2 bài học về chiếc túi tiền
- Minh Nguyệt
- •
Câu chuyện thứ nhất: Hai người đàn ông và chiếc túi tiền
Hai người đàn ông đang đi cùng nhau trên một con đường thì một người bỗng nhặt được một túi tiền đầy ắp.
“Tôi may mắn quá!”, anh ta nói: “Tôi đã nhặt được túi tiền, nó nặng như thế này thì chắc chứa đầy tiền trong đấy.”
“Sao anh lại nói là ‘tôi đã nhặt được’ như thế”, người bạn đồng hành với anh ta nói: “Đúng ra anh phải nói là ‘chúng ta đã nhặt được và chúng ta may mắn quá’ chứ nhỉ. Bạn đồng hành với nhau thì phải chia nhau cả cái may lẫn cái rủi trên đường mới phải.”
“Ồ không, không đâu”, người kia vội vã đáp lời một cách giận dữ: “Tôi đã nhặt được thì nó là của tôi chứ có liên quan gì đến anh đâu mà bảo là chúng ta.”
Vừa nói xong, ngay khi đó họ nghe thấy tiếng quát to, “Đứng lại, đồ ăn cắp!”. Họ nhìn quanh và thấy một đám người cầm gậy gộc đang chạy về phía họ và quát lên phải bắt tên trộm tiền lại.
Người nhặt được túi tiền nghe thế hoảng sợ quá bèn nói: “Ôi, chúng ta sẽ chết mất, nếu họ tìm được trong người chúng ta túi tiền thì chúng ta sẽ không yên với họ đâu.”
“Ồ không, không”, người kia đáp: “Lúc nãy ông không chịu bảo là ‘chúng ta’, thì bây giờ ông cũng đừng có nói là ‘chúng ta’ đấy nhé. Phải giữ lấy lời. Phải nói là ‘Tôi sẽ chết mất’ thì mới đúng, vì như ông nói tôi có nhặt túi tiền ấy đâu mà bảo là chúng ta.”
Chúng ta đừng mong người khác chia sẻ cái rủi với mình mà bản thân lại không muốn chia sẻ với họ điều may mắn.
Câu chuyện thứ 2. Chiếc túi tiền có 99 đồng vàng
Ngày xưa có một vị vua anh minh, thần dân trong vương quốc của ông đều ngưỡng mộ và kính trọng ông. Thế nhưng sống trong giàu sang, nhung lụa, nhưng vị vua vẫn cảm thấy buồn bã, cuộc sống đối với ông rất vô vị.
Một ngày nọ, nhà vua ra khỏi hoàng cung đi dạo, ông gặp một người đầy tớ vừa ca hát vừa làm việc. Điều này rất thu hút ông, ông cảm thấy một người làm vua không thiếu thứ gì như mình lại cảm thấy mọi thứ thật ảm đạm, trong khi một người giúp việc lại rất vui vẻ. Ngài liền hỏi: “Tại sao trông cậu lại hạnh phúc như vậy?”.
Người giúp việc kia trả lời: “Thưa ngài, tôi là một đầy tớ, tiền công của tôi cũng rất ít nhưng cả nhà tôi đều cảm thấy rất vui vẻ. Vì mỗi tối trở về, chúng tôi có thể ngồi quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện ban ngày bắt gặp”.
Nghe thì có vẻ rất hợp lý nhưng nhà vua lại không thấy hài lòng, ông thắc mắc đó chỉ là chuyện bình thường ai cũng làm tại sao lại có thể là hạnh phúc.
Một vị quan thân cận đứng bên cạnh nhà vua bèn lên tiếng: “Thưa đức vua, ngài hãy thử cho anh ta 99 đồng tiền vàng, ngài sẽ thấy sự thay đổi rất lớn”.
Nhà vua nghe thấy vậy liền ra lệnh mang đến một túi tiền, trong đó có 99 đồng tiền vàng, để đưa cho gia đình anh giúp việc kia.
Cả gia đình người đầy tớ rất sung sướng và cảm thấy hạnh phúc. Họ mở túi tiền ra và đếm, thật kỳ lạ tại sao lại chỉ có 99 đồng tiền nhỉ, điều gì đã xảy ra với đồng tiền còn lại? Họ tìm kiếm xung quanh thế nhưng đều không thấy.
Cuối cùng, anh đầy tớ kia tự nhủ, 99 đồng tiền vàng này vẫn chưa hoàn hảo, phải kiếm cho đủ 100 đồng tiền vàng lúc đó mới có thể vui được. Từ đó anh ta làm việc một cách điên cuồng, không những thế còn buộc những người khác cũng phải làm việc cật lực để kiếm được số tiền đủ để đổi đồng tiền vàng cuối cùng. Và khác với trước đây, khi làm việc, anh ta cảm thấy không vui, mặt lúc nào cũng xị xuống không còn hát hò vui vẻ nữa.
Chứng kiến toàn bộ việc này, vị quan bèn nói: “Như ngài thấy đó, thưa đức vua, người hầu đó đã nhận được 99 đồng tiền vàng có thể đủ chi trả cho cuộc sống hằng ngày nhưng anh ta không thỏa mãn. Hạnh phúc đối với anh ta bây giờ chính là có được đồng tiền cuối cùng. Con người là vậy, nếu không có tiền họ vẫn có cách để khiến bản thân cảm thấy lạc quan vì những thứ rất nhỏ nhặt, đơn giản. Nhưng khi họ đã có tiền trong tay, họ sẽ chỉ mải miết tìm kiếm sự hoàn hảo đến cuối cùng, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cho rằng phải đủ 100 đồng tiền vàng mới gọi là hạnh phúc”.
Chúng ta có thể hạnh phúc với những gì đang có nhưng khi chúng ta đạt một điều gì đó có giá trị, tâm lý của chúng ta sẽ muốn được nhiều hơn nữa. Chúng ta đánh đổi sức khỏe, tình thân chỉ vì những ham muốn vật chất bình thường.Trong cuộc sống, nếu không học cách cân bằng những nhu cầu và mong muốn, chúng ta sẽ mải cảm thấy bản thân mình bi quan và buồn bã. Đừng tìm kiếm sự hoàn hảo, những gì ở hiện tại chính là hoàn hảo nhất rồi.
(Sưu tầm)
Xem thêm:
Từ khóa Bài học cuộc sống Suy ngẫm Câu chuyện suy ngẫm