Y khoa và vấn đề sự cố nghề nghiệp
- FB Nguyễn Lân Hiếu
- •
“Hãy giúp chúng tôi đủ sự tự tin để hành nghề, đủ bình tĩnh để không cuống cuồng đưa bệnh nhân shock phản vệ lên xe cấp cứu đến Bạch Mai, không giấu nhẹm việc cắt cụt chân không đau…”
Hai hôm nay những người làm y tế có một chủ đề mà nói đến ai cũng chạnh lòng. Nỗi buồn vì 2 bệnh nhân còn quá trẻ ra đi không bao giờ trở lại, nỗi lo lắng cho số phận của 2 ê kíp phẫu thuật và cả của bệnh viện tư nhân khá có thương hiệu. Nhưng bao trùm lên tất cả là sự lo lắng cho số phận của chính mình, những bác sĩ, điều dưỡng đang hàng ngày tham gia điều trị chăm sóc bệnh nhân. Liệu một ngày nào đó số phận nghiệt ngã lại rơi vào chính chúng ta. Trong nghề của chúng tôi không ai có thể nói trước được 100% các ca phẫu thuật và thủ thuật sẽ thành công. Người Thầy cũng là người chú kính yêu của tôi Nguyễn Lân Việt luôn có một câu nói trong các buổi giao ban: “làm nhiều thì rồi sẽ gặp biến chứng, chỉ có ai không làm mới không có biến chứng” và Thầy luôn bình tĩnh phân tích, tìm ra nguyên nhân để các bác sĩ “tâm phục, khẩu phục”.
Tai biến trong y khoa đã được đề cập trong nhiều phân tích rất hay như bạn tôi Phan Đình Hiệp vừa viết hôm qua trong nhóm mở Phản đối – thức ăn độc hại. Hầu như ai trong chúng ta cũng biết sự cố không mong muốn trong y khoa luôn hiện hữu ngay cả ở các nước rât phát triển (Mỹ có gần 100.000 bn tử vong hàng năm cao hơn tử vong do tai nạn giao thông, ung thư vú và HIV). Báo cáo của Bộ y tế Anh cho thấy sự cố y khoa chiếm khoảng 10% số ca nhập viện, vậy các bạn có thể ước tính với trình độ y tế của VN thì con số này sẽ khủng khiếp như thế nào. Vấn đề tôi muốn bàn đến ở đây là thái độ của các bên khi sự cố xẩy ra và cách nào làm giảm bớt các biến cố đáng tiếc mà ngày càng xuất hiện dày đặc trên mặt báo mỗi ngày.
Khi bệnh nhân và người nhà biết có biến chứng vừa xảy ra thì phản ứng tự nhiên luôn là từ chối trả lời, giữ khoảng cách, cảm giác giận dữ, bị phản bội, luôn thường trực suy nghĩ bác sĩ không trung thực và do đó thúc đẩy ý tưởng kiện cáo. Còn bác sĩ thì sao? Cảm giác xấu hổ nhục nhã, sợ hãi thậm chí hoảng loạn nghi ngờ chính bản thân mình. Họ lo lắng cho danh tiếng bản thân mình, về khả năng xảy ra các sai sót đấy trong tương lai và dần dần sẽ hết yêu nghề, mất tự tin trong công việc. Những phản ứng ấy xảy ra ở tất cả các bác sĩ, càng bác sĩ giỏi có kinh nghiệm phản ứng càng nặng nề hơn. Các bác sĩ thường học cách để giấu sai lầm hơn là chịu sự chê cười của đồng nghiệp, chấp nhận việc nói dối để mọi chuyện qua đi, mai tính tiếp!.Tôi đã tận mắt chứng kiến sự đau khổ của đồng nghiệp, một người anh, một bác sĩ mắt cự phách chỉ vì một sự cố y khoa đã hành độc cực đoan và ra đi mãi mãi. Chúng ta không thể đứng về một phía khi xảy ra sự cố y khoa. Cũng giống như các sự cố khác xảy ra trên cuộc đời rất cần một bên thứ 3 công tâm phân xử. Theo tôi bên thứ 3 ở đây không thể chỉ là cục khám chữa bệnh, sở y tế, ban giám đốc bệnh viện mà phải là các hội chuyên khoa. Chỉ khi nào mà giấy phép hành nghề có được sự phê chuẩn của Hội chuyên ngành thì vai trò của phán quyết chuyên môn mới được khẳng định. Các bác sĩ chỉ còn một con đường lựa chọn là tuân thủ các hướng dẫn (guide line), lá bùa hộ mệnh của ngành y thế giới nói chung và ngành y Việt Nam nói riêng. Một bên thứ 3 nữa vô cùng quan trọng mà đã được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới nhưng mới chỉ nhen nhóm ở Việt nam, đấy là hệ thống bảo hiểm nghề nghiệp. Mỗi lần tôi đi làm nước ngoài đều có mục mua bảo hiểm, không phải bảo hiểm sức khoẻ cho mình mà cho những bệnh nhân mình chữa bệnh.
Chắc các bạn bắt đầu mỏi mắt vì status dài quá, tôi xin hứa sẽ không viết dài như thế này nữa trong tương lai nhưng xin thông cảm lần này vì đây là status về ngành chúng tôi một ngành mà “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Hãy giúp chúng tôi đủ sự tự tin để hành nghề, đủ bình tĩnh để không cuống cuồng đưa bệnh nhân shock phản vệ lên xe cấp cứu đến Bạch Mai, không giấu nhẹm việc cắt cụt chân không đau …
Những ngày cuối năm 2016
Từ khóa đạo đức y khoa nguỵ khoa học bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tai nạn nghề nghiệp sự cố nghề nghiệp