Bạn có đang lãng quên – Những ốc đảo cô đơn mang tên người cao tuổi
- Hoàng Thu
- •
Ở tuổi xế chiều, ngoài sức khoẻ ổn định thì có được tinh thần minh mẫn và tâm thái an hoà là điều nhiều người cao tuổi mong muốn hướng tới. Bởi vì khá nhiều người cao tuổi đang phải đối mặt với cô đơn thậm chí trầm cảm.
Trong nhịp sống hiện đại, xu hướng cuộc sống nhanh khiến sự kết nối giữa con người dần dần lỏng lẻo, có phần dửng dưng, thậm chí vô cảm. Thế hệ các ông các bà dần dần lạc hậu với công nghệ, con cái họ giờ đây đang bận rộn với cuộc mưu sinh, giới trẻ con cháu cũng bị cuốn vào nhịp sống quay cuồng với học hành, công việc và ngày càng vô thức sống cuộc sống trên không gian ảo quá nhiều. Vậy nên, thế hệ người già dần trở nên cô đơn trong chính gia đình của mình.
Có thể nói giai đoạn tuổi già là giai đoạn khó khăn nhất đối với cuộc đời một con người. Tuổi thơ ấu khi ta còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, có thể lớn lên hồn nhiên qua những bão giông cuộc đời vì đã có sự chở che của ba mẹ. Tuổi trẻ và tuổi tráng niên là giai đoạn dù nhiều va vấp nhưng là giai đoạn thanh xuân sung sức nhất của cuộc đời, dù nhiều áp lực nhưng ít nhất họ còn thời gian, còn sức trẻ. Còn giai đoạn tuổi già là khi con người đi đến đoạn cuối của cuộc đời được ví như “tuổi xế chiều” “hoàng hôn sắp tắt” , đây chính là giai đoạn họ đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất.
Những người cao tuổi cảm thấy lạc lõng và không còn nhiều giá trị, vậy nên thường hồi tưởng nhiều về quá khứ, hay nhắc chuyện cũ và những kinh nghiệm sống thời của bản thân khi mà họ còn đang có nhiều hoạt động tiếp xúc với xã hội. Nhưng đối với giới trẻ thì đó là những điều xưa cũ không còn hợp thời đại. Dần dần tạo thành khoảng cách giữa các thế hệ.
Trong xã hội Việt Nam, thế hệ xưa cũ đa phần trải qua thời điểm chiến tranh, hậu chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn và chắt bóp … Thế hệ trẻ sống trong thời bình, có cuộc sống yên bình, dư dả, không có trải nghiệm về sự hoảng sợ của chiến tranh, sự thiếu thốn quá mức hay cần tiết kiệm vun vén, quan niệm và suy nghĩ không có điểm chung.
Người già trong con mắt giới trẻ là nói nhiều, hay phàn nàn, hay giáo điều. Người trẻ không có sự đồng cảm và không hiểu được những điều mà thời ông bà, bố mẹ của họ đã từng trải qua nên nhiều khi họ cảm thấy khó hiểu, và không dễ cảm thông cho người già. Có thể những điều xưa cũ ấy có ý nghĩa rất nhiều với các bậc ông bà, nhưng dưới con mắt giới trẻ là bất cập, không hợp thời đại. Bởi không chỉ nhịp sống, mà đa dạng các loại hình thái nghề nghiệp, đa dạng phương thức lao động, cũng như đủ loại tư tưởng đã khác xa thời trước.
Với thế hệ người già thì tiết kiệm, ăn cơm nhà, quần áo đủ mặc, hoặc trẻ con nuôi phải mập mạp, “thương cho roi cho vọt” v.v… Còn thế hệ trẻ bây giờ họ quan niệm cuộc sống không cần quá tiết kiệm, phải hưởng thụ cuộc sống để tái tạo sức lao động, hoặc thi thoảng đi ăn nhà hàng đỡ phải nấu nướng giải phóng sức lao động vv… Nhiều quan điểm bất đồng nên cũng dần hình thành hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ.
Cũng vì thế hiện nay các gia đình hạt nhân (bố mẹ và các con) dần càng nhiều, ít dần các gia đình “tam đại đồng đường” “tứ đại đồng đường” như trước. Vậy nên, số lượng người cao tuổi không sống cùng con cái ngày càng tăng cao, theo đó thì sự cô đơn ở người cao tuổi ngày càng leo thang. Tuổi thọ dân số tăng lên nên cũng khiến lượng người cao tuổi tăng cao hơn nhiều so với trước đây.
Thêm vào đó, vì sự sa sút về thị lực, thính lực và sự vận động, họ cảm thấy dần thờ ơ với mọi sự, khi sức khoẻ đi xuống là cảm giác bất an trỗi dậy, sự lo sợ một ngày có thể nằm liệt giường hay là mất tự chủ về các vệ sinh cá nhân cũng khiến người cao tuổi buồn bã, không còn thiết tha với mọi việc.
Các cụ cảm thấy chậm với thời đại mới, khi mà điện thoại thông minh, các phần mềm online để thanh toán hay các trang mạng xã hội phát triển như vũ bão, đường xá cũng mở rộng với nhiều phương tiện công cộng… nên việc đi ra ngoài là trở ngại… Có nhiều gia đình, có thể sự giáo dục còn thiếu sót nên có những người con cháu còn thể hiện ra sự coi thường, kỳ thị và coi người già là gánh nặng. Hoặc chính bản thân người cao tuổi cả nghĩ, nhạy cảm và tự ti, nghĩ mình không còn giúp ích được gì, bị coi thường…
Cảm giác cô đơn thật đáng sợ, buồn bã, cô độc giữa cuộc đời, cảm thấy như một người thừa của xã hội, không có bất cứ giá trị gì, chênh vênh không có mục đích sống. Cảm giác giống như đứa trẻ bơ vơ không nhà, không ai chăm sóc. Cô đơn cách trầm cảm không bao xa, sự cô đơn gặm nhấm phần lớn thời gian của người tuổi già, nhất là đối với các bác từ quê lên thành phố ở với con cháu, không phù hợp được với nhịp sống thành phố, con cái bận rộn cũng ít có thời gian và sự tinh tế để giúp đỡ họ. Trầm cảm còn khiến cho người cao tuổi có hành động như bỏ nhà đi, thậm chí có bác rằng “rời khỏi cuộc sống là giải thoát” không còn đau khổ nữa. Đã nhiều gia đình đăng thông tin rằng bố/mẹ bị trầm cảm và đi khỏi nhà không tìm được, nhờ mạng xã hội tìm giúp. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Ở một người bình thường có cảm giác không cân bằng trong cuộc sống, cảm giác cô đơn buồn bã đã rất khó chịu đựng. Vậy thì ở người cao tuổi nó lại càng thống khổ.
Vậy có những giải pháp nào cho người cao tuổi cô đơn?
Tôi xin đưa ra quan điểm cá nhân và mong muốn nhận được những giải pháp cùng góc nhìn đa chiều thông thái của các đọc giả.
Theo tôi, giải pháp chính yếu là vấn đề về tâm lý, cần rất nhiều sự hỗ trợ về tinh thần để các cụ thấy có động lực sống, có cảm giác mình vẫn là người hữu ích và cần thiết cho cuộc sống, được yêu thương và chăm sóc bởi con cháu. Người thân cần gần gũi hỏi han, chăm sóc cho người cao tuổi. Để họ thường xuyên có sự kết nối với người xung quanh, giao lưu với các cụ cùng lứa tuổi, bạn bè… và có con cháu ở bên cạnh. Người thân có thể giúp các cụ sử dụng công nghệ để kết nối giao lưu với họ hàng ở xa.
Và cũng rất quan trọng, hãy giúp các bác tăng cường hoạt động thể chất và ra ngoài trời để giúp các cụ khỏe mạnh và yêu đời hơn. Sự tinh tế và tình yêu của con cháu sẽ giúp đỡ bố mẹ – ông bà của mình cải thiện rất nhiều tình yêu cuộc sống – sẽ không đắm chìm trong ốc đảo cô đơn nữa.
Từ khóa cô đơn người cao tuổi trầm cảm tuổi xế chiều