Bí quyết sống của người dân ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2017 – Na Uy
- Thanh Vân
- •
Nhắc đến những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, rất nhiều người có thể đoán được là ở đâu…
Theo báo cáo chỉ số hạnh phúc năm 2017 do Liên Hiệp Quốc công bố, quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới là Na Uy, tiếp theo đó là Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Phần Lan. Hầu như đều là những quốc gia Bắc Âu.
Thật ra, không chỉ năm 2017, từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu thống kê chỉ số hạnh phúc của người dân trên thế giới, Na Uy luôn nằm trong top đầu.
Vì sao Na Uy lại luôn đứng hàng top trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới? Bí quyết hạnh phúc của người dân Na Uy là gì?
Đa phần mọi người đều có thể chỉ ra được vài điều như kinh tế phát triển, phúc lợi tốt… Tuy nhiên, như vậy đã đủ?
Trong video “Norway’s tips for achieving happiness” của kênh DW English, một người Na Uy cho hay: “Điều hạnh phúc nhất chắc chắn không phải vì thời tiết rồi, tôi nghĩ đó là vì môi trường thiên nhiên và con người ở đây!”
Một người phụ nữ khác cho biết: “Bởi vì tự do, ở đây mọi người không bị kiểm soát.”
Quan điểm của một người thanh niên Na Uy có hơi đặc biệt: “Bởi vì người Na Uy chúng tôi yêu thích sự thay đổi và cảm thấy rất mãn nguyện với những sự biến đổi không ngừng.”
Tuy nhiên, nhà tâm lý học người Na Uy Joar Vitterso – một chuyên gia nghiên cứu “cảm giác hạnh phúc” lâu năm lại có suy nghĩ khác.
Từ những năm 1980, trong hơn 30 năm qua, ông luôn tập trung nghiên cứu vào một đề tài: “Điều gì khiến người ta cảm thấy mãn nguyện và bất mãn trong cuộc sống?”
Ông tỏ ra đồng tình một phần về việc một số người nghĩ rằng nguồn gốc của sự hạnh phúc ở Na Uy là sự bình đẳng và tự do.
“Quả thật mức độ bình đẳng ở Na Uy cao hơn rất nhiều nơi, sự bình đẳng sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, ví dụ như, mọi người có nền tảng bình đẳng, đôi bên sẽ càng tin tưởng nhau hơn.”
“Còn sự tin tưởng là yếu tố quan trọng khiến con người ta vui vẻ và cảm thấy hài lòng trong cuộc sống.”
Nhưng ông nghĩ rằng nếu chỉ là những điều kiện bên ngoài như bình đẳng, phúc lợi tốt, phong cảnh thì không hề đủ để khiến na Uy trở thành quốc gia xếp hàng đầu về chỉ số hạnh phúc trên thế giới.
Nguyên nhân căn bản nhất nằm ở việc người Na Uy đều tích cực chủ động theo đuổi sự hạnh phúc, từ chính phủ cho đến người dân. Điều này nghe có vẻ đơn giản, thực hiện mới khó, để làm rõ lý lẽ này, ông đã lấy quê hương Tromso của mình làm ví dụ.
Tromson là thành phố ở phía Bắc Na Uy, hệ thống giáo dục vô cùng hoàn thiện, chính phủ cung cấp sự đảm bảo về y tế, tỉ lệ thất nghiệp và nghèo khó đều cực kỳ thấp. Thế nhưng, theo giáo sư Vitterso, tuy Tromso có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phúc lợi đãi ngộ cũng tốt, nhưng cũng có khuyết điểm rất lớn chính là nằm ở vĩ độ quá cao.
Ông cho rằng, bởi vì mặt trời chiếu sáng ít, ngày ngắn đêm dài, những người sống ở nơi có vĩ độ cao dễ mắc chứng trầm cảm ơn những người ở vĩ độ thấp. Ở nơi vĩ độ cao, người ta cần phải giữ gìn cảm giác hạnh phúc, việc tích cực tìm kiếm thái độ vui vẻ là rất quan trọng.
“Rất nhiều nơi khác trên thế giới có thời gian mặt trời chiếu sáng dài hơn Na Uy, nhưng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm của họ lại rất cao, nguyên nhân tiên quyết là khi bạn chủ động hành động, thời gian mặt trời chiếu sáng dù ngắn cũng sẽ không làm giảm chỉ số hạnh phúc của bạn”.
“Xem ra là ở phía Bắc Na Uy, từ lâu người dân đã tìm được cách để thích ứng với đêm dài, họ đã phát triển rất nhiều hoạt động để đối phó với những đêm đông dài đằng đẵng.”
Đầu tiên là trượt tuyết, đây là phát minh của người Na Uy và cũng là môn thể thao toàn dân của quốc gia này.
Mỗi năm Tromson có 6 tháng tuyết rơi, ở đây, ánh sáng Bắc Cực và chó kéo xe trượt tuyết là những điều bình thường trong cuộc sống. Vào mùa đông, già trẻ lớn bé ở đâu đều sẽ ra ngoài tranh thủ trượt tuyết.
Luật pháp Na Uy cho phép bất cứ ai cũng được cắm trại, thậm chí cho mọi người được đốt lửa ở nơi rộng rãi, người Na Uy gọi hoạt động này là “allemannsretten”, đây là truyền thống lâu đời đã có hàng ngàn năm lịch sử.
Giáo sư Vitterso bày tỏ rằng: “Xưa kia ở Na Uy, người ta có thể đi qua, thậm chí săn bắt trên đất của người khác, chỉ cần báo trước cho chủ đất một tiếng và cũng chỉ cần phải thông báo, bởi vì từ xưa, luật pháp của Na Uy quy định, chủ đất không được từ chối lời đề nghị cho người ngoài đi qua cũng như sử dụng đất (để săn bắn, cắm trại…)”.
Cũng có nghĩa là, từ xưa đến nay, người Na Uy đều tôn sùng quyền tự do hoạt động bên ngoài và không chịu sự hạn chế.
Còn ngày nay, để người Na Uy có thể hoạt động ngoài trời nhiều hơn, chính phủ đã áp dụng rất nhiều cách, thậm chí có một vài chính sách “bắt đầu từ trẻ em”.
Ví dụ như: Bắt đầu từ 2 tuổi, trẻ em ở Tromson được yêu cầu gửi đến trung tâm trông trẻ ban ngày, trung tâm này cũng sẽ không để trẻ ở trong nhà, mà đưa các bé ra bên ngoài chơi đùa dù nắng hay gió.
Ông Kjell Kampevoll là người sáng lập ra trung tâm trông trẻ ngoài trời.
Mỗi ngày trung tâm đều có rất nhiều trẻ nhỏ, mà trung tâm như thế này cũng chỉ là một trong vô số những trung tâm trông trẻ ban ngày ở Na Uy.
Cá nhân ông Kampevoll nghĩ rằng: “Tiếp xúc nhiều với thiên nhiên chắc chắn có thể khiến người Na Uy hạnh phúc.”
“Các con của tôi mỗi ngày đều rất vui vẻ, các bé chơi cùng nhau bên ngoài và chưa từng đánh nhau.”
Vậy thì những gia đình người Na Uy bình thường tích cực theo đuổi hạnh phúc vui vẻ bằng cách nào?
Cô Brigit Hem cùng anh Conrad Helgeland và 4 người con sống ở một nơi không xa Tromson. Hai vợ chồng cô đều phải đi làm, ngày thường cùng chia sẻ việc nhà.
Ngoài những việc thiết yếu, hai vợ chồng đã bỏ rất nhiều công sức, tận lực biến nhà thành nơi thoải mái hơn, theo tiếng Na Uy thì là “koselig”.
Chữ này có nghĩa là bởi vì bên ngoài nhà rất lạnh, vì vậy nên cần phải làm cho nhà trở nên thoải mái hơn, “koselig” gần như là điều mà tất cả các gia đình ở Na Uy không tiếc sức lực để theo đuổi.
Cô Hem cho biết: “Tôi cảm thấy người Na Uy đều thích có một ngôi nhà thoải mái, ban đêm thắp nến, thêm những món ăn ngon tuyệt, cùng gia đình hưởng thụ khoảng thời gian hạnh phúc.”
Về hạnh phúc, người Na Uy có một bộ từ ngữ đặc biệt của riêng mình, những từ này nghe rất đơn giản và chân thực.
Ví dụ như “Utepils”: Nghĩa là ngồi thưởng thức một li bia dưới ánh nắng.
Đặc biệt là vào mùa hè, có gần 20 giờ mặt trời chiếu sáng, người Na Uy có nhiều cơ hội để trải qua quãng thời gian hạnh phúc “Utepils”.
Cuối cùng, giáo sư Vitterso nói đến việc xây dựng hạnh phúc tổng thể và cá thể, ông cho rằng, quả thật chính phủ đã làm rất nhiều việc để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, nhưng mỗi người Na Uy cũng đều tích cực chủ động làm những điều này (cố gắng làm cho bản thân hạnh phúc), chứ không chỉ ngồi yên đợi mọi thứ tự nhiên trở nên tốt hơn.
“Tôi nghĩ rằng mọi người cần dành nhiều tinh lực tập trung vào những điều liên quan mật thiết đến cuộc sống của chính mình, điều này trên thực tế rất có ích đối với mọi người.
Bởi vì mọi người có thể nhận ra việc gì mới là quan trọng nhất đối với mình, cuộc sống của chính họ nên điều chỉnh ra sao… chứ không mù quáng làm theo những ‘kinh nghiệm thành công’ được nghe nói…”
Tích cực chủ động mưu cầu hạnh phúc chính là bí quyết quan trọng cho sự hạnh phúc của người Na Uy mà giáo sư Vitterso muốn chỉ ra.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Âu Na Uy Bí quyết hạnh phúc Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới