Không phải chỉ là chuyện những tòa án đi thuê nhà
- Lê Trai
- •
Theo báo cáo của cơ quan chính phủ, hiện có 35 tòa án cấp huyện phải đi thuê nhà dân làm nơi xét xử. Nhưng đã nhắc tới việc cần xây dựng trụ sở cho các cơ quan tư pháp, thì những con số án oan sai có lẽ cũng cần được nói tới…
Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 vừa được đưa ra lấy ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/2.
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp hiện vẫn chưa được đầu tư một cách đầy đủ, đặc biệt là các tòa án cấp huyện. Ngoài ra, nơi làm việc của cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ cũng xuống cấp trầm trọng nhưng cũng chưa được đầu tư.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nhắc chủ trương đầu tư cho toà án cấp huyện được Chính phủ đồng ý từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cho rằng việc bố trí vốn theo kiểu đi xin từng việc không phải là lời giải dành cho bài toán tổng thể, người đứng đầu ngành tòa án đề nghị phương án trong vòng 1-2 năm có thể lấy khoảng 7.000 tỷ đồng từ số tiền do các cơ quan tư pháp thu từ các hoạt động tư pháp mỗi năm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: “Đất nước đã hòa bình, độc lập hơn 40 năm mà còn 35 tòa án phải đi thuê nhà dân để xét xử là không thể chấp nhận được”, đồng thời lưu ý, “Chúng ta phải dành cho chương trình cải cách tư pháp, nếu là công trình mới thì phải ưu tiên cho lĩnh vực tư pháp để hài hòa với các lĩnh vực khác“.
Đây không phải lần đầu tiên chuyện tòa án đi thuê nhà làm trụ sở được đưa ra. Tháng 9/2016, trong phiên họp của Ủy ban Tư pháp, TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao báo cáo hiện có 35 trụ sở tòa án cấp huyện phải đi thuê, ngoài ra 28 Viện KSND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc cũng trong tình trạng tương tự.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học cho rằng đây “điều rất đáng suy nghĩ”, vì như thế, Quốc huy của Nhà nước lại gắn ở nhà dân; tòa án nhân danh Nhà nước tuyên án nhưng lại tuyên ở nơi mình phải đi thuê.
Còn theo Chánh án TAND tỉnh Đăk Lăk: “… Quốc huy treo ở nhà dân còn đỡ đấy, ngày trước chúng tôi xử trong Đăk Lăk, vào buôn xử chả có gì cả, nhà dân không có nên đành đóng Quốc huy ở gốc mít rồi xử thôi”. Dường như cái nghèo của dân cũng là một cái tội.
Nhưng đã nhắc tới việc bù đắp trụ sở cho các cơ quan tư pháp, thì những con số án oan sai có lẽ cũng cần được nói tới, vì đây là mục tiêu cơ bản của việc cải cách tư pháp hiện nay.
Tháng 6/2015, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 3 năm (từ 2012-2014) có tới 71 trường hợp bị xử oan, sai, chưa kể một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết.
Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang…, gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan. Đó là đối với cá nhân bị oan sai và thân nhân. Trên bình diện xã hội, càng nhiều án oan thì niềm tin vào công lý, vào cơ quan pháp luật càng bị xói mòn. Nghiêm trọng hơn, chúng gây nên nguy cơ tạo thành vòng luẩn quẩn nếu các cá nhân gây án oan sai được dung túng, bao che.
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xảy ra nhiều oan sai, có nguyên nhân do một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ; có biểu hiện của bệnh thành tích, nóng vội v.v…
Khi thay vì thực hiện đúng vai trò tư pháp, người có chức trách lại “cố đấm ăn xôi” nhằm chứng minh cho bằng được người vô tội phải có tội. Nguyên tắc “suy đoán vô tội” bị “quên” đi hay đã không còn nằm trong suy nghĩ công liêm của những người tiến hành tố tụng?
>> Phiên tòa xét xử một vụ ăn trộm bánh mì ở New York năm 1935
3 năm, 71 vụ oan sai và tổng số tiền bồi thường trên 30 tỷ đồng-một con số mà theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định là không lớn.
Nhưng có cách nào để so sánh với chi phí khoảng 7.000 tỷ do người đứng đầu ngành tòa án đề xuất để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp hay không? Có lẽ là không, bởi một bên, những tổn thất được tính bằng một đời, bằng tương lai của 2-3 thế hệ, của những chấn thương thể xác và tinh thần không chỉ của một người. Còn với con số khoảng 7.000 tỷ kia, không ai có thể quy đổi con số ấy ra tương đương bao nhiêu vụ oan sai.
3 năm phải ngồi tù oan, 15 năm theo vụ kiện đòi bồi thường, ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) nhận về gần 23 tỷ đồng.
10 năm ngồi tù oan, thêm 2 năm làm thủ tục, ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) nhận lại hơn 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai.
Hơn 17 năm ngồi tù oan, 7 lần thương lượng để cuối cùng ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) nhận hơn 10 tỷ đồng tiền bồi thường.
Nhưng như lời của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén trong ngày nhận lời xin lỗi từ đại diện TAND tỉnh Bình Thuận: “Có ai trên đất nước này khổ như tôi không? Chắc không có, và tôi cũng không muốn có. Bởi cay đắng đó, dù chỉ một ngày, thì cũng không ai muốn nếm trải”, không một giá trị nào có thể so với nỗi oan ức bị giam cùm cả tâm sức và trí lực, không chỉ của người bị án oan mà còn đối với cả gia đình thân thích.
Có lẽ khi “đất nước đã hòa bình, độc lập hơn 40 năm”, những câu chuyện nghèo túng như trụ sở của Tòa án TP Buôn Mê Thuột bị dột không nên phải trở đi trở lại mãi nữa. Và nhà dân cũng nên có, dù ở sâu trong sóc, trong buôn. Đối với ngành tư pháp, thì buộc tội chính xác, không làm oan người vô tội lại càng cần phải trở thành một nguyên tắc hoạt động của ngành, thay vì chỉ đơn thuần là những con số mục tiêu án oan năm sau giảm hơn năm trước.
Vì chỉ khi những nguyên tắc về liên quan tới quyền con người, như quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, quyền bất khả xâm phạm, quyền bào chữa, quyền im lặng của bị can, bị cáo… được tôn trọng thực sự, thì chương trình cải cách tư pháp mới thực sự đạt tới đích đến. Thiết nghĩ, đó mới là điều cần xem làm trọng, thay vì chỉ dừng lại ở nỗi lo thanh danh quốc gia bị tổn thất bởi những công đường thiếu mái, không nơi gắn quốc huy.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa Huỳnh Văn Nén tòa án Nguyễn Thanh Chấn ngành tư pháp án oan