9 dấu hiệu chứng tỏ đã đến lúc bạn nên thôi việc
- Minh Minh
- •
Cố gắng gắn bó với công ty không phải lúc nào cũng là điều tốt nhất, trong một số trường hợp, việc bạn xin nghỉ việc đôi khi lại là điều cần thiết.
Cũng giống như bao người, thời gian bạn ở nơi làm việc sẽ nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Bởi vậy, việc bạn đầu tư thời gian vào đúng nơi để theo đuổi một cơ hội nghề nghiệp phù hợp với bản thân là điều rất quan trọng.
Lương thưởng hay chức vụ không phải là căn cứ để đánh giá công việc đó là tốt hay dở. Bạn có thể đang làm việc cho một công ty nằm trong bảng xếp hạng 500 công ty có doanh thu lớn nhất của Hoa Kỳ (Fortune 500), song sự thỏa mãn và những gì bạn được đền đáp lại chưa chắc đã hơn một nhân viên pha chế trong cửa hàng coffee.
Yêu cầu trong công việc của bạn càng nhiều, bạn càng dễ mất quyền kiểm soát những điều mình muốn làm, có khả năng bạn sẽ bị kiệt sức, giấc ngủ không sâu, luôn lo lắng và bị trầm cảm. Phải làm công việc nhàm chán quá lâu cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp của bạn. Bạn sẽ không quan tâm đến công việc, làm qua loa cho xong việc, hay thậm chí còn trở nên khó tính…
Để đưa ra được quyết định chuyển việc quả thực không hề đơn giản. Bạn cần chắc chắn rằng lựa chọn thôi việc của mình là đúng đắn. Tìm một công việc mà bạn thực sự yêu thích chính là trách nhiệm. Vì vậy, nếu bạn thấy mình có những dấu hiệu sau đây, Tiến sỹ Travis Bradberry khuyên bạn hãy ngay lập tức nghỉ việc.
1. Công ty đang kiệt quệ tài chính
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có đến 71% công ty nhỏ phải đóng cửa khi mới có “tuổi đời” chưa đến 10 năm. Bạn hãy để ý các manh mối, ví như, đột nhiên công ty yêu cầu phải có sự phê duyệt của lãnh đạo ngay cả với các khoản chi tiêu nhỏ, các buổi họp kín tăng dần, hay sự “ra đi” của các quản lý cấp cao.
Nếu bạn nghi ngờ rằng công ty mình đang đối mặt với rắc rối, và “sự vững mạnh” của công ty là điều làm bạn bận tâm, thì có lẽ đây là thời điểm hợp lý để bạn rời đi. Bởi nếu ở lại cho đến khi công ty đóng cửa, bạn sẽ có nguy cơ phải cạnh tranh với các đồng nghiệp cũ của mình trên thị trường tuyển dụng.
2. Không có cơ hội thăng tiến
Nếu bạn đang bị “mắc kẹt” trong công việc và không phát huy được kỹ năng của mình, hãy bắt đầu tìm công việc khác phù hợp hơn. Còn nếu bạn thỏa mãn với những gì đang có, thì hãy tiếp tục. Nhưng hãy nhớ rằng dù làm công việc gì, thì công việc ấy phải đề cao được kỹ năng của bạn, và chính bạn cũng phải thường xuyên trau dồi chúng.
Nếu bạn không học hỏi những thứ mới, mà lúc nào cũng tất tưởi với những việc lặp đi lặp lại, cũng như không phát huy được giá trị của bản thân, trong khi những người xung quanh của bạn có rất nhiều cơ hội thăng tiến và được phân những công việc “béo bở”, thì đó cũng là lúc bạn nên nghỉ việc.
3. Người ngoài cuộc
.
Có phải bạn luôn là người cuối cùng biết chuyện gì đang xảy ra ở công ty, hay cấp trên không khi nào đếm xỉa gì tới bạn trong buổi họp, và bạn cũng không bao giờ biết đến những dự án lớn, hay những điều mà mọi người đang quan tâm…? Nếu đúng như vậy, thì đồng nghĩa rằng các “sếp” chỉ xem bạn là một nhân vật có mặt để lấp đầy chỗ trống công việc, chứ không đánh giá cao năng lực của bạn. Đó là dấu hiệu xấu cho sự nghiệp và bảo rằng đã đến lúc bạn cần rời đi.
4. Bạn có năng lực hơn cấp trên
Bạn sẽ cảm thấy bực mình khi làm việc dưới trướng của người mà bạn cho rằng kỹ năng và hiểu biết của họ không bằng bạn, nhưng vấn đề thực sự còn nan giải hơn rất nhiều. Nếu bạn tin rằng lãnh đạo công ty bạn không thể đưa ra được quyết định đúng đắn và lèo lái con tàu đi đúng hướng, thì bạn sẽ luôn sống trong tình trạng lo lắng, đứng ngồi không yên. Và nếu ngay cả các lãnh đạo của bạn cũng không biết được những gì họ đang làm, thì đồng nghĩa với việc bản thân bạn cũng không còn việc gì để làm ở đó nữa.
>>Suy nghĩ lệch lạc trong giới nhà giàu mới nổi về tinh thần quý tộc
5. Cấp trên không tốt
Các quản lý cấp trên của bạn đến rồi đi, nên có nhiều người cho rằng chỉ cần chờ vị “sếp” không tốt kia rời đi là xong. Nhưng không hẳn vậy. Nếu bạn có một cấp trên năng lực kém, nhưng lại rất được lòng lãnh đạo cấp cao, thì bạn là người nên rời đi. Ngoài việc khiến bạn chật vật, thì một người quản lý sống hai mặt sẽ thường được lãnh đạo cấp cao yêu quý, và họ có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn bằng việc lấy hết công trạng, nói xấu bạn với người khác, và đổ lỗi cho bạn mỗi khi xảy ra chuyện.
6. Cảm thấy đi làm là cực hình
Có lẽ rất nhiều người mắc hội chứng “sợ thứ Hai”, nhưng nếu chỉ cần nghĩ đến công việc là bạn đã thấy khiếp đảm, ngán ngẩm và không thiết tha gì với tuần làm việc mới, thì đó là lúc bạn nên nộp đơn thôi việc. Hãy dừng công việc đó lại nếu nó thực sự không phù hợp với bạn.
7. Không còn đam mê với công việc
Ngay cả khi bạn vẫn rất yêu quý công ty, cấp trên, hay đồng nghiệp của mình, thì bạn cũng không nên gồng mình để tiếp tục công việc mà bạn thấy chán ghét. Bởi nếu không cẩn thận, sự thờ ơ của bạn với công việc sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân. Trong giờ làm bạn dành nhiều thời gian để mua sắm trực tuyến, lướt web… hơn để làm việc, và chỉ mong tiếng chuông công sở đổ, thì đó là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã không còn hứng thú với công việc nữa.
Đam mê là nhân tố then chốt quyết định thành công. Nếu bạn chán nản công việc hiện tại, thì đã đến lúc bạn cần định hướng lại sự nghiệp của mình. Nhưng trước khi bỏ việc, cần chắc rằng đó không phải là những cảm xúc nhất thời.
>>22 quy tắc giao tiếp thương mại người chuyên nghiệp cần biết
8. Sức khỏe suy giảm
Tiền không mua được sức khỏe. Công việc áp lực có thể khiến bạn bị trầm cảm, mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, bệnh tật triền miên… bạn phải cam chịu và không mấy khi thấy vui vẻ, hạnh phúc. Một công việc khiến cả sức khỏe và tinh thần của bạn “ốm yếu” thì chắc chắn nó đang “hủy hoại” bạn. Hãy mau chóng tìm cho mình một công ty khác.
9. Công việc ảnh hưởng tới cuộc sống riêng
Bạn liên tục phải tăng ca, hoặc bị căng thẳng và khổ sở mỗi khi về nhà, thì đã đến lúc phải rời đi, bởi công việc của bạn đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống riêng.
Cách nghỉ việc khôn ngoan
Hãy lưu ý, bạn nên cố gắng rời công ty một cách lịch sự, khéo léo nhất. Đừng biến mình trở thành kẻ “qua cầu rút ván” với những lý do ở trên. Nó không giải quyết vấn đề gì cả, và thậm chí nó còn mãi ám ảnh tâm trí bạn. Thay vào đó, bạn chỉ cần giải thích đơn giản rằng bạn nghỉ việc vì muốn theo đuổi một cơ hội khác, rồi nhã nhặn ra đi.
Đôi nét về tác giả
Tiến sỹ Travis Bradberry là đồng tác giả của cuốn sách đoạt giải thưởng Cuốn sách bán chạy nhất – cuốn “Emotional Intelligence 2.0” (Trí tuệ xúc cảm 2.0), cũng là đồng sáng lập của công ty về khảo sát nhân lực TalentSmart– một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các chương trình sát hạch và đào tạo nhằm làm tăng trí tuệ cảm xúc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
TalenSmart xây dựng thang đo lường kỹ năng thuộc lĩnh vực trí tuệ cảm xúc của bạn với 4 mảng: tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội và quản lý các mối quan hệ. Từ kết quả đo lường này mà nó sẽ xác định được chiến lược phù hợp nhằm cải thiện các kỹ năng của bạn. Các chương trình của TalentSmart phục vụ cho 75% trong số các công ty nằm trong bảng xếp hạng Fortune 500.
Các cuốn sách bán chạy nhất của ông đã được dịch ra 25 thứ tiếng và hiện đã có mặt ở hơn 150 quốc gia. Tiến sĩ Bradberry cũng viết bài và làm phóng viên cho Newsweek, TIME, BusinessWeek, Fortune, Forbes, Fast Company, Inc., USA Today, The Wall Street Journal, The Washington Post, và The Harvard Business Review.
Theo Weforum.org
Tác giả: Tiến sĩ Travis Bradberry
Minh Minh biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Áp lực công việc công sở sự nghiệp cơ hội việc làm