Chỉ trong vòng 10 ngày từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2016, hai cơn bão Mirinae (bão số 1) và Nida (bão số 2) đã làm 20 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính hơn 6.700 tỷ đồng.

Bão số 1 không phải siêu bão nhưng gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ

Do ảnh hưởng của bão Mirinae, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 19 giờ ngày 27/7 đến 7 giờ ngày 28/7 có mưa lớn. Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão.

Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 06/8, bão số 1 khiến 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương; gần 3.000 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, hơn 82.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Diện tích lúa bị ngập hơn 216.000 ha vào thời điểm lớn nhất (trong đó có gần 18.000 ha bị mất trắng); hơn 150.000 ha rau màu và cây trồng bị hư hại, gãy đổ.

Các công trình thủy lợi cũng bị thiệt hại nặng nề với hơn 38.400 m đê kè và 98.300 m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng.

Hơn 203.000 cây xanh bị gãy đổ. Tại Hà Nội, nhiều cây lớn bị gió bão thổi bật, đổ xập xuống nhiều ô tô và các phương tiện giao thông khác.

Cơn bão cũng khiến ngành điện khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng: hơn 31.500 cột điện bị gãy, nghiêng đổ (riêng Nam Định có gần 24.000 cột); các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam bị mất điện hoàn toàn. Tại Ninh Bình, trừ khu vực trung tâm TP. Ninh Bình, các khu vực ngoại thành còn lại đều bị mất điện.

Tổng thiệt hại sau bão Mirinae tại các tỉnh thành ước tính trên 6.442 tỷ đồng.

bao so 1 tai nam dinh
Cây xanh và cột điện bị đổ rạp trong bão số 1 tại Nam Định (Ảnh: baonamdinh.com.vn)

Bão số 2 gây mưa lũ và sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong khi các tỉnh thành đang khắc phục những thiệt hại trong cơn bão số 1 thì ngày 28/7, ở khu vực phía Đông Philippin xuất hiện một vùng áp thấp nhiệt đớ, đến ngày 30/7, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 2 (Nida). Ngày 31/7, bão đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông.

Mặc dù bão Nida đổ bộ vào đất liền thuộc khu vực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng hoàn lưu của bão đã gây mưa, mưa vừa, có nơi mưa to tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ đêm ngày 02/8 đến hết ngày 04/8.

Lào Cai là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão số 2. Từ 19h ngày 03/8 đến 07h ngày 05/8, tại đây có mưa lớn, đặc biệt vào đêm ngày 04, rạng sáng ngày 05/8 gây nên trận lũ lịch sử và tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng ở các huyện Bát Xát, Sa Pa, Bảo Thắng, Si Ma Cai.

Mưa lớn cũng xảy ra trên diện rộng tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang. Lượng mưa đo được tại một số khu vực vào các ngày 04-05/8 hơn 100 mm như: Nà Hừ (Lai Châu) 182 mm, Nậm Mức (Điện Biên) 142 mm, Mường La (Sơn La) 205 mm, Yên Bình (Hà Giang) 195 mm,…

Tính đến ngày 06/8, đã có 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương. Riêng tại Lào Cai, có 12 người chết và mất tích, trong đó, có hai gia đình cùng mất đi 3 người thân: một gia đình có 3 cháu nhỏ bị đất đá sạt lở, vùi lấp; một gia đình khác có ba mẹ con bị lũ cuốn trôi.

Hơn 3.500 ngôi nhà tại các tỉnh thành bị tốc mái, hư hại (nhiều nhất là Yên Bái: gần 1.300 nhà).

Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề với hơn 11.300 ha lúa và hoa màu bị ngập, vùi lấp; gần 800 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn; khoảng 2.200 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi.

Ước tính thiệt hại sau cơn bão số 2 trên 266 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại rất lớn ghi nhận sau bão, nhiều ý kiến cho rằng, thông tin dự báo được Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương đưa ra chưa chính xác, đặc biệt về cường độ gió, bão của cơn bão số 1, khiến nhiều địa phương bị bất ngờ, không ứng phó kịp, các ngành sản xuất bị thiệt hại nặng.

Tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, sức gió được ghi nhận khi bão số 1 đổ bộ lên tới cấp 10,11, 12, lớn hơn nhiều so với các dự báo trước đó.

Thông tin về vấn đề này, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho rằng, dự báo là sát với thực tế và được cập nhật liên tục, tuy nhiên, bão số 1 có sự di chuyển chậm bất thường khi vào gần bờ và có thời gian duy trì gió mạnh tại các địa phương lâu hơn so với quy luật thông thường.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng, có gần 3.000 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc trên toàn thành phố. Lý giải nguyên nhân về số lượng lớn cây xanh bị gãy đổ này, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng, cường độ gió giật quá mạnh cấp 10-11 trong gần 4 giờ kèm theo mưa lớn và hệ thống các nhà cao tầng lớn của thành phố hút gió, làm tăng tốc độ gió ở những khu vực này.

Cùng với đó là một số nguyên nhân khác: do quá trình chỉnh trang hè phố, hạ cáp ngầm, hệ thống thoát nước,… khiến rễ cây bị chặt đứt; rễ cây khó phát triển theo chiều sâu do mực nước ngầm ở Hà Nội cao nhưng ngày càng bị ô nhiễm trong thời gian gần đây,…

Hiện, các địa phương vẫn đang tiếp tục khắc phục hậu quả sau bão và khôi phục sản xuất.

Thủy Minh

Xem thêm: