4 bước hiệu quả giúp bạn buông bỏ quá khứ
- eo Babauta
- •
Quy trình 4 bước giúp bạn xoa dịu vết thương quá khứ và kết nối lại với cuộc sống.
Nhiều người trong chúng ta không ngừng vật vã với quá khứ, dù bạn có tự nhận ra được điều đó hay không.
Vật vã vì những sai lầm khiến chúng ta hối tiếc, vật vã vì tức giận với những bất công bản thân gặp phải, hay vật vã thất vọng về cách mọi việc đã diễn ra.
Có lẽ chúng ta tự kể cho chính mình nghe đi nghe lại những chuyện đã xảy ra khiến chúng ta cảm thấy buồn, chán nản, tức giận hoặc tổn thương. Có lẽ chúng ta không thể ngừng nghĩ về những sự kiện đã qua — chúng cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí chúng ta.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể buông bỏ quá khứ và thay vào đó đón nhận hiện tại với những điều mới mẻ đang mở ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhận ra cách tự chăm sóc bản thân là giải phóng những gánh nặng trong quá khứ?
Quá khứ có thể buông bỏ được, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dưới đây là 4 bước giải phóng quá khứ để bạn tham khảo khi có nhu cầu:
Bước 1: Quan sát câu chuyện khiến bạn đau lòng
Con người có một số cảm xúc đau đớn và khó khăn như: tức giận, chán nản, thất vọng, hối tiếc, buồn bã hoặc tổn thương.
Hãy để ý những cảm xúc khó chịu này và xem xem điều gì gây ra nó. Thông thường đều là những câu chuyện bạn đang tự kể cho mình về những việc đã diễn ra. Bạn có thể vẫn nhất định cho rằng nỗi đau này là vì những gì đã xảy ra trong quá khứ (thay vì câu chuyện trong đầu bạn) gây ra. Tuy nhiên quá khứ đã là dĩ vãng. Nó đã qua đi rồi. Nỗi đau thì vẫn còn lại đây, và nó do những suy nghĩ day dứt khôn nguôi của bạn về chuyện cũ.
Lưu ý rằng “câu chuyện” được nhắc đến ở đây không có nghĩa là “một chuyện sai lầm”. Nó cũng không có nghĩa là “một chuyện đúng đắn”. Từ “câu chuyện” trong bối cảnh này không có ngụ ý tốt hay xấu, sai hay đúng hoặc bất kỳ loại phán xét nào khác. Đó chỉ đơn giản là một quá trình diễn ra trong đầu bạn. Quá trình đó như thế này:
- Bạn đang nhớ về những gì đã xảy ra
- Bạn có quan điểm hoặc nhận định về sự kiện này, theo đó bạn tự cho mình là bên bị tổn thương
- Điều này gây ra một loại cảm xúc trong bạn.
Vì vậy, chỉ cần để ý đến câu chuyện của bạn mà không cần phán xét về sự việc hay về bản thân bạn. Lẽ dĩ nhiên phải có một chuyện nào đó, nhưng hãy chỉ quan sát nó. Và bạn sẽ thấy nó đang gây ra cho bạn cảm xúc khó chịu, thất vọng hoặc đau đớn.
Bước 2: Lắng nghe cảm giác trên thân thể
Tiếp theo, bạn muốn chuyển từ câu chuyện trong đầu sang cảm giác trên cơ thể. Đây là cảm giác về thể chất: có thể là tức ngực, cảm giác trống rỗng, đau thắt, đau tim,… và nhiều loại khác.
Hãy tập đối mặt với những cảm giác trên cơ thể này. Đẩy sự chú ý từ câu chuyện trong đầu sang cảm giác trên thân thể. Thông thường, chúng ta cố gắng tránh những cảm giác đau đớn này. Bây giờ, hãy dừng lại và đối mặt với chúng bằng lòng can đảm.
Hãy khám phá cảm giác này bằng sự tò mò trong bạn: Cảm giác đó như thế nào? Gốc rễ của nó nằm ở đâu? Nó có thay đổi không? Nếu chuyện này khiến bạn không thể chịu đựng được, hãy giảm liều lượng xuống, theo cách mà bạn có thể kiểm soát được. Chuyện có thể sẽ trở nên rất khó chịu đựng nếu cảm xúc kia là mãnh liệt.
Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta thấy rằng cảm giác khó chịu này không phải đến mức khủng khiếp như ngày tận thế, và chúng ta có thể chịu đựng nó. Trên thực tế, đó chỉ là một chút không thoải mái, chẳng có gì phải lo lắng cả.
Hãy sống chung với cảm giác khó chịu này, nhẹ nhàng, thân thiện và đón nhận nó. Hãy vuốt ve cảm giác này như thể bạn là người bạn tốt của nó. Khi bạn dần trở nên thoải mái với những khó chịu trên thân thể, đó là lúc bạn bắt đầu can đảm lên.
Bước 3: Thở ra, thả lỏng
Hít vào khó khăn của bạn, và thở ra thiện tâm. Đây là một phương pháp thực hành thiền định trong Phật giáo Tây Tạng gọi là tonglen (tạm dịch – cho và nhận): Hít vào cảm giác khó khăn, thở ra cảm giác nhẹ nhõm và giải thoát khỏi chướng ngại đó.
Bạn có thể hít vào không chỉ nỗi đau của chính mình mà còn cả nỗi đau của người khác.
Làm điều này trong khoảng một phút hoặc lâu hơn, tưởng tượng nỗi đau của những người xung quanh đến với bạn theo từng nhịp thở và cảm giác bình yên tỏa ra cho họ khi bạn thở ra.
Bạn có thể thực hành điều này hàng ngày và có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu. Thay vì trốn tránh cảm giác khó khăn, bạn đang đón nhận và để bản thân tiếp thu nó. Đồng thời, bạn cũng đang làm điều đó cho những người khác. Việc này giúp bạn thoát khỏi trạng thái coi bản thân là trung tâm và chuyển sang một trạng thái tốt hơn, lấy người khác làm trung tâm và cân nhắc nhiều hơn đến mọi người.
Khi bạn thực hành cách này, bạn đang bắt đầu loại bỏ nỗi đau hay sự khó chịu của mình.
Bước 4: Hướng tới hiện tại
Khi bạn cảm thấy mình đã có thể buông được, thay vì cuốn vào câu chuyện trong đầu mình một lần nữa, hãy xoay trở lại nhìn hiện tại. Bạn thấy gì lúc này? Bạn có thể trân trọng tất cả hay chỉ một phần điều bạn đang thấy? Bạn có biết ơn những gì bạn đang có trước mắt không?
Bước 4 này rất quan trọng khi chúng ta bị mắc kẹt vào những sự tình diễn ra trong quá khứ mà lãng quên hiện tại. Chúng ta không trân quý những gì đang ở ngay trước mắt mình. Chúng ta không thể làm điều này vì tâm trí chúng ta bị lấp đầy bởi dĩ vãng.
Vì vậy, khi chúng ta có thể buông bỏ quá khứ, chúng ta đổ những lo lắng và cảm xúc tiêu cực ra ngoài, để hiện tại thay thế và lấp đầy thân thể. Sau đó, hãy biết ơn vì những gì ĐANG ở đây thay vì phiền muộn về những gì KHÔNG ở đây.
Tới lúc này, bạn đã biến nỗi vật vã của mình thành một khoảnh khắc của niềm vui.
Tác giả: Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách và là nhà văn của Zen Habits, một blog với hơn 2 triệu người đăng ký. Truy cập ZenHabits.net
Hoa Minh biên dịch (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Bí quyết hạnh phúc Quá khứ Buông bỏ Suy ngẫm