Các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ vượt biên chế hơn 3.000 người
- Nguyễn Quân
- •
Tính đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).
Đây là thông tin do Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 vừa được công bố.
Dự thảo nêu rõ tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng. Đặc biệt, cơ cấu tổ chức phổ biến theo mô hình truyền thống, gồm: Tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban… Cơ cấu này tạo ra rất nhiều tầng nấc.
Tổng số đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng là rất lớn, gồm 198 đơn vị (tổng cục, cục và văn phòng). Tính đến tháng 12/2016, tỷ lệ cục, tổng cục so với tổng số vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trung bình là 50%, trong đó có 8 bộ có tỷ lệ trên 50%.
Điều này tăng cường tính chuyên môn hóa đối với từng mảng công việc, lĩnh vực, nhưng mặt trái là dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”, các lĩnh vực bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…
Trong 5 năm, từ 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, số đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Đáng chú ý là xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ (29 cục được thành lập), trong đó có những bộ tăng nhiều như Bộ Công an (tăng 7 cục), Bộ Tư pháp (tăng 4 cục)…
Cứ 5 người thì có 1 cán bộ quản lý
Bộ máy cồng kềnh khiến số lượng lãnh đạo, công chức, viên chức tăng vượt biên chế. Từ năm 2011 đến tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 người (tỷ lệ 1/6, tức là 6 người thì có 1 cán bộ quản lý) lên con số 13.556 người (tỷ lệ 1/5, tức cứ 5 người thì có 1 cán bộ quản lý).
Ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, số công chức quản lý tăng từ 3.871 người (năm 2011) lên 4.619 người (cuối năm 2016), tỷ lệ là 1/2 và 4/7.
Một số vụ, đơn vị thuộc bộ có số lượng cấp phó vượt quá quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Ví dụ: Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ và Cục Quản lý đường bộ cao tốc đều có 4 cấp phó; Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục QLTT (4 phó); Bộ Tài chính có 12/20 vụ, đơn vị thuộc bộ có số phó vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế có 5; một số vụ, đơn vị khác là 4).
Kết quả giám sát cho thấy không chỉ ở địa phương mà ở cả Trung ương cũng thực hiện không nghiêm túc quy định về quản lý biên chế. Tính đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).
Đặc biệt, tính riêng theo từng cơ quan, vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục. 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Có những bộ sử dụng vượt với tỷ lệ rất cao từ 1/3 – 1/2 số biên chế được giao.
Ví dụ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng vượt 1.936/5.998 biên chế (vượt 32,28%); các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vượt 141/309 biên chế (vượt 45,63%).
Tại các địa phương, theo báo cáo của Chính phủ, có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao, như TP.HCM vượt 1.434/4.822 (tương đương 29,74%); Hải Phòng, Quảng Ninh đều vượt trên 19%, Khánh Hòa tới 45,68% và Bạc Liêu đến 51,46% chỉ tiêu.
Tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế
Theo kết quả giám sát, trong giai đoạn từ 2015 đến ngày 31/12/2016, mặc dù thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người. Tổng số viên chức thực tế có mặt vượt biên chế là 9.164 người.
Chưa hết, theo số liệu tổng kết 2 năm thực hiện nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động ký theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở các bộ, ngành, địa phương vượt chỉ tiêu được giao đến 45.152 người (tăng 56,75% so với năm 2015).
Báo cáo cho hay một số bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế. Trong danh sách xin bổ sung biên chế có các Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Tinh giản không đi vào thực chất
Tiếp tục những dẫn chứng, số liệu “biết nói” từ dự thảo báo cáo, từ khi triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của mình từ năm 2015 – 2021 và của từng năm, dẫn đến trạng đề xuất tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 2 lần/năm).
Thậm chí, đến thời điểm 1/6/2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 – 2021 và của từng năm.
Về số lượng, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm thực hiện nghị quyết 39 (2015 và 2016) là 17.694 người. Trong đó các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 731 người; các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (đạt 0,83%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người/tổng số 2.093.313 biên chế (đạt 0,54%).
Có một số bộ, số lượng tinh giản biên chế năm cao nhất mới đạt 41,51% chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức và 17,24% chỉ tiêu tinh giản biên chế viên chức.
Về chất lượng tinh giản, đối tượng tinh giản chiếm 90% là người nghỉ hưu trước tuổi, còn lại là người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, chưa tinh giản được đúng đối tượng là người người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.
Đoàn giám sát nhấn mạnh là chưa có cơ chế bảo đảm gắn quyền hạn với trách nhiệm, chưa có chế tài tương ứng để người đứng đầu có thể thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Do đó, nhiều trường hợp còn chưa kiên quyết, có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế.
Còn tình trạng nể nang, cào bằng trong đánh giá; công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức, thiếu thực chất, không bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực; cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức chưa hợp lý, chưa lựa chọn được đúng người, dùng vào đúng việc, chưa tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy hết khả năng…
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa tinh giản biên chế thủ tục hành chính