Người đàn ông về quê vì muốn tiết kiệm chi phí làm đám tang. Ông không biết rằng hòn đảo biệt lập nơi mình sinh ra lại là một Vùng Xanh (Blue Zone), nơi mọi người dễ dàng sống đến 100 tuổi. 

ung thư
Bình minh trên quê hương của ông Moraitis – hòn đảo Ikaria của Hy Lạp nằm giữa Athens và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Tom Jastram/ Shutterstock)

Stamatis Moraitis là người Hy Lạp nhưng phần lớn cuộc đời ông sống ở ngoại ô New York và Florida. Mọi thứ vẫn tốt đẹp cho đến một ngày ông cảm thấy khó thở, mệt mỏi, không thể làm việc năng suất như trước đây. Ở tuổi 66, các bác sĩ nói rằng ông bị mắc ung thư phổi giai đoạn cuối và chỉ sống được từ 6 đến 9 tháng nữa.

Vì không muốn gia đình phải chịu gánh nặng hàng nghìn đô la để tổ chức đám tang ở Mỹ nên ông đã đưa vợ con về quê. 

“Hãy để tôi được chôn cất bên cạnh gia đình, bên bờ biển. Tổ chức đám tang ở đó chỉ tốn vài trăm đô la”, ông nghĩ.

Moraitis chỉ tính toán đơn giản như vậy mà không hề biết rằng quê hương của mình – hòn đảo Ikaria của Hy Lạp nằm giữa Athens và Thổ Nhĩ Kỳ – lại là một Blue Zone. Các cư dân sống tại đây thường có tuổi thọ trên 100 tuổi. 

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do @cali4cation chia sẻ

Tại nơi ở mới, Moraitis tận hưởng những ngày cuối đời bằng những hoạt động đơn giản như hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng làn nước trong xanh, uống rượu, tán gẫu với hàng xóm và làm vườn. Moraitis không nghĩ bản thân có thể sống đến ngày vườn nho được thu hoạch và đem đi ủ rượu. Ông chỉ mong rằng khi nhìn thấy những cây nho tươi tốt này vợ ông sẽ nhớ đến ông.

Thế nhưng ba thập kỷ sau, ông vẫn ở nơi đây, vẫn chăm chỉ trồng trọt đủ loại trái cây và rau quả trong mảnh vườn của gia đình. 

Khi chuyên gia nghiên cứu về Vùng Xanh Dan Buettner đến thăm Ikaria, ông đã hỏi Moraitis bí quyết để có một cuộc sống trường thọ. Người đàn ông này chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Tôi không biết nữa. Tôi đoán là tôi đã quên mất việc mình phải chết”. 

Không ai có thể biết chắc chắn tại sao một người mắc ung thư giai đoạn cuối như Moraitis lại có thể sống lâu như vậy. Có thể cơ thể ông được thừa hưởng một số đặc điểm di truyền độc đáo (của những người SuperAger) nên mới chống lại được bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, Buettner đã đặt giả thiết rằng không phải do thể trạng mà chính môi trường xung quanh (như con người, cây cỏ, không khí, lối sống) mới là nguyên nhân tạo ra kỳ tích. Một nghiên cứu về các cặp song sinh người Đan Mạch cho thấy di truyền chỉ quyết định khoảng 20 đến 25% tuổi thọ của chúng ta.

Buettner nói: “Ông ấy không cố ý làm bất cứ điều gì để cải thiện sức khỏe. Tất cả những gì ông ấy làm là thay đổi môi trường sống”.

Buettner đã thực hiện dự án tái hiện lại lối sống của người Ikarian ở Mỹ và đạt được một số thành công đáng kể. Bắt đầu từ thị trấn nhỏ Albert Lea, Minnesota vào năm 2009, dự án Vùng Xanh của ông đã kết nối với nhiều thành phố khác để tạo điều kiện cho người dân Mỹ được thực hành lối sống của khu vực trường thọ. 

Dự án sẽ lên kế hoạch để mọi người có nhiều cơ hội để tập thể dục và đi bộ hơn. Vỉa hè được sửa sang lại, đường dành cho xe đạp được làm mới. Các bữa ăn được thiết kế lành mạnh, nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, có thể dễ dàng mua được tại các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng. Dự án cũng sẽ tạo điều kiện cho mọi người kết nối thông qua các hoạt động tình nguyện hoặc đội nhóm như nhóm đi bộ, làm vườn, vẽ tranh tường.

“Nếu bạn sống ở Mỹ và có một cơ thể thừa cân không khỏe mạnh thì có thể lỗi không nằm ở bạn. Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều là nạn nhân của môi trường”, Buettner nói.

Về Moraitis, ông tiếp tục cuộc sống hái ô liu và thu hoạch nho vui vẻ cho đến cuối đời. Lối sống tại Vùng Xanh buộc ông phải vận động rất nhiều. Ví dụ như nếu ông cần dầu ô liu để nấu ăn hoặc làm sốt salad thì ông buộc phải ra ngoài hái ô liu rồi ép. Cứ vậy, ngày qua ngày, tuổi thọ của ông là 98 hay 102? Bản thân ông cũng không thể nhớ chính xác.

shutterstock 520631995
Ông tiếp tục cuộc sống hái ô liu và thu hoạch nho vui vẻ cho đến cuối đời. Cuộc sống ở nơi đây khiến ông không thể không vận động. (Ảnh minh họa: Georgios Tsichlis/ Shutterstock)

Vào năm 2013, vài tuần trước khi qua đời, ông chia sẻ với BBC: “Tôi vẫn đang uống rượu và làm việc. Tôi không phải là bác sĩ nhưng tôi nghĩ rượu có thể mang đến tác động tích cực cho cơ thể tôi. Tôi không làm gì khác ngoài việc ăn thực phẩm nguyên chất, uống rượu nguyên chất, sử dụng thảo dược nguyên chất”.