu như bị khống chế và tràn ngập các sản phẩm từ Trung Quốc, mà nhiều trong số đó là các sản phẩm kém chất lượng, và làm phá huỷ nền kinh tế quốc gia. Một giải pháp đáng lẽ ra Việt Nam phải làm từ lâu đó là thắt chặt kiểm soát biên giới và đánh thuế nhập khẩu có chọn lọc một số mặt hàng từ Trung Quốc nhằm bảo vệ hàng nội địa.

Riêng với chuyện liệu Hoa Kỳ có nên đánh thuế thép hay không lên hàng nhập khẩu? Trong 16 năm qua, nhờ trợ giá, các công ty Trung Quốc ra sức dành thị trường và lượng thép cung cấp của Trung Quốc từ mức 15% tổng lượng sản xuất thép trên thế giới năm 2000 đã tăng lên chiếm 50% tổng lượng thế giới hiện nay, trong khi đó Bắc Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản cả ba đều bị mất thị phần, giảm đi một nửa và hiện chỉ nắm giữ lần lượt là 7%, 12%, và 6% thị phần sản xuất thép trên thế giới. Trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới thì hiện nay một nửa là từ Trung Quốc. 

Giả sử rằng Hoa Kỳ không làm gì cả, thì với đà này, chỉ trong vòng 15 năm tới, ngành thép của Hoa Kỳ, châu Âu, và cả Nhật Bản có thể sẽ biến mất, hoặc hầu như không đáng kể. Lúc này, muốn chế tạo ra các sản phẩm cơ khí từ xe hơi cho đến máy bay, tàu thuỷ, và các loại vũ khí, có lẽ Hoa Kỳ phải cần tới thép Trung Quốc? Câu chuyện là điều gì sẽ diễn ra nếu Trung Quốc lúc này quyết định tăng giá thép, không bán, hoặc chỉ bán với các sản phẩm kém chất lượng khi mà thị trường thép thế giới được khống chế bởi Trung Quốc?

Khả năng sản xuất thép do đó là một vấn đề thuộc về an ninh quốc gia và Hoa Kỳ buộc phải làm một điều gì đó để bảo vệ ngành thép của mình. Bước đầu tiên có thể họ đề ra mức thuế nhập khẩu với thép, sau đó họ lôi kéo các đồng minh như Canada và Mexico cùng áp mức thuế thép và mở rộng ra cho các đồng minh ở châu Âu, song song đó là thuế thép sẽ gỡ bỏ giữa các đồng minh đổi lại các đồng minh sẽ nới lỏng một số mặt hàng cho Hoa Kỳ. Và như vậy, họ sẽ hình thành một liên minh bảo vệ ngành công nghiệp thép (và có thể là nhiều lĩnh vực khác, như việc đề xuất áp mức thuế 30% đối với các tấm pin mặt trời) trước Trung Quốc.

Trong quá khứ, để cô lập Liên Xô về kinh tế cũng như xây dựng một hệ thống các đồng minh mạnh mẽ về kinh tế và quốc phòng, Hoa Kỳ và các đồng minh đã thiết lập Hiệp ước Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày nay, nhằm giảm các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu và hạn ngạch đồng thời thúc đẩy giao thương giữa các thành viên. Và họ đã thành công. Chính phủ tổng thống Barack Obama cũng trong một nỗ lực tương tự, nhưng lần này là để đối phó với Trung Quốc, đã cố gắng thiết lập Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này đã khép lại. Giờ đây, liệu chính quyền mới có thành công trong việc xây dựng một liên minh mới nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình và các đồng minh và đối phó với việc khuynh loát kinh tế của Trung Quốc hay không? Điều này chúng ta còn phải chờ.

7/3/2018

Nguyễn Huy Vũ

Xem thêm: