Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về cách áp dụng kỷ luật với con cái họ, lo sợ bất cứ điều gì mình làm cũng có thể biến những ‘thiên thần mong manh’ của họ thành những ‘kẻ bất trị tuổi teen’. Mục tiêu của bài viết này là giúp các bậc phụ huynh và các con xây dựng mối quan hệ hòa hợp, giúp cha mẹ trở thành những người đúng mực và trẻ em biết cư xử đúng cách.

 

cha mẹ và con cái
(Ảnh: New Africa/Shutterstock)

Nếu bạn đang có con, đang mong có con, hoặc đang nghĩ đến việc có con, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân và vợ/chồng của bạn: “Kỷ luật là gì? Nó có ý nghĩa gì đối với vợ/chồng của mình, đối với bản thân mình và đối với tất cả chúng ta?

Trong tiếng Anh, “disciples” là từ dùng để chỉ một người đi theo một ai đó [hay như trong tiếng Việt dịch là ‘đồ đệ’]. Đây là một từ mà chúng ta ít thấy hiện nay. Từ “discipline” [tiếng Việt hay dịch là “kỷ luật”], theo tôi được định nghĩa đúng nhất là: “tuân theo”. Với định nghĩa này, rõ ràng cách tốt nhất và có lẽ là cách duy nhất để chúng ta có thể áp dụng kỷ luật với người khác là phải trở thành người mà chúng ta muốn họ trở thành.

Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua nhu cầu sửa sai hoặc bất kỳ cách tiếp cận nào có hiệu quả để “sửa sai, uốn nắn hoặc hoàn thiện các yếu tố tinh thần hoặc tư cách đạo đức”, như định nghĩa từ “discipline” trong từ điển của Webster. Điểm mấu chốt là: Hãy trở thành người mà bạn muốn con mình trở thành.

Nói tóm lại, tôi đưa ra một số ý tưởng về kỷ luật như sau:

1. Hãy đảm bảo rằng bạn, vợ/chồng và con cái của bạn biết từ “KHÔNG” có ý nghĩa gì

Cách đây vài năm, hàng xóm của chúng tôi rao bán nhà; tôi đang ở trong vườn thì một cặp vợ chồng đến xem nhà. Người đại diện và đôi vợ chồng trẻ vào trong xem nhà trong khi người bà và cậu con trai 4 tuổi của họ ở bên ngoài. Cậu bé tức giận và lớn tiếng nói với bà rằng cậu muốn nhảy lên giàn nhún ở sân sau.

Bà ấy nói “không” nhưng không thể hiện sự dứt khoát khi cậu bé đi đến chỗ giàn nhún. Bà đi theo và nói với cậu bé “không” và cầu xin cậu: “Đừng nhảy trên cái giàn nhún này nhé!“. Vậy mà phải 10 đến 15 phút tiếp theo, cậu ấy cứ nhảy trên đó theo nhịp điệu của trái tim trong khi người bà cầu xin cậu xuống với lời đe dọa đếm đến ba, rồi đếm đến mười. Bà ấy đếm đi đếm lại, nhưng việc nhảy nhót cứ tiếp tục cho đến khi người mẹ đi ra và bực bội với người bà vì đã để cậu bé mong manh của cô ấy “tự gây nguy hiểm cho bản thân” trên giàn nhún. Người bà tội nghiệp bất lực giải thích với người mẹ: ngoại trừ dùng lời nói ra thì bà không thể làm gì để ngăn cản cậu bé.

Như Thánh Matthew đã dạy chúng ta, hãy để câu nói Có của bạn có nghĩa là Có và Không có nghĩa là Không.

Người bà phải làm gì trong trường hợp này? Cúi xuống ngang tầm với cậu bé, nhìn thẳng vào mắt cậu bé và nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Không, cháu không được nhảy trên giàn nhún đó. Chúng ta hãy đi dạo loanh quanh một chút và xem khu vực xung quanh thế nào.”

Sau đó, bà ấy cần nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu đi chơi. Bà lẽ ra phải nói với bố mẹ trước khi họ vào nhà rằng bà sẽ đưa cậu bé đi dạo và sau đó thực hiện lời nói của mình.

dạy con, làm cha mẹ, giáo dục con nhỏ
(Ảnh: Shutterstock)

2. Đừng hỏi. Hãy nói

Một buổi tối, chúng tôi đến thăm mấy người bạn có con học lớp mẫu giáo và tiểu học. Vào 7:45 tối, đột nhiên đèn trong phòng mờ đi mà không có lời báo trước nào. Những đứa trẻ nói lời chúc ngủ ngon với cha mẹ chúng và chúng tôi, rồi lên lầu đi ngủ. Bố chúng giải thích rằng họ đã ra điều kiện là bọn trẻ sẽ phải đi ngủ khi thấy đèn phòng sinh hoạt chung mờ đi. Thật tuyệt làm sao!

Không phải ai trong chúng ta cũng có thể lập trình để đèn phòng gia đình mờ đi, nhưng tại sao các bậc cha mẹ lại ngạc nhiên khi hỏi con: “Con có muốn đi ngủ không?” và đứa trẻ nói Không?

Tại sao không đặt hẹn giờ 10 phút trước khi đi ngủ và nói: “Khi chuông kêu, thì các con cất đồ chơi đi và chuẩn bị đi ngủ”. Và khi có tiếng chuông kêu, hãy nói: “Đã đến lúc chuẩn bị đi ngủ, đi thôi!”

Nói tóm lại, hãy đảm bảo rằng bạn và bọn trẻ biết những gì bạn mong đợi chúng làm. Chúng sẽ làm theo.

3. Dạy con bạn cách lập luận như Socrates

Khi bạn có bất đồng với một trong những đứa con của mình, hãy lắng nghe con. Hãy hỏi con, tìm hiểu lý do tại sao con lại không đồng ý với bạn. Khi con nói xong lý do tại sao bạn sai và con đúng, hãy yêu cầu con lắng nghe bạn giải thích giống như bạn đã lắng nghe con. Sau đó, hãy đưa cho con một lời giải thích ngắn gọn về quan điểm của bạn. Hãy để con có cơ hội được phản bác và rồi tuyên bố ai là người đã đúng trong việc này. Nếu con là người đúng, hãy nói với con như vậy và đưa ra lời xin lỗi với con.

Nếu bạn đúng, hãy nói với con: “Chính là như vậy! Kết thúc thảo luận”. Sau đó giải thích hậu quả, nếu có. Và lặng lẽ bước đi. Bọn trẻ nên được dạy rằng: nếu chúng tiếp tục tranh luận khi bạn bỏ đi, chúng sẽ phải chịu hình phạt mà bạn và chúng đã thỏa thuận trước đây trong trường hợp vi phạm các quy tắc tranh luận.

day con image
(Ảnh: Shutterstock)

4. Đôi khi bạn phải hành động trước và nói chuyện sau

Vài năm trước, tôi có việc phải chạy đến siêu thị Kroger’s để mua một chai sữa. Khi đến gần khu sữa, tôi thấy một đứa trẻ đang chập chững biết đi, chạy đi chạy lại trên những quả trứng trong ngăn mát đựng trứng. Bạn đang đọc đúng đấy, chạy trên các quả trứng, trong khi một phụ nữ trẻ đứng bên cạnh nói một cách bất lực: “Con không muốn ra khỏi đó sao?“, cô hỏi. “Mẹ cần con đi ra!“, “Mẹ xin con, tình yêu của mẹ, mẹ xin con!”. Cô ấy van xin. “Mẹ xin con hãy đi ra đi!”

Hàm của tôi rơi xuống sàn. “Con trai của cô đang làm vỡ quả trứng kìa!”

“Tôi không thể làm thế nào để cho nó đi ra được”, cô thút thít.

“Được rồi, hãy để đấy cho tôi!”. Tôi vừa nói vừa nhấc bổng cậu bé lên và nhẹ nhàng trao cậu bé cho mẹ cậu ta.

Tôi hy vọng cô ấy và đứa trẻ mới biết đi đã có một cuộc trò chuyện ngắn về việc làm vỡ những quả trứng!

Tại sao lại thấy khó khăn khi đặt ra giới hạn cho con cái của chúng ta như vậy nhỉ?

Chúng ta muốn những đứa trẻ ngoan ngoãn hay những đứa trẻ phạm pháp; chúng ta chọn hỗn loạn hay giao ước? Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Moses, chúng ta có nên làm ít hơn không? Các quy tắc mà chúng ta dạy cho con cái trước khi chúng phá vỡ chúng chính là giao ước giữa chúng ta với con cái.

Hãy sống vui vẻ bên con cái bạn, và cầu Chúa tiếp tục ban phước cho bạn và gia đình bạn!

Tác giả: Tiến sĩ Parnell Donahue là một bác sĩ nhi khoa, cựu quân nhân, tác giả của bốn cuốn sách và chủ nhân blog ParentingWithDrPar.com, đồng thời là người dẫn chương trình “Những vấn đề về nuôi dạy con cái” của WBOU. Ông và vợ là Mary, có bốn người con đã trưởng thành; tất cả đều có bằng Tiến sĩ, hai người cũng là Tiến sĩ. Liên hệ với ông tại Parenting-Matters.com.

Mai Hiền (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: