Cách giúp trẻ tránh nghiện game
- Trúc Nhi
- •
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều trẻ em rất yêu thích chơi game trên điện thoại, đặc biệt là vào kỳ nghỉ hè. Trước thực tế này, cha mẹ nên làm gì để giúp con tránh xa sức hút từ game và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống?
Nguyên nhân dẫn đến nghiện game ở trẻ em
Nghiện trò chơi điện tử là một vấn đề sức khỏe cần được can thiệp kịp thời. Đây là tình trạng mà trẻ không thể kiểm soát được sự thèm muốn chơi game, dẫn đến việc chơi liên tục và coi game là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Những trẻ bị nghiện game thường trở nên lệ thuộc vào trò chơi, tách biệt với gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội xung quanh.
Nguyên nhân trực tiếp:
– Não bộ tiết ra các chất kích thích tạo cảm giác thỏa mãn khi chiến thắng trong trò chơi.
– Mong muốn khẳng định bản thân và cảm giác chinh phục khi đạt được thành tích trong game.
– Sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân khi trẻ có thể hành động và thể hiện sở thích của mình trong không gian ảo.
– Các vấn đề tâm lý trong độ tuổi dậy thì như cảm giác cô đơn hoặc bất mãn với cuộc sống thực tế.
Nguyên nhân gián tiếp:
– Thiếu sự quan tâm và tình cảm từ cha mẹ và những người thân trong gia đình.
– Môi trường sống không lành mạnh, thiếu không gian vui chơi, giải trí lành mạnh, và không có ai đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động giải trí ngoài trời.
Nghiện game gây hại nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ
Vấn đề tâm lý: Nghiện game là một dạng rối loạn hành vi tâm thần mãn tính, với biểu hiện cốt lõi là mất khả năng kiểm soát việc chơi game. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe tinh thần như đánh mất cảm nhận về bản thân trong đời sống thực, suy giảm khả năng tự chủ và hình thành các cảm xúc tiêu cực như lo âu, trầm cảm, thậm chí là thái độ thù địch.
Vấn đề thể chất: Trẻ nghiện game có nguy cơ cao gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm suy giảm thị lực, tổn thương đáy mắt, thiếu ngủ, rối loạn nhịp sinh học, suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày, béo phì và các bệnh lý liên quan khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc ngồi chơi quá lâu có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch chi dưới, thuyên tắc phổi và nguy cơ tử vong đột ngột.
Suy giảm chức năng xã hội: Việc dành quá nhiều thời gian cho game trực tuyến không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà còn làm suy yếu khả năng tương tác xã hội của trẻ. Trẻ nghiện game thường ít tham gia vào các hoạt động xã hội dẫn đến tình trạng cô lập kéo dài. Điều này làm giảm độ nhạy cảm của trẻ với các tín hiệu phi ngôn ngữ như biểu cảm khuôn mặt hay ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp, từ đó cản trở khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ thực tế, thậm chí làm gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ xung quanh.
Làm thế nào để biết con bạn có đang nghiện game?
Nếu con bạn có những biểu hiện dưới đây, rất có thể trẻ đã rơi vào tình trạng nghiện game. Khi đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời:
- Mất kiểm soát thời gian chơi: Trẻ không thể tự kiểm soát tần suất, thời lượng hoặc thời điểm chơi game – thường xuyên chơi quá lâu hoặc chơi vào những thời điểm không phù hợp.
- Thờ ơ với các hoạt động khác: Trẻ dần mất hứng thú với những hoạt động sinh hoạt thường ngày như học tập, thể thao, hay giao lưu với bạn bè, và chỉ muốn dành thời gian cho trò chơi điện tử.
- Bỏ qua hậu quả tiêu cực: Dù bị ảnh hưởng đến học tập, quan hệ gia đình hay sức khỏe trẻ vẫn tiếp tục chơi game, thậm chí còn chơi nhiều hơn.
- Tăng mức độ đầu tư vào game: Trẻ dành ngày càng nhiều thời gian và tiền bạc cho các game trực tuyến.
- Phản ứng tiêu cực khi ngừng chơi: Khi bị ngăn không cho chơi game, trẻ dễ nổi cáu, mất bình tĩnh hoặc cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Ngay cả khi không chơi, trẻ vẫn liên tục nghĩ về trò chơi.
Làm thế nào để giúp trẻ tránh nghiện game
- Hiểu rằng vui chơi là một phần tự nhiên trong sự phát triển của trẻ
Trẻ em vốn yêu thích khám phá và trải nghiệm, và nếu game được sử dụng hợp lý có thể giúp trẻ phát triển tư duy, khả năng nhận thức, có thể mang lại niềm vui, giúp trẻ rèn luyện tư duy phản xạ, khả năng nhận thức và còn là cầu nối để trẻ giao tiếp với bạn bè. Vì vậy, thay vì cấm đoán hoàn toàn, cha mẹ nên nhìn nhận mặt tích cực của game để từ đó định hướng phù hợp.
- Nhận thức nhu cầu tâm lý của trẻ khi chơi game
Trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần. Các em thường tìm kiếm sự công nhận, cảm giác thành tựu và nhu cầu giải tỏa áp lực từ học hành, gia đình hoặc các mối quan hệ xã hội có thể khiến trẻ tìm đến game như một lối thoát. Khi đó, game có thể trở thành nơi giúp trẻ tạm tránh khỏi những áp lực trong cuộc sống thực.
- Giải thích tác hại của việc nghiện game
Bố mẹ nên có những cuộc trò chuyện cởi mở và tôn trọng với con về những ảnh hưởng tiêu cực của việc chơi game quá mức. Quan trọng là giúp trẻ nhận thức được sự khác biệt giữa việc chơi game một cách điều độ để giải trí và việc trở nên lệ thuộc vào game. Hãy làm rõ ranh giới giữa giải trí lành mạnh và nghiện game, từ đó giúp trẻ hiểu được những hậu quả lâu dài như suy giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe tâm thần.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh
Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, hoặc các chuyến đi dã ngoại sẽ mang đến cho trẻ nhiều trải nghiệm mới mẻ, giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Những hoạt động này không chỉ tạo cơ hội để trẻ học hỏi và khám phá mà còn giúp giảm bớt thời gian trẻ dành cho game, từ đó hạn chế nguy cơ lệ thuộc vào game.
- Làm gương cho con bằng hành động cụ thể
Cha mẹ chính là tấm gương gần gũi và rõ ràng nhất với trẻ. Nếu muốn con kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử và trò chơi, bản thân cha mẹ cũng cần thể hiện lối sống cân bằng, hạn chế sử dụng điện thoại khi không cần thiết và ưu tiên dành thời gian cho những hoạt động thực tế và gắn kết như đọc sách, chơi thể thao, nấu ăn cùng con.
- Tránh can thiệp đột ngột vào thời điểm nhạy cảm
Nhiều game, đặc biệt là các game có tính cạnh tranh cao yêu cầu người chơi hoàn thành nhiệm vụ đúng thời điểm, khiến trẻ dễ bị cuốn vào và khó dừng lại giữa chừng. Nếu cha mẹ ngắt quãng hoặc thu điện thoại vào thời điểm con đang chơi dở, điều này có thể khiến trẻ phản ứng mạnh dẫn đến căng thẳng, thậm chí xung đột. Thay vì áp đặt, cha mẹ có thể thương lượng với con. Ví dụ, hãy cho phép con hoàn thành ván chơi rồi mới tắt máy, từ đó xây dựng nguyên tắc chơi game một cách tôn trọng lẫn nhau.
Cách giúp trẻ em tránh sự lệ thuộc vào điện thoại di động
- Thiết lập thời gian và địa điểm sử dụng hợp lý
Trong kỳ nghỉ hè, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa phù hợp với sở thích và năng lực của trẻ để tránh sự đơn điệu và thụ động khi ở nhà. Nếu trẻ sử dụng điện thoại, hãy cùng con lên kế hoạch rõ ràng về thời gian chơi game hoặc lướt mạng, tránh để trẻ dùng điện thoại quá lâu. Ví dụ, chỉ chơi 30 phút mỗi ngày sau khi đã hoàn thành việc học hoặc công việc nhà.
- Tránh sử dụng điện thoại khi ăn
Việc sử dụng điện thoại trong bữa ăn không chỉ làm gián đoạn sự kết nối với người xung quanh, mà còn khiến bạn dễ quên mất việc thưởng thức bữa ăn của chính mình. Vì vậy, hãy cố gắng đặt điện thoại sang một bên trong khi dùng bữa và tận dụng thời gian này để trò chuyện trực tiếp với gia đình, bạn bè, từ đó giúp bạn giảm bớt thói quen “nghiện” điện thoại.
- Không sử dụng điện thoại trong môi trường tối
Chơi game hoặc sử dụng điện thoại trong điều kiện ánh sáng yếu khiến mắt phải điều tiết liên tục do độ tương phản cao giữa màn hình và không gian tối xung quanh. Tình trạng này dễ gây mỏi mắt, khô rát, thậm chí làm tăng nguy cơ cận thị. Ngoài ra, ánh sáng xanh từ màn hình có thể ức chế việc sản xuất melatonin – một loại hormone giúp điều chỉnh giấc ngủ – dẫn đến khó ngủ hoặc ngủ không sâu.
- Tạo không gian gia đình không có điện thoại
Trong những thời gian nhất định như vào cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ, gia đình có thể cùng nhau thực hiện các hoạt động như nấu ăn, chơi board game, hoặc xem phim. Trong thời gian đó, các thành viên có thể thống nhất không sử dụng điện thoại để giúp trẻ tập trung vào các hoạt động truyền thống và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ.
- Tắt và cất điện thoại trước khi ngủ
Tắt điện thoại trước giờ đi ngủ sẽ giúp tạo ra môi trường yên tĩnh, tránh bị làm phiền bởi âm thanh thông báo hay ánh sáng màn hình. Đồng thời, điều này cũng giúp hạn chế thói quen kiểm tra điện thoại một cách vô thức. Nên đặt điện thoại ở khu vực sinh hoạt chung hoặc bên ngoài phòng ngủ để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Trúc Nhi t/h
Theo soundofhope
Từ khóa nghiện game
