8 lý do giải thích vì sao bạn vẫn cảm thấy đói sau bữa ăn
- Minh Minh
- •
Bạn đã bao giờ cảm thấy đói ngay sau khi ăn xong chưa?
Đói là tín hiệu mà cơ thể nói với bộ não của bạn rằng bạn cần ăn nhiều thức ăn hơn. Đây là kết quả của một loạt các tương tác phức tạp giữa đường tiêu hóa, hormone và hệ thần kinh của bạn.
Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất giải thích về cơn đói sau bữa ăn của bạn.
1. Ăn quá ít vào bữa sáng
Một nghiên cứu của Đại học Cambridge theo dõi 6.764 người trưởng thành trong 4 năm phát hiện ra rằng: những người ăn 300 calo (hoặc ít hơn) cho bữa sáng tăng cân gấp đôi so với những người ăn 500 calo trở lên. Một bữa sáng đầy đủ giúp bạn điều chỉnh lượng đường trong máu suốt cả ngày, nên bạn không bị đói và thèm ăn vặt. Bạn nên ăn nhiều calo vào bữa sáng để giúp kiểm soát cơn đói và tăng cân quá mức.
2. Khát nước
Đôi khi cơ thể rã rời, bụng kêu òng ọc, bạn nghĩ mình cần ăn gì đó nhưng thực ra bạn chỉ bị mất nước thôi. Các triệu chứng mất nước thực sự tương tự với những cơn đói. Mất nước sẽ làm bạn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung. Vì vậy, khi ăn xong mà vẫn thấy đói, bạn hãy uống một ly nước.
3. Ăn đồ đóng hộp
Chất bisphenol A (BPA) được bôi trong lớp lót của thực phẩm đóng hộp nên sẽ tự thấm vào thực phẩm. BPA là một trong những tác nhân gây ra béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe khác. BPA gây ra sự gia tăng hormone leptin dẫn đến cảm giác thèm ăn. Các loại đồ uống đóng lon như soda, bia cũng không tốt cho sức khỏe, bạn nên hạn chế sử dụng.
4. Uống quá nhiều nước có ga
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều nước ngọt sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn. Hàng ngày bạn uống sữa để bổ sung canxi nhưng cùng với đó uống cả nước ngọt thì lượng canxi sẽ giảm, điều này có thể dẫn đến những hậu quả đối với sức khoẻ xương.
5. Ăn quá nhanh
Việc ăn nhanh có thể khiến cơ thể ngừng tiết hóc môn có nhiệm vụ thông báo lên não khi dạ dày đã đầy. Điều này sẽ làm bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết vì không có cảm giác no, khiến cơ thể không kịp xử lý gây ra tình trạng ứ đọng chất béo và dẫn đến béo phì.
6. Ăn thiếu chất xơ
Chất xơ giữ trong dạ dày lâu hơn so với carbohydrate và đường, giúp bạn no lâu hơn. Chất xơ cũng ít calo, bạn nên bổ sung nhiều chất xơ thay vì ăn các món nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều dầu mỡ. Bạn nên các món nhiều xơ như trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu. Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể không bị mất nước và hỗ trợ điều phối chất xơ trong dạ dày để bạn giảm cơn đói.
7. Bạn không thực sự thấy đói
Đôi khi chúng ta chỉ ăn vì lý do tâm lý. Căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi… đều vô tình làm bạn ăn nhiều hơn. Bạn chỉ ăn để đối phó với những cảm xúc khó khăn. Giải pháp dài hạn là bạn phải học cách giải tỏa tinh thần (thiền, tập thể thao, đọc sách…), còn giải pháp ngắn hạn là ăn vặt bằng các món ít calo như cam, quýt, dâu tây, các loại hạt…
8. Vấn đề y tế
Một số vấn đề y tế (bệnh tiểu đường, mang thai, sán dây, các vấn đề về tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc) có thể gây ra cơn đói bất thường cho bạn. Nếu tình trạng đói sau bữa ăn diễn ra dai dẳng, hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu xem liệu có nguyên nhân sâu xa nào khác không.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa đói Chăm sóc sức khỏe ăn uống đúng cách ăn uống