Cuối năm 2024, một phương tiện truyền thông phương Tây đã đăng tải một bài viết dài hơn 3.500 từ, cáo buộc nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, đã “lợi dụng lòng trung thành và sức lao động rẻ mạt của những người theo ông để tích lũy tài sản lên tới 266 triệu đô la Mỹ”, và “tốc độ tích lũy tài sản này là điều bất thường đối với bất kỳ công ty nào, chứ đừng nói đến một đoàn múa phi lợi nhuận từ Quận Cam, New York”. Điều này có thật không? Những cáo buộc như vậy có đúng không? 266 triệu đô-la Mỹ này từ đâu mà có?

Shen Yun 1 1
Buổi biểu diễn cháy vé của Shen Yun tại Pháp (Grand Théâtre de Provence) hôm 3/1/2025. (Ảnh: Epoch Times)

Vào ngày 3/1/2025, một phóng viên đặc biệt của Đài phát thanh Hy vọng (Sound of Hope) đã phỏng vấn nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, Giám đốc nghệ thuật của Đoàn Nghệ Thuật Shen Yun, tại một văn phòng giáo viên của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (Fei Tian) nằm ở thung lũng Hudson, New York. Ông Lý, 73 tuổi, mặc một bộ trang phục giản dị gọn gàng, trông gầy hơn nhiều so với những năm trước, nhìn ông chỉ như 50 tuổi, ánh mắt ấm áp, kiên định và tường hòa.

Ông Lý nói: “Tôi không biết Shen Yun lại có nhiều tiền như vậy. Nếu không có bài báo này từ truyền thông, tôi cũng không biết con số này”.

Vì sao lại như vậy? Ông Lý tiếp tục nói: “Bởi vì tôi chỉ phụ trách về nghệ thuật ở Shen Yun, còn có thiết kế trang phục, các vấn đề hành chính tôi hoàn toàn không quản lý, còn về tài chính, tôi cũng hoàn toàn không can thiệp”.

Phóng viên ngạc nhiên, ông Lý Hồng Chí không phải là nhà sáng lập Pháp Luân Công sao? Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, Pháp Luân Công đã phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, với các đệ tử tại hơn 100 quốc gia. Những tờ báo, đài truyền hình, đài phát thanh, trang web, công cụ vượt tường lửa, cùng với đoàn nghệ thuật như Shen Yun và các trường học đã phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới, trở thành một hiện tượng toàn cầu.

xep hinh Dai Bac
Ngày 29/4/2012, 7.400 học viên Pháp Luân Công xếp hình Pháp tượng Đại sư Lý Hồng Chí tại Quảng trường Tự do của Đài Bắc, Đài Loan. (Ảnh: Minghui.org)

“Không phải tất cả chuyện này đều diễn ra dưới sự dẫn dắt của Ngài sao?”, phóng viên hỏi.

Ông Lý trả lời: “Pháp Luân Công là một phương pháp dạy người tu luyện, nâng cao bản thân. Tôi dạy người tu luyện, những thực thể mà bạn nói thực ra là các học viên Pháp Luân Công tự mình thành lập các dự án như một phần của xã hội, đó là việc của họ. Họ phải tự đi con đường của mình. Cách họ đi, những vấn đề họ gặp phải, tất cả đều là bài học tu luyện của họ. Vì vậy, tôi không can thiệp vào việc cụ thể của họ, huống chi là về tài chính”.

id14231507 2404211957301973 min 768x512 1
Tối ngày 21/4/2024, hàng trăm học viên Pháp Luân Công ở New York đã đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và tổ chức thắp nến tưởng niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/4. Họ yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời kêu gọi các lực lượng chính nghĩa trên toàn thế giới cùng nhau chấm dứt cuộc đàn áp này. (Ảnh: Dai Bing / The Epoch Times)

Ông Lý tiếp tục nói, nhiều dự án hoặc công ty do các học viên Pháp Luân Công thành lập đều muốn mời ông đến nói chuyện, hướng dẫn, nhưng ông rất ít khi đi, hoặc hoàn toàn không đi. Nếu có đến, ông cũng chỉ nói về tu luyện. “Với tư cách là sư phụ của họ, tôi chỉ nắm giữ định hướng lớn, hướng dẫn về tu luyện, còn lại thì tôi cơ bản không quản lý, về tài chính tôi cũng không biết”, ông Lý nói.

Phóng viên sau đó đã phỏng vấn giám đốc tài chính của Shen Yun, bà Joanne Liu, hỏi bà về ai quản lý tài chính của Shen Yun và cách thức tiếp nhận quyên góp. Bà Liu cho biết, Đoàn Nghệ thuật Shen Yun có tổng giám đốc và hội đồng quản trị, “Chúng tôi có quy trình của mình, khi gặp vấn đề cụ thể sẽ xin chỉ thị từ tổng giám đốc, các quyết định lớn về mua sắm và kiểm tra hiệu suất đều do hội đồng quản trị thực hiện”, bà cho biết ông Lý không tham gia vào việc này.

“Vậy tình hình tài chính có phải báo cáo cho ông Lý không? Ví dụ như báo cáo hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm?”, phóng viên hỏi. Bà Liu trả lời: “Chưa bao giờ, Thầy không quản lý tài chính”.

Phóng viên đã phỏng vấn thêm hai hạng mục khác, một là giám đốc tài chính của nền tảng video nghệ thuật Shen Yun Creations, và một là tổng giám đốc của công ty thời trang Shen Yun Dancer. Họ đều nói rằng việc kinh doanh, hoạt động đều do họ tự làm, tài chính cũng do họ tự quản lý, “Thầy đều không xem, chúng tôi cũng không báo cáo”.

Phóng viên đã phỏng vấn giám đốc tài chính của Epoch Times, ông William Chueng, và giám đốc điều hành của Đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope), ông Frank Lee, và câu trả lời đều giống nhau.

Ông Frank Lee nói: “Đài Phát thanh Hy Vọng đã thành lập được 22 năm rồi, chúng tôi chưa bao giờ báo cáo tình hình tài chính cho Thầy, Thầy cũng không yêu cầu xem, cũng không hỏi. Thầy chỉ hướng dẫn chúng tôi về những bối rối gặp phải trong tu luyện, và không mong chúng tôi hỏi nhiều. Bởi vì Thầy nói rằng với tư cách là người tu luyện, nhiều việc phải tự hiểu, tự nắm bắt, như vậy chúng tôi mới có thể rèn luyện và trưởng thành. Vì vậy, chúng tôi cơ bản là tự vận hành phương tiện truyền thông”.

Vậy ông Lý Hồng Chí nhìn nhận về tiền bạc như thế nào? Tiền kiếm được từ Shen Yun có mối quan hệ gì với ông?

Ông Lý nói: “Tôi dẫn dắt mọi người tu luyện, bản thân tôi tất nhiên phải làm gương. Trong lịch sử, có quá nhiều bài học liên quan đến tiền bạc, vì vậy tôi không lấy bất kỳ đồng tiền nào”.

Ông Lý cho biết mình đảm nhiệm vai trò giám đốc nghệ thuật của Shen Yun, bao gồm thiết kế trang phục cho buổi biểu diễn, khối lượng công việc và sự sáng tạo bỏ ra là rất lớn, nhưng ông không nhận một xu nào, hoàn toàn là tình nguyện. Tất cả các ‘hạng mục của Pháp Luân Công’, bao gồm Minh Huệ, Epoch Times, NTDTV, Đài phát thanh Hy Vọng, v.v., không có nơi nào trả lương cho ông. Ngay cả nền tảng Shen Yun Creation được đăng ký dưới tên ông, ông cũng không nhận bất kỳ đồng lương nào, cũng như không lấy bất kỳ phần thưởng nào; toàn bộ doanh thu thu được đều được tái đầu tư vào việc phát triển và vận hành nền tảng này.

Phóng viên hỏi: “Vậy đối với cáo buộc của một số phương tiện truyền thông phương Tây rằng ‘ông Lý lợi dụng Shen Yun để kiếm tiền’, Ngài nói gì về chuyện này?”

Ông Lý trả lời: “Họ nói tôi dùng tiền kiếm được từ Shen Yun để tiêu cho gia đình, điều này hoàn toàn là bịa đặt. Nếu tôi thực sự cần tiền, mỗi đệ tử cho tôi 1 đồng, với hàng triệu đệ tử, tôi sẽ có hàng triệu đồng. Nếu tôi yêu cầu mỗi người cho tôi 10 đồng, tôi nghĩ họ cũng sẽ cho, như vậy tôi không phải có hàng trăm triệu sao? Tôi cần gì phải bỏ ra nhiều sức lực như vậy để tổ chức một đoàn nghệ thuật đi khắp nơi trên thế giới, kiếm tiền vất vả thế này sao?”

Phap Luan Cong
Đại sư Lý Hồng Chí giảng Pháp cho 10.000 học viên Pháp Luân Công tại Pháp Hội ở Washington DC năm 2018. (Ảnh: Minh Huệ Net)

Ông Lý nói rằng ông không cần tiền, cuộc sống của ông rất đơn giản. Mỗi ngày ông không ăn sáng, bữa trưa ăn ở căng tin của Long Tuyền tự, bữa tối chỉ là một bát ‘canh gà viên’ (một loại canh ở miền Bắc Trung Quốc, chủ yếu làm từ bột mì viên, kèm theo rau, trứng và nước dùng), hoặc một bát cơm chan nước, thêm một chút dưa muối. “Tôi cần tiền làm gì? Đời tôi đi đâu, chắc cũng sẽ có người cho tôi một bữa cơm”, ông Lý cười nói.

Ông Lý cũng nói với phóng viên: “Tôi không có tiền, không có tài sản, không có xe cộ, tất cả thu nhập của tôi chỉ là một chút nhuận bút từ sách của tôi. Tôi sống ở một ký túc xá trong khuôn viên chùa (Long Tuyền tự), phòng của tôi chỉ có giường, giá sách, không có bất kỳ đồ nội thất cao cấp nào”.

Ông dừng lại một chút, rồi nói: “Tôi muốn mang đến cho các em (những nghệ sĩ trẻ của Shen Yun và các sinh viên của Phi Thiên) những trường học tốt nhất và môi trường tốt nhất trên thế giới. Tôi đã nói với cha mẹ các em: “Tôi sẽ trả lại cho các bạn một đứa trẻ tốt nhất! Đó là điều tôi muốn làm”.

Phóng viên hỏi: “Có một số phương tiện truyền thông nói rằng ông dùng tiền của đệ tử để mua sắm hàng hiệu, ông phản ứng thế nào?”

Ông Lý Hồng Chí nói: “Không có chuyện đó, tôi hoàn toàn không cần hàng hiệu gì cả. Chiếc áo và quần tôi đang mặc đều do tôi tự thiết kế. Trước đây, họ (đệ tử) đã đặt một số bộ quần áo từ Đài Loan, nhưng tay áo hơi ngắn, vì nó phù hợp với vóc dáng người châu Á, còn ở Mỹ thì không thuận tiện, vì vậy tôi đã thiết kế một kiểu riêng, vì tôi biết thiết kế mà. Bộ trang phục mới chính là bộ tôi đang mặc bây giờ. Sau đó, công ty Shen Yun Dancer đã lấy nó để làm đồng phục Pháp Luân Đại Pháp’ để bán”.

“Vậy số tiền khổng lồ 266 triệu đô-la mà phương tiện truyền thông phương Tây đề cập là đến từ đâu?”, phóng viên hỏi. 

Tổng giám đốc của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, ông Chu Dự, cho biết: Shen Yun mỗi năm sản xuất các chương trình biểu diễn lớn, các công ty tổ chức địa phương mời đến biểu diễn và ký hợp đồng với Shen Yun đều trả phí biểu diễn. Các công ty địa phương là bên tổ chức, chịu trách nhiệm về nhà hát biểu diễn, quảng bá, bán vé và tiếp đón hậu cần.

Về phí biểu diễn mà Shen Yun thu, tùy theo nhà hát và quốc gia, Shen Yun thường thu từ 30.000 đến 80.000 đô-la Mỹ cho mỗi buổi biểu diễn, trung bình khoảng 50.000 đô la. Chi phí này đối với Shen Yun, với nhiều tiết mục bao gồm nhiều loại múa, nhạc sống, màn hình động, sản phẩm hoàn toàn mới và trang phục mới mỗi năm, là thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó, các buổi biểu diễn tương tự ở phương Tây thường từ 80.000 đến 160.000 đô-la.

Shen Yun đã thành lập được 18 năm, tổng cộng đã biểu diễn hơn 10.000 buổi, 10.000 buổi nhân với 50.000 đô la thì khoảng 500 triệu đô-la Mỹ.

Ông Chu Dự nói rằng nếu bạn nghĩ rằng 500 triệu đô-la là nhiều, thì đó là số tiền kiếm được từ 10.000 buổi biểu diễn, mà số buổi này gấp đôi số buổi của các chương trình biểu diễn phương Tây nổi tiếng nhất thế giới! Doanh thu này hoàn toàn là kết quả từ sự chăm chỉ của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun và các đơn vị tổ chức. Đồng thời, chi phí để nuôi dưỡng và duy trì đoàn nghệ thuật rất cao, cuối cùng chỉ còn lại 266 triệu đô la.

Phóng viên: “Chi phí ở đây cao đến mức nào?”

Ông Chu Dự nói: “Rất cao, việc đào tạo nhiều tài năng của Shen Yun, lương cho nhân viên, chi phí cho thiết bị, trang phục và vật liệu, cũng như hỗ trợ tài chính cho các cơ sở giáo dục đào tạo tài năng tương lai, đây là những gánh nặng rất lớn và tất cả những điều này đều cần đến tiền”.

Ông Chu Dự cho biết: “Thực ra, số tiền này là số tiền mà Shen Yun tích lũy được sau gần 20 năm hoạt động và tiết kiệm. Một công ty quy mô lớn như vậy mà sau 20 năm mới có được số tiền này, không phải là nhiều, mà là quá ít”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi, những người tu luyện Pháp Luân Công, thực sự là những người tị nạn ở Mỹ. Chúng tôi không có bất kỳ nền tảng nào. Các đoàn nghệ thuật khác đều dựa vào doanh nghiệp và chính phủ, nhưng chính phủ chưa bao giờ cho chúng tôi một đồng nào. Các công ty của Mỹ vì lo sợ chế độ Trung Quốc cũng không dám tài trợ cho chúng tôi. Chúng tôi phải tự mình giải quyết vấn đề sinh tồn”.

“Nếu chúng tôi không có một nền tảng kinh tế vững chắc, khi xảy ra tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như đại dịch, thì làm thế nào để giữ chân được nhiều tài năng như vậy, làm thế nào để duy trì sinh kế của nhiều người? Shen Yun sẽ làm thế nào để vượt qua khó khăn, tất cả đều là vấn đề mà chúng tôi phải tự giải quyết, và chúng tôi đang cố gắng giải quyết mà không làm phiền Chính phủ Mỹ. Chúng tôi sử dụng cách thức hoạt động của riêng mình!”, ông Chu nói.

Phóng viên có hỏi ông Chu, một số phương tiện truyền thông đã nghi ngờ rằng các tổ chức phi lợi nhuận thông thường có tiền sẽ đầu tư, không giữ nhiều tiền mặt, vì tiền mặt thường có mục đích ngắn hạn, nhưng Shen Yun dường như không sử dụng tiền, “Ông phản ứng thế nào với những nghi ngờ như vậy?”

Về việc “đầu tư tiền vào thị trường chứng khoán để kiếm lợi nhuận”, ông Chu nói: “Chúng tôi không làm điều đó, vì lý do đầu tiên là chúng tôi có triết lý tài chính bảo thủ, thứ hai là chúng tôi không kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Làm người tu luyện, chúng tôi có nguyên tắc của riêng mình”.

“Nhưng vốn của chúng tôi còn có một mục đích quan trọng khác”, ông Chu Dự nói, “đó là chuẩn bị cho việc Shen Yun trở lại Trung Quốc khi có sự thay đổi. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cho các buổi biểu diễn ở Trung Quốc, đào tạo nhân tài và tích lũy vốn”.

  • Mời xem Phần 2 tại đây: “Câu chuyện truyền Pháp và đời sống của nhà sáng lập Pháp Luân Công”.

Theo Epoch Times, Sound of Hope, Minh Tú biên dịch