4 điều khiến nhân phẩm bị hạ thấp tuyệt đối không nên làm
- Trúc Nhi
- •
Nhân phẩm là thước đo giá trị của một người, là yếu tố căn bản tạo nên chỗ đứng trong xã hội. Nhân phẩm tốt hay xấu đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và tiền đồ của cá nhân đó.
Người có nhân phẩm kém rất khó tồn tại trong xã hội, họ thường sẽ gặp một số khó khăn bất lợi và những rắc rối không đáng có. Nếu bản thân muốn giữ gìn nhân phẩm thì tuyệt đối không nên làm 4 điều sau đây:
1. Không thành thật
Người xưa nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã’’ ý nghĩa là người không có chữ tín thì không làm được việc gì cả.
Thành thật là đạo làm người, lại càng là cái gốc lập thân xử thế. Nếu một người không có đức tính thành thật thì sẽ không được ai chấp nhận và bị coi thường. Ngược lại, những người trung thực thường vẫn luôn được hoan nghênh chào đón ở khắp mọi nơi.
Nếu không thành thật, thì chính là đang tự hạ thấp nhân phẩm bản thân. Một khi mất đi đức tính tốt đẹp này thì cũng là đang đánh mất sự tin tưởng và tín nhiệm của người khác.
Đức tính thành thật, giữ chữ tín là thứ có dùng tiền cũng không mua được. Để có được sự tín nhiệm của người khác là điều không dễ dàng, nên cảm thấy may mắn khi được người khác sẵn lòng tin tưởng, nếu không biết trân trọng mà phụ đi niềm tin ấy thì tương lai sẽ rất hối hận.
Người xưa cũng nói: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Nếu một lần không giữ chữ tín thì sự tin tưởng của người khác từng giành cho chúng ta sẽ không còn nữa. Bởi vì lòng tin là thứ một khi đã mất đi thì rất khó lấy lại được.
Làm người, bất kể có năng lực hay không cũng phải trung thực, giữ chữ tín. Chỉ cần làm được điều này, thì chính là người tốt. Ngược lại chỉ khiến người khác cảm thấy thất vọng và coi thường.
2. Vô trách nhiệm
Chẳng ai muốn mình bị coi là kẻ vô trách nhiệm phải không? Bởi vì trách nhiệm vốn là nghĩa vụ mà ai cũng phải gánh vác và thực hiện.
Trách nhiệm bao gồm nhiều yếu tố, ví dụ như cam kết với người khác, yêu cầu nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức, luật pháp và quy định. Đây đều là những thứ thuộc về bản thân, vì vậy chúng ta nên chủ động gánh vác những trách nhiệm này.
Việc giữ trách nhiệm có tốt hay không thể hiện ra nhân phẩm của một người. Một người vô trách nhiệm thì hẳn là nhân phẩm cũng thấp. Vì vậy, hãy nhớ tránh những hành vi thiếu trách nhiệm, vì nó sẽ làm mất đi hình ảnh của mình trong mắt mọi người.
Chớ nghĩ đây chỉ là chuyện nhỏ nhặt, nếu người khác thấy chúng ta là người vô trách nhiệm thì tự nhiên họ sẽ lánh xa. Người vô trách nhiệm thường không được mọi người yêu mến và sẽ không có chỗ đứng ở xã hội.
Trong xã hội, khắp nơi đều là những yếu tố yêu cầu mỗi người phải có trách nhiệm. Dù chúng ta là sếp, là nhân viên hay chỉ là một công dân bình thường, thì đều phải thực hiện trách nhiệm ở vị trí của mình. Một người vô trách nhiệm thì ngay cả sự tin tưởng của người khác cũng không có, chứ chưa nói đến việc họ sẽ giao trọng trách gì đó cho chúng ta.
Nên dưỡng thành đức tính biết chịu trách nhiệm, đây là một phẩm chất tốt cần có để hoàn thiện hơn về mặt nhân cách.
3. Giậu đổ bìm leo
Câu thành ngữ này chỉ về người mà khi ai gặp chuyện, không những không đưa tay ra giúp đỡ, ngược lại còn đẩy họ xuống.
Thành ngữ này thường được sử dụng như một phép ẩn dụ cho những người hay thừa dịp người khác gặp nguy nan mà dùng những hành vi tiểu nhân để lấn lướt, áp đảo họ, nhằm đạt mục đích riêng của mình.
Làm người, chúng ta nếu không thể trở thành một người có tấm lòng rộng rãi được mọi người khen ngợi, thì cũng đừng bao giờ làm những việc vô đạo đức của kẻ có lòng dạ tiểu nhân.
Người xưa nói: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.
Khi người khác gặp nạn, nếu không thể đưa tay ra giúp đỡ, chúng ta cũng đừng thêm dầu vào lửa, đẩy người ta vào chỗ càng khó khăn hơn. Người ngoài nhìn vào cũng sẽ rõ ngay nhân phẩm của kiểu người này. Hơn nữa tương lai quay đầu lại nhìn sự việc hôm nay, lẽ nào trong lòng không có chút nào hối hận?
Người mà “giậu đổ bìm leo” khó mà có được người bạn nào thật lòng, có lẽ ai tiếp xúc cũng sẽ đề phòng kiểu người này.
4. Vong ân phụ nghĩa
Người xưa nói: “Tri ân đồ báo, thiện mạc đại yên”, ý nghĩa rằng biết ơn là cái thiện lớn nhất của một người. Người mà nhận ân không có chút cảm kích, hẳn là không ai xem người này là người tốt. Thậm chí nếu vong ân phụ nghĩa thì còn bị xem là kẻ ác.
Cũng lại có câu nói: “Tích thủy chi ân, đương dũng tuyền tương báo”, ý nghĩa rằng sống trên đời, nhận ân thì phải nhớ, dù chỉ bé bằng một giọt nước cũng phải báo đáp ơn ấy bằng cả một dòng nước mạnh mẽ. Đây là đạo đức tu dưỡng cơ bản nhất của một người, nếu ngay cả điểm này cũng không làm được thì không còn gì để nói.
Còn nếu một người không chỉ vô ơn bội nghĩa mà còn làm chuyện hại người thì nhân phẩm của người này quả là quá thấp kém rồi.
Nếu muốn có một chỗ đứng trong xã hội thì 4 hành vi trên đều phải tránh. Chúng không mang lại lợi ích gì bền vững cho bản thân, ngược lại chỉ tích tai tiếng lâu dài.
Từ khóa Nhân phẩm bất tín vong ân phụ nghĩa vô trách nhiệm giậu đổ bìm leo