5 mẹo nhỏ để tận hưởng cuộc sống thường nhật mỹ mãn hơn
- Alice Boyes
- •
Trong sự ồn ào và bận rộn của cuộc sống, bạn rất dễ bỏ lỡ những cơ hội cho niềm vui ở ngay trước mắt. Chỉ khi bạn càng biết tự coi xét bản thân mình hơn, bạn sẽ càng biết cách tận dụng tốt những cơ hội này.
Hãy thử áp dụng 5 mẹo nhỏ dưới đây của tiến sĩ Alice Boyes trong một bài viết của cô được đăng trên trang Psychology Today để có được nhiều niềm vui hơn từ tất cả những việc bạn đã làm trong cuộc sống thường nhật:
1. Hãy đặt tâm chú ý đến những trải nghiệm tốt đẹp
Tiến sĩ Alice Boyes viết: “Tôi là một người có bản tính hay lo lắng nhưng nhìn chung tâm trạng của tôi lại luôn rất tốt. Một phần lý do tại sao tôi luôn cảm thấy hạnh phúc là bởi vì tôi cũng rất nhạy cảm với những cảm xúc tích cực. Tôi luôn chú ý đến những trải nghiệm mà giúp tôi cảm thấy vui vẻ như khi đi dạo, khi sưởi nắng, hoặc khi hoàn thành một việc mà tôi đã trì hoãn.”
Gợi ý 1: Bạn hãy dành một ngày trong tuần và một ngày cuối tuần để viết nhật ký hàng giờ về bất kỳ trải nghiệm nào mà mang lại cho bạn cảm xúc tích cực, thậm chí chỉ là thoáng qua. Đặt chuông báo thức điện thoại mỗi giờ để nhắc bạn ghi chép:
- Hãy ghi chép tất cả mọi thứ và đặc biệt chú ý đến những thứ đem lại cho bạn cảm giác tích cực như ngồi ở một nơi đầy nắng dưới cửa sổ hoặc chui vào tấm ga trải giường sạch sẽ.
- Ghi lại những điều giúp bạn giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực như cuối cùng bạn cũng giải quyết được một vấn đề khó khăn.
- Ghi cả những cảm xúc tích cực mà bạn cảm thấy từ việc hoàn thành những công việc hàng ngày như việc nhà hay chải chuốt và chăm sóc bản thân.
2. Nhận ra những cảm xúc vui vẻ mà bạn đã bỏ lỡ do đã “quá quen thuộc”
“Cảm giác quen thuộc với những niềm vui” là khi bạn cảm thấy ít hứng thú hơn với những việc đã từng trải qua rồi. Ví dụ, cái bánh thứ tư bạn ăn sẽ không ngon bằng cái bánh đầu tiên, hay khi bạn mua một chiếc xe mới, bạn sẽ không có cảm giác đặc biệt sau một vài tháng sử dụng nó nữa.
Nếu bạn là người giỏi tự coi xét bản thân, bạn có thể chú ý đến những niềm vui hàng ngày mà dường như ‘không cũ’ đối với bạn. Với tiến sĩ Alice Boyes, những niềm vui đó là được hôn và âu yếm đứa con 3 tuổi của cô, phơi nắng và làm việc mà cô cảm thấy tự hào.
Gợi ý 2: Hãy xem xét các kết quả mà bạn ghi nhận được từ thử nghiệm 1 và ghi nhớ bất kỳ trải nghiệm nào mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ dù nó thường xuyên xảy ra. Khi bạn xác định được những điều này là gì thì bạn sẽ đặc biệt chú ý đến những khoảnh khắc đó trong ngày. Chẳng hạn, tiến sĩ Alice thích việc con cô luôn trông rất vui khi thấy cô ra khỏi giường hoặc khi cô đi từ bên ngoài vào nhà, và nụ cười bé xinh đó “không bao giờ cũ”.
3. Làm điều gì đó mới lạ
Hãy chú ý khi bạn cảm thấy nhàm chán với các hoạt động mà mọi lần vẫn làm bạn thích thú. Ví dụ bạn thích xem TV, nhưng xem quá nhiều khiến nó trở nên ít thú vị hơn. Nếu bạn nhận ra điều này, bạn nên biết là đã đến lúc kết hợp các hoạt động giải trí thông thường của mình với một cái gì đó mới lạ.
Sẽ rất tốt nếu có các hoạt động yêu thích nhưng chúng rồi sẽ dần trở nên nhàm chán, đặc biệt nếu bạn chỉ dựa vào một vài hoạt động để giải tỏa căng thẳng.
Nếu bạn tạm dừng các hoạt động yêu thích để thử một hoạt động mới mẻ, có thể bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi quay trở lại với chúng sau thời gian tạm dừng.
Gợi ý 3: Nghĩ ra một vài ý tưởng mới mẻ để làm nếu bạn cảm thấy chán những hoạt động yêu thích thường ngày.
4. Tận hưởng niềm vui của việc hoàn thành công việc
Không phải bạn sẽ hài lòng với mọi công việc phải làm, nhưng hãy cố gắng hiểu bản thân mình muốn gì để cảm thấy vui vẻ. Hãy chú ý kỹ những cảm xúc cụ thể mà bạn cảm nhận được, chẳng hạn như dọn dẹp hoặc rửa chén đĩa giúp bạn cảm thấy bình tĩnh, hoặc bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng khi hút bụi, hay việc gấp quần áo giúp bạn cảm thấy thư giãn.
Hãy chú ý tới những khía cạnh nào trong công việc mà đặc biệt làm bạn hài lòng và lý do tại sao. Chẳng hạn bạn mong muốn làm việc với một đồng sự nào đó, hoặc công việc khó khăn gì khiến bạn cảm thấy cực kỳ hài lòng khi giải quyết được?
Gợi ý 4: Bạn càng chú ý đến cảm nhận mà các hoạt động khác nhau mang đến cho bạn, bạn sẽ càng có thể tận hưởng được chúng. Ví như bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng khi hút bụi hay bình tĩnh khi giặt quần áo. Bây giờ, bạn hãy xác định ra 3 việc, gồm ít nhất một cái trong cuộc sống cá nhân và một cái trong công việc.
5. Hãy nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực
Tiến sĩ Alice Boyes chia sẻ: “Đứa con gái 3 tuổi của tôi đang ở giai đoạn muốn chơi một trò chơi giống nhau mỗi ngày. Chẳng hạn, chúng tôi chơi trò săn tìm kho báu quanh nhà, nơi tôi viết các gợi ý như “nhìn dưới túi đậu” v.v… và con bé sẽ lần theo chúng. Bất cứ khi nào tôi được yêu cầu chơi trò chơi này, tôi lại nghĩ: “Làm cách nào mà mình nghĩ ra được những ý tưởng mới cho các gợi ý khi hai mẹ con đã chơi hầu hết khắp mọi nơi trong nhà?!’. Đây là khía cạnh tiêu cực, nhưng khía cạnh tích cực là tôi yêu thích sự nhiệt tình của con gái với cuộc sống và con yêu cầu chơi một trò chơi chủ yếu là đọc và thực hành giải quyết vấn đề. Phản ứng tiêu cực là phản ứng tôi có đầu tiên, nhưng sau đó tôi đã có được phản ứng tích cực”.
Gợi ý 5: Hãy nghĩ lại những trải nghiệm nào của bạn có liên quan đến cảm xúc tích cực và tiêu cực. Và làm cách nào bạn có thể chú ý hơn đến các khía cạnh tích cực?
Khả năng nhận ra và tận hưởng những niềm vui mỗi ngày là một kỹ năng mà bạn có thể cải thiện. Kỹ năng này càng tốt thì bạn càng cảm thấy hạnh phúc và bình thản hơn trong cuộc sống.
Tác giả: Tiến sĩ Alice Boyes
Ngọc Chi lược dịch
Xem thêm:
Từ khóa cuộc sống hạnh phúc mẹo hay Bí quyết hạnh phúc