9 điều các bậc cha mẹ nên cân nhắc khi nói với con trẻ
- Minh Minh
- •
Làm cha mẹ, ai cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Và hơn hết cha mẹ chính là tấm gương và là người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.
Tuy vậy, nhiều khi các bậc phụ huynh trong cơn nóng giận hay vô tình nói những lời gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của con trẻ. Và tác động của những lời nói này thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, không như những gì họ mong đợi.
Bởi vậy, khi giao tiếp với con, các ông bố bà mẹ hãy cố gắng xem xét và để ý lời ăn tiếng nói của mình. Sau đây là một vài lời khuyên đưa ra cho các bậc phụ huynh về những điều nên cân nhắc khi nói với con trẻ.
1. “Hư thân mất nết”
Trẻ em thường rất ngây thơ và tinh nghịch, rất khó đoán trước được suy nghĩ và hành vi của chúng. Có những lúc các bé rất ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng cũng có lúc lại ngang bướng, “dở dở ương ương”, như không chịu chào hỏi người khác, không xin phép bố mẹ đi chơi, nghịch phá đồ đạc v.v… Lúc ấy, phụ huynh sẽ rất dễ nổi xung lên và mắng các bé là “đồ hư thân mất nết”. Lời chỉ trích nặng nề này sẽ khiến các bé cảm thấy xấu hổ và khó chịu.
Thực ra, có thể chỉ là tại thời điểm đó đứa trẻ không muốn làm việc đó mà thôi. Bởi vậy, không thể quy chụp nó thành nhân cách của trẻ. Vậy nên, thay vì mắng con “hư thân mất nết”, hãy gợi ý và nhắc nhở con cần xử sự ra sao và giúp các con cải thiện hành vi của mình.
2. “Con thật đáng xấu hổ!”
Việc gán mác cho bé một loại tính các nào đó dựa trên cảm xúc “nhất thời” quả thực là một việc không bao giờ nên làm. Dù tính cách của con bạn là nhút nhát hay bạo dạn, thì khi bị chỉ trích như vậy chúng sẽ rất buồn tủi và khó chịu. Ai cũng có điểm yếu, ai cũng mắc sai lầm, không có gì phải xấu hổ về điều đó cả.
Đặc biệt, nếu bạn nói điều này trước mặt người khác thì còn tồi tệ hơn nữa. Cảm giác xấu hổ sẽ có thể ám ảnh bé suốt cuộc đời, bé sẽ thu mình lại và lẩn tránh. Bởi vậy, thay vì chỉ trích con, cha mẹ hãy tìm cách gỡ nút thắt trong tâm và giải thích để con trẻ hiểu điều gì nên làm và điều gì cần tránh.
3. “Bố mẹ quá thất vọng về con!”
Đừng bao giờ “xát muối vào lòng” con như vậy. Nếu một đứa trẻ phạm lỗi, không cần phải khiến chúng mãi gặm nhấm cảm giác tội lỗi đó.
Nếu đứa trẻ biết rằng vừa làm gì sai hoặc đang cảm thấy tồi tệ, thì đừng khiến trẻ lúc nào cũng thấy tội lỗi. Ngược lại, các bậc phụ huynh hãy cố gắng hiểu điều gì đang xảy ra hoặc vì sao điều đó lại xảy ra với con trẻ, từ đó hãy giúp chúng không lặp lại sai lầm nữa, và giúp các bé trở lại trạng thái bình thường.
4. “Có thế mà cũng khóc!”
Quả thực nhiều khi khó biết được nguyên nhân khiến một đứa trẻ bật khóc, đôi khi chúng khóc rất “vô duyên vô cớ”. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng là những đứa trẻ hư, mà đơn giản là các bé có gì đó khó chịu và đang cần người lớn cảm thông và trấn an chúng.
Trên thực tế, trẻ con không “hồn nhiên vô tư” như chúng ta nghĩ, các bé vẫn có những lo lắng, sợ hãi….và khóc nhè là cách trẻ nhỏ thể hiện cảm xúc của mình. Hãy cố gắng thấu hiểu cảm xúc của con, giúp con đối diện và vượt qua chướng ngại tâm lý đó.
5. “Con trai không được khóc nhè”
Nói như vậy đồng nghĩa với việc bạn đã có định kiến về giới tính. Các bậc phụ huynh thường mong muốn bé trai phải cứng rắn, kiên cường và tiết chế được cảm xúc.
Nhưng dù sao thì chúng vẫn chỉ là trẻ con. Việc một đứa trẻ khóc không nói nên điều gì về tính cách của chúng, có thể chỉ đơn giản là cách trẻ bày tỏ cảm xúc của mình, vì các bé chưa biết cách bộc bạch nó ra.
6. “Đừng bao giờ làm như thế này, phải làm theo bố mẹ”
Thực tế đã chứng minh câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công” quả thực rất đúng đắn. Trẻ nhỏ cũng vậy, chúng cần phải “vấp ngã” thì mới có thể học được kỹ năng và tri thức. Bạn hãy tạo điều kiện cho con được khám phá để biết cách đi đến thành công. Nếu cha mẹ can thiệp và làm hết cho chúng, sẽ khiến chúng cảm thấy mình không có khả năng làm gì cả và chúng thật vô dụng.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Trẻ nhỏ Barnard – Tiến sĩ Klein cho hay: “Nếu bạn bảo trẻ nhỏ rằng ‘Không được làm như thế, hãy làm theo mẹ’ thì các bé sẽ hiểu ngay rằng chỉ người lớn mới làm được việc đó, còn chúng thì không thể. Và nó sẽ khiến trẻ mất tự tin”.
7. “Con mới xinh đẹp làm sao!”
Khen để động viên con là điều tốt, tuy nhiên không nên khen một cách thái quá và tùy tiện. Lời khen đôi khi có thể ảnh hưởng tai hại đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Ví như, việc bạn hay khen bé gái xinh xắn thì bé liền hiểu rằng đó là điều mà cả thế thế giới này mong chờ ở chúng. Có thể những lời khen như vậy khiến đứa trẻ sẽ coi thường những đứa trẻ xấu hơn và coi trọng hình thức. Bởi vậy, thay vì dành lời khen cho vẻ bề ngoài, hãy khen cho những nỗ lực và cố gắng của các bé.
8. “Con là thông minh nhất!”
Khen con không đúng cách, có khi còn hại con đủ đường. Nguy hại hơn cả là khi đứa trẻ cho rằng mình thông minh lại gặp thất bại, với chúng, đấy là điều tồi tệ nhất và rất sợ mắc lỗi và oán trách bản thân. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cân nhắc khi liên tục nói điều này với con mình.
Cha mẹ hãy khen thưởng dựa trên sự nỗ lực của con, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của con, khiến con sẽ luôn nỗ lực hết mình khi làm mọi việc.
9. “Béo không tốt đâu, đừng ăn thứ đó!”
Các bà mẹ thường hay nhắc nhở điều này với các bé gái, chứ không hẳn là với tất các các bé. Nhất là trong xã hội ngày nay, các bé gái càng bị nhắc nhở chú ý đến vóc dáng nhiều hơn nữa.
Một khi các con thấy cha mẹ lo lắng rằng chúng quá béo hoặc tăng cân, các em thường sẽ rất để tâm đến ngoại hình của mình. Thay vì tự tin tham gia các hoạt động tập thể, các bé có thân mình mập mạp thường sống khép kín, thu mình, bởi đi đâu cũng thấy mình thua kém bạn bè. Điều này không tốt đối với sự phát triển về tâm lý, tính cách cũng như nhận thức của các bé.
Bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con cái của mình lớn lên sẽ trở thành một đứa trẻ tự tin, độc lập và thành công trong cuộc sống. Chính vì vậy, để nuôi dạy con cái thành công, các bậc phụ huynh phải chọn được cho mình những cách giáo dục con đúng đắn và sáng suốt, để các con dần dần lớn lên, dần dần trưởng thành cả về thể chất lẫn tâm hồn.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục con cái Dạy con Tình cảm gia đình Làm cha mẹ Văn hóa ứng xử