Vĩnh Phúc: ‘Xóa sổ’ hơn 100ha rừng phòng hộ để xây nghĩa trang?
- Kiến Huy
- •
Hơn 100ha rừng phòng hộ tại khu vực núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đang đứng trước nguy cơ bị ‘xóa sổ’ bởi dự án công viên nghĩa trang.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có văn bản chấp thuận cho một doanh nghiệp tiến hành quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).
Trước đó, theo tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 4/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang do Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh (địa chỉ tại nhà H10, ngõ 132, phố Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Theo tờ trình, từ tháng 6/2016, Công ty Bình Minh Xanh đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc dự án xây dựng công viên nghĩa trang. Theo đề xuất, dự án có diện tích 153ha tại khu núi Ngang (xã Bồ Lý), trong đó diện tích đất xây nghĩa trang khoảng 105,5 ha.
Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự kiến khoảng 685 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý I/2017 đến năm 2025.
Việc thông qua dự án công viên nghĩa trang của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng người dân địa phương bởi địa điểm xây nghĩa trang là khu vực rừng phòng hộ được Nhà nước giao các hộ gia đình, các cá nhân trồng và bảo vệ từ năm 2002. Việc xây dựng dự án sẽ không chỉ “xóa sổ” hơn 100ha rừng phòng hộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân xung quanh.
Theo thống kê, tính đến năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 32,4 ngàn ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng: 15,1 ngàn ha, rừng sản xuất: 13,2 ngàn hecta và rừng phòng hộ: 4 ngàn ha. Trong đó, đất rừng phòng hộ của huyện Tam Đảo chỉ còn 537,66 ha.
Theo Quy hoạch Tổng thể kinh tế – xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xã Bồ Lý thuộc cụm xã tiểu vùng 2, là vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo, mang đặc trưng điển hình của xã miền núi có độ dốc cao, kinh tế – xã hôi chậm phát triển nhưng lại có mức độ ảnh hưởng lan tỏa đến các xã xung quanh. Định hướng phát triển của tiểu vùng này là nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch.
Luật Đất đai 2015 quy định đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên pháp luật đưa ra một số hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng như: Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang, với diện tích trên 20ha, buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ; cùng với đó, theo Luật Đầu tư công, việc chuyển đổi trên 100ha rừng phòng hộ làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua. |
Kiến Huy
Xem thêm:
Từ khóa phá rừng phòng hộ xây nghĩa trang phá rừng phòng hộ Vĩnh Phúc rừng phòng hộ khu vực núi Ngang dự án công viên nghĩa trang