Bạn bè thường rạn nứt vì 4 kiểu đùa này
- Trúc Nhi
- •
Mỗi người trong cuộc đời đều sẽ quen biết nhiều bạn bè, và trong số những người bạn đó, có bạn tốt và bạn xấu. Bạn bè tốt hay xấu, có thể ban đầu không nhận ra, nhưng theo thời gian, giá trị của mối quan hệ sẽ dần lộ ra.
Tuy nhiên, bất kể thế nào, với bạn xấu cần giữ khoảng cách, còn với bạn tốt thì phải biết trân trọng, đừng vì một chút sơ suất mà mất đi những người bạn có thể giúp đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn trong tương lai.
Mặc dù sự tương tác giữa con người đôi khi có thể bao gồm những trò đùa nhỏ, nhưng với những người bạn thực sự, có 4 loại trò đùa tuyệt đối không nên đùa giỡn.
Đừng lấy khuyết điểm của người khác làm trò cười
Nói quá nhiều sẽ dẫn đến sai lầm, đặc biệt là những lời nói thiếu suy nghĩ, dễ gây rắc rối và khiến mọi người khó chịu. Một người bạn thực sự sẽ không bao giờ cố tình cười nhạo những khuyết điểm của người khác. Bởi vì khi chúng ta cười nhạo những khuyết điểm và thiếu sót của người khác, thực chất chúng ta đang bộc lộ tấm lòng hẹp hòi của chính mình.
Dù mối quan hệ bạn bè có tốt đến đâu, chúng ta cũng cần nói và hành động một cách chuẩn mực. Trên thực tế, một người dù có bao dung và vô tư đến đâu, cũng có những giới hạn chịu đựng riêng của mình. Là một người biết suy nghĩ, bạn đừng bao giờ dẫm lên nỗi đau của người khác, đặc biệt là giữa bạn bè. “Người nói vô tình, người nghe hữu ý”; có thể chúng ta cho rằng mình không có ý đó, nhưng điều đó có thể khiến người nghe tổn thương.
Việc giễu cợt khuyết điểm của người khác chỉ thể hiện sự thiếu phẩm chất của chính chúng ta mà thôi.
Đừng lấy tiền bạc làm trò cười
Nếu bạn là một người bạn thực sự, hãy tránh những điều mập mờ liên quan đến tiền bạc, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm và tiền bạc có thể dễ dàng chi phối chúng ta.
Trong tác phẩm ‘Khiển thường trái’ của Bồ Tùng Linh có một câu chuyện như sau: Lý Công là người thiện tâm và hay làm việc thiện, có một người đồng hương tên là Vương Trác, thường xuyên làm thuê cho nhà Lý Công.
Do Vương Trác suốt ngày lêu lổng, gia đình ngày càng nghèo khó. Khi anh ta xin Lý Công giúp đỡ và ban thưởng, Lý Công luôn đồng ý với anh.
Một ngày, Vương Trác mượn Lý Công một đấu đậu xanh làm vốn. Lý Công không từ chối, còn đùa rằng tặng cho anh ta. Kết quả là một năm trôi qua, Vương Trác hoàn toàn không có ý định trả lại. Sau đó, khi Lý Công hỏi, mới biết Vương Trác đã tiêu hết số tiền đó. Lý Công thương cảm cho Vương Trác, nên không truy cứu nữa.
Sau khi Vương Trác qua đời, trong giấc mơ anh ta nói với Lý Công rằng sẽ chuyển sinh thành một con lừa và sẽ hoàn lại số tiền của một đấu đậu xanh. Sau đó, con lừa này vì lý do nào đó bị thương, và được một thầy thuốc thú y đến chữa trị. Sau khi chữa xong, thầy thuốc thú y đã mua con lừa đó. Khi Lý Công nhận được tiền, ông phát hiện rằng số tiền đó đúng bằng một đấu đậu xanh.
Chuyện nhân quả trong đời là có thật. Dù là người thân hay bạn bè, luôn có những người không thể tự chủ và kiềm chế bản thân. Vì vậy, khi nói đến tiền bạc, đừng bao giờ để lòng tham nổi lên, nếu không cuối cùng chúng ta sẽ là người chịu thiệt.
Đừng giễu cợt người thân của bạn bè
Những trò đùa giữa bạn bè chỉ nên dừng lại giữa hai người, chứ không nên đem người thân của nhau ra làm trò cười.
Khi chúng ta đùa cợt về người thân của bạn bè, chúng ta không chỉ làm mất đi lòng tự trọng của họ mà còn làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai bên. Dù có thể là một trò đùa vô hại, nhưng người nghe có thể cảm thấy bị xúc phạm hoặc không được tôn trọng.
Mối quan hệ với người thân và bạn bè nên được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương. Hãy luôn nhớ rằng, những lời nói của chúng ta có sức mạnh rất lớn. Thay vì giễu cợt, hãy luôn nói những lời tốt đẹp. Điều này không chỉ giúp duy trì mối quan hệ bền vững mà còn mang lại niềm vui cho người khác.
Ngay cả khi bạn bè phàn nàn với chúng ta, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta có thể quên mất vị trí của bản thân mình. Hơn nữa, việc chế giễu người thân của bạn bè có thể dễ dàng khơi dậy sự oán giận.
Trong cuộc sống, có rất nhiều ví dụ về việc trêu chọc người thân của nhau dẫn đến tan vỡ tình bạn hoặc cắt đứt quan hệ. Vì vậy, việc không chế nhạo người thân không chỉ thể hiện bạn là một người lịch sự mà còn phản ánh nhân cách và sự chín chắn của bạn.
Đừng chế nhạo sở thích của bạn bè
Mỗi người đều có suy nghĩ, tín ngưỡng và sở thích riêng.
Thế giới này vốn dĩ trở nên thú vị là nhờ vào sự đa dạng và khác biệt. Chúng ta có thể không đồng tình với suy nghĩ của bạn bè, không hiểu sở thích của họ, hoặc không chia sẻ niềm tin của họ, nhưng xin đừng giễu cợt những điều đó.
Có một câu chuyện rất nổi tiếng giữa Tô Thức và hòa thượng Phật Ấn chùa Kim Sơn. Câu chuyện mang đến những bài học sâu sắc về cách ứng xử trong giao tiếp và sự khéo léo trong đối đáp.
Khi Tô Thức còn làm quan ở Hàng Châu, ông có mối quan hệ rất tốt với hòa thượng Phật Ấn chùa Kim Sơn. Một ngày nọ, khi đến chùa chơi cờ với hòa thượng, ông nhìn thấy một con lừa ở đằng xa và liền nói: “Con lừa trọc ở đâu?” Điều này có thể được xem như một lời châm chọc hoặc đùa cợt thiếu tôn trọng.
Tuy nhiên, thay vì phản ứng giận dữ hay khó chịu, hòa thượng Phật Ấn đã đáp lại một cách khéo léo, khiến Tô Thức không bị tổn thương: “Ăn cỏ ở sườn đông”, tức Đông Pha Câu trả lời này không chỉ bình thản và nhẹ nhàng mà còn thể hiện sự tĩnh lặng trong nội tâm, giữ được khí chất thanh tịnh của một nhà sư. Đây chính là một nghệ thuật giao tiếp, giúp duy trì mối quan hệ mà không làm tổn hại đến tình cảm giữa hai bên.
Mỗi người đều có quan điểm và lối sống riêng, việc châm chọc hay coi thường người khác chỉ khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Thay vì đùa cợt những khuyết điểm hay khác biệt của người khác, chúng ta nên tôn trọng lối sống và quan niệm của người khác.
Chúng ta có thể không đồng ý với lối sống của người khác, nhưng đừng biến điều này thành trò đùa. Không phải mọi thứ đều là trò đùa, và không phải ai cũng phải chấp nhận những trò đùa của chúng ta.
Nếu muốn trở thành một người bạn thực sự, bạn cần biết cách tôn trọng người khác. Chỉ khi đó, tình bạn mới có thể tồn tại lâu dài.
Từ khóa bạn bè