Cặp đôi băng Đại Tây Dương vào bờ mới biết thế giới thế nào trong đại dịch
- Đỗ Hoàng
- •
Vào năm 2017, cặp đôi Elena Manighetti và Ryan Ostern đã quyết định thực hiện một cuộc phiêu lưu liều lĩnh để theo đuổi mục tiêu mà nhiều người chúng ta vẫn thường mộng mơ – họ đã bỏ việc, mua một chiếc thuyền buồm và cứ thế đi vòng quanh khắp thế giới. Họ vẫn giữ liên lạc với gia đình nhưng có một nguyên tắc: đừng thông báo cho họ những tin tức xấu.
Khi cặp đôi lên đường vượt Đại Tây Dương trên chiếc thuyền buồm dài 11 mét của mình, cuộc khủng hoảng mang tên virus corona mới chỉ là một trong nhiều câu chuyện giật gân trên mặt báo. Dịch bệnh phần lớn chỉ giới hạn tại Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa tuyên bố sự lây lan của nó trên toàn cầu.
Elena Manighetti và Ryan Ostern rời Lanzarote (Tây Ban Nha) trên hành trình dài 3.000 hải lý vào ngày 28 tháng 2, lúc đó tin tức gần nhất họ nghe được về COVID-19 là số ca tử vong đang giảm dần. Vào ngày 25 tháng 3, khi họ cập bến tại đảo Bequia thuộc vùng biển Caribe, sau 25 ngày lênh đênh trên đại dương và không truy cập internet, họ đã bật điện thoại của mình lên.
Elena chia sẻ: “Vào tháng hai, chúng tôi đã nghe phong phanh có một loại virus ở Trung Quốc, nhưng vì bị hạn chế thông tin, chúng tôi cứ tưởng rằng sau 25 ngày đến Caribe, chuyện này sẽ kết thúc.” Ryan cho biết thêm: “Lúc đến nơi, sau khi mua được dung lượng 4G, chúng tôi đã “rớt quai hàm” vì biết rằng hóa ra nó chưa hề kết thúc và tệ hơn nữa là cả thế giới đã bị nhiễm bệnh. Thật khó tưởng tượng được quy mô của những gì đang diễn ra.”
Khoảng 3 ngày sau đó, Ryan đã tìm thấy một bài báo cũ của tờ Thời báo New York với thông tin cách đó 10 ngày. Bài báo cho biết quê hương Elena, thành phố Bergamo nước Ý, là nơi bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Elena chia sẻ: “Lúc đó đầu óc tôi trống rỗng. Tôi gọi cho bố và ông nói: “Ồ, con đã biết rồi. Đừng hoảng loạn. Mọi thứ vẫn ổn.” Chúng tôi chỉ thực sự thẩm thấu được tin tức khi trên mặt báo xuất hiện hình ảnh những chiếc xe tải quân sự đậu trước nghĩa trang quê tôi vì đã hết không gian lẫn quan tài để chôn cất người chết. Phòng trong lò hỏa táng cũng không còn chỗ. Gia đình tôi vẫn đang an toàn và đã bị cách ly trong khoảng hơn 6 tuần. Nhưng những người chúng tôi quen biết trong nhiều năm qua đều đã chết. Đó là giây phút gây sốc nhất.”
Cặp đôi này đều đang ở độ tuổi 30, họ đã trải qua những ngày tháng lênh đênh trên thuyền buồm từ năm 2017, họ ghi lại cuộc sống thường nhật trên biển và đăng lên kênh Youtube của mình. Cặp đôi cho biết, vì không đủ khả năng chi trả cho một căn nhà ở thành phố Manchester, họ đã quyết định mua một chiếc thuyền nhỏ và khám phá thế giới chỉ với một ngân sách khiêm tốn. Họ kiếm sống bằng nghề thiết kế đồ họa và sáng tạo nội dung quảng cáo tự do trên máy tính xách tay.
Hành trình dài xuyên Đại Tây Dương là một thử thách lớn mà cặp đôi đã phải chuẩn bị rất công phu từ trước. Trong quá trình băng đại dương, phương tiện liên lạc duy nhất họ có là một thiết bị vệ tinh có khả năng nhận được tin nhắn giới hạn trong 160 ký tự. Họ đã yêu cầu gia đình và bạn bè đừng thông báo cho họ những tin tức xấu.
Có một quy tắc khá phổ biến trong giới thủy thủ, đó là họ không muốn nghe nhưng thông tin xấu khi đang vượt đại dương vì trong tình cảnh ấy họ hoàn toàn không thể làm được gì. Elena chia sẻ: “Tất cả những gì bạn có thể làm là khóc lóc, la hét và lo lắng nhưng bạn không thể quay đầu lại vì những cơn gió rất mạnh của đại dương đang đuổi ngay sau đuôi thuyền.”
Họ đã nhận thấy có gì đó bất ổn một cách nghiêm trọng khi đến Caribe. Ryan kể lại: “Chúng tôi đã ở trên biển 2 ngày cho đến khi có ai đó gửi cho chúng tôi danh sách tất cả các hòn đảo đã bị đóng cửa và chúng tôi bắt đầu lo lắng rằng, có lẽ đã đến lúc chúng tôi không còn nơi nào để đi.”
Elena nhớ lại: “Chúng tôi nghĩ rằng họ chỉ đang đặc biệt cẩn thận với virus corona vì hầu hết các hòn đảo không có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Lúc đó chúng tôi vẫn cho rằng tất cả chỉ là biện pháp phòng ngừa chứ không phải biện pháp ngăn chặn.”
10 giờ trước khi chuẩn bị cập bến, họ đã liên lạc được 1 người bạn tại quốc đảo Saint Vincent và Grenadines miền nam Caribe, nơi không có trường hợp nào xác nhận nhiễm virus corona. Elena kể lại: “Cô ấy nói rằng chúng tôi sẽ bị từ chối nhập cảnh vì tôi là công dân Ý, mặc dù tôi đã không ở Ý trong nhiều tháng.” May thay, cặp đôi đã chứng minh được hành trình du lịch của mình thông qua định vị GPS. Tín hiệu cho thấy họ không chỉ không đến Ý trong nhiều tháng, mà họ còn bị cô lập trong 25 ngày trên biển. Cuối cùng họ đã có thể được phép đứng trên đất liền.
Elena xúc động: “Một trải nghiệm rất siêu thực khi bạn hạ cánh ở một nơi mà mọi thứ cảm giác gần như bình thường, trong khi tin tức cho bạn biết thế giới ngoài kia đã ngừng hoạt động. Chúng tôi đã bị giằng xé giữa hai thực tế. Trong khi chúng tôi đang an toàn tại vùng đất tuyệt vời này, tất nhiên chúng tôi cảm thấy mình siêu may mắn và siêu biết ơn về điều đó, nhưng ngoài kia mọi người đang chết và đang vật lộn trong bệnh viện.”
Tất cả những gì cặp đôi có thể làm lúc này – giống như rất nhiều người ở quê hương họ – chính là chờ đợi đại dịch qua đi. Ryan chia sẻ: “Giờ chúng tôi chỉ biết ngồi yên tại chỗ. Mọi thứ có vẻ không chắc chắn, chúng tôi hiện đang bị kẹp giữa mùa dịch và mùa bão. Hy vọng rằng vào cuối mùa bão và trước mùa đông, biên giới sẽ mở cửa trở lại và chúng tôi có thể tiếp tục hành trình của mình.”
Đỗ Hoàng (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Du lịch khám phá đại dịch vượt biên virus corona COVID-19 Đại Tây Dương Phiêu lưu