Trí tuệ cổ nhân: 4 câu gia huấn sâu sắc của Tăng Quốc Phiên
- An Hòa
- •
Một gia tộc muốn hưng thịnh thì cần có những điểm nổi bật, như những lời gia huấn, các nguyên tắc kỷ luật hay một tấm gương điển hình để con cháu học tập noi theo. Gia tộc họ Tăng sản sinh ra nhiều nhân tài, nổi danh vào thời điểm đầy sóng gió khi Trung Quốc chấm dứt chế độ quân chủ và xảy ra các cuộc chiến tranh, có thể nói là nhờ vào 4 lời gia huấn di ngôn của vị quan đại thần nổi tiếng triều Thanh, Tăng Quốc Phiên.
1. Thận trọng lúc ở một mình thì trong tâm sẽ bình yên
Đạo lý tu dưỡng bản thân là phải hướng vào trong nội tâm của mình. Trong tâm đã biết rõ thiện ác đúng sai, lại không thể tận lực hành thiện trừ ác, theo đúng bỏ sai, thì chưa phải là thật tâm tu dưỡng. Nội tâm của một người chỉ có bản thân mới có thể nắm rõ được. Và cũng chỉ khi ở một mình thì người ta mới có thể có đủ thời gian để nhìn rõ nội tâm của bản thân. Bởi vậy ở một mình thì nên thận trọng xét lại mình, tối kỵ tính toán hay oán hận người khác.
Mạnh Tử nói trong thiên “Tẫn tâm” rằng: “Ngẩng mặt không thẹn với trời, cúi đầu không thẹn với người”. Cái gọi là dưỡng tâm, nhất định phải là “thanh tâm quả dục”, để tâm thanh tịnh, giảm bớt ham muốn. Cho nên, người có thể tự thận trọng xét lại bản thân mình sẽ không cảm thấy áy náy, hổ thẹn.
Người ta nếu không có việc gì phải áy náy hổ thẹn thì khi đối mặt với bất kể điều gì, thần sắc vẫn sẽ an nhiên, bình thản. Tâm tình như vậy là vui sướng, là hạnh phúc nhất. Có thể nói “thận độc” (thận trọng lúc ở một mình), là việc quan trọng trong tu thân dưỡng tính, là đạo lý cần cố gắng đạt được của đời người.
2. Cung kính thì thân thể sẽ khỏe mạnh
Trong nội tâm thuần khiết, bên ngoài tề chỉnh nghiêm túc, đây là biểu hiện của việc tu dưỡng chữ “kính” (kính trọng, tôn kính, cung kính). Bước ra khỏi cửa, nhìn thấy người giống như nhìn thấy khách quý, luôn kính trọng người khác, đây là biểu hiện của việc tu dưỡng “kính”. Bậc quân vương thời xưa tu dưỡng bản thân mà khiến dân chúng bình an, trung thực kính cẩn mà khiến thiên hạ được thái bình, đây cũng là hiệu quả của “kính”.
Bên cạnh đó, làm người không chỉ cần “kính”, mà còn cần “kính sợ”, kính sợ mệnh Trời, kính sợ Thần Phật. Trong lòng người có thêm một phần tôn kính đối với Trời Đất thì sẽ tự bớt đi một phần ngạo mạn, thêm một phần e sợ Trời Đất thì sẽ bớt đi một phần cuồng vọng, thêm một phần cẩn thận thì sẽ bớt đi một phần tự hủy hoại mình. Cũng vì “kính sợ” mà không làm điều lầm lỗi.
Người ta ở mọi lúc đều trang trọng, yên tĩnh thì sẽ càng ngày càng rộng lớn hơn. Người ta gặp việc dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều, đều dùng lòng cung kính để đối đãi, thì nội tâm sẽ luôn an bình, từ đó thân thể cũng khỏe mạnh.
3. Theo đuổi sự nhân từ thì trong người sẽ vui vẻ
Tăng Quốc Phiên là một nhà Nho lỗi lạc, do đó hàm ý của chữ “Nhân” mà ông nói tới trong lời gia huấn thứ 3 chính là chữ “Nhân” trong tư tưởng Nho gia. Chữ “Nhân” thật vô cùng phong phú, phương diện mà nó đề cập đến là bao quát rất nhiều phương diện, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, hành vi và hình thái xã hội của con người thời cổ.
Kỳ thực lòng nhân từ khi phân ra thì có rất nhiều biểu hiện, nhưng khi quy tụ lại thì có thể giải thích bằng sự vô tư, không ích kỷ. Bởi xã hội là một cộng đồng những con người chung sống cùng nhau, giữa họ có rất nhiều mối quan hệ, nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ xảy ra biết bao thảm kịch.
Chữ “Nhân” và chữ “Thiện” có thể coi là cùng một gốc. Người mà có thể thực sự “hành nhân” thì sẽ không có tâm tranh giành, bản thân luôn thấy tự tại, vui vẻ, thỏa mãn, không bị vướng bận điều gì, cũng chính như câu nói “Hành thiện tối nhạc”, làm việc thiện là vui sướng nhất.
4. Cần cù lao động sẽ được Trời đất tôn trọng
Ngày đêm không làm việc gì, an nhàn rảnh rỗi, sống dựa vào người khác, người như vậy không phải là người sung sướng, mà là người bất hạnh. Người như vậy sao có thể sống được lâu dài, sao có thể không gặp tai họa đây?
“Thiên đạo thù cần”, làm việc dụng tâm dụng ý, tận tâm tận sức, không trốn tránh khó nhọc, không mưu mẹo xảo trá, không ham an nhàn, đây là thái độ căn bản cần có của bất kỳ ai khi đối đãi với công việc, đối đãi với cuộc sống.
Trời đất vận hành theo đạo lý, có mất mới có được, nỗ lực bao nhiêu thì sẽ đạt được bấy nhiêu. Nếu có thể không dính mắc mà nỗ lực, không tham lam mà nỗ lực, thì sẽ “không cầu mà tự được”. Ngược lại, nếu đầu cơ trục lợi, thậm chí vì một chút lợi nhỏ mà không từ một thủ đoạn nào thì những hành vi này đều làm tổn hại đức của bản thân, cái được không bù nổi cho cái mất, bản thân và con cháu đều có thể gặp báo ứng.
Những lời gia huấn của Tăng Quốc Phiên có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu xa đến con cháu của ông. Vào lúc Trung Quốc giao thời, có rất nhiều người trong gia tộc này đã chiếm giữ vị trí cao trong xã hội. Nhưng sau những biến động thời cuộc tại Trung Quốc, họ càng hiểu hơn lời gia huấn của ông. Những đời sau đó, gia tộc họ Tăng đều dành cho nghiên cứu học tập, không tham gia binh nghiệp, rất ít người ra làm quan, không tranh giành địa vị và giữ tâm trong sạch.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Tăng Quốc Phiên Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa