Chuyên gia: Cách ngăn ngừa nếp nhăn xuất hiện trên mặt sau khi ngủ dậy
- Mạt Lỵ
- •
Một người thường dành khoảng 1/3 cuộc đời để ngủ, vì vậy giấc ngủ có thể ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả ngoại hình. Một số chuyên gia cho rằng, ngủ thực sự có thể gây ra nếp nhăn trên khuôn mặt và khiến con người trông già hơn. Vậy làm thế nào để có thể ngăn chặn tình trạng này?
Nhà nghiên cứu da liễu Yousuf Mohammed và phó giáo sư danh dự Vania Rodrigues Leite E. Silva của Đại học Queensland ở Úc đã viết một bài báo trên trang web The Conversation rằng, việc giấc ngủ gây ra nếp nhăn chỉ là tạm thời, nhưng khi da bạn mất đi độ đàn hồi lúc về già, thì những nếp nhăn đó sẽ trở nên cố định.
Các học giả cho rằng, ngoài lão hóa, còn có một số nguyên nhân gây ra nếp nhăn trên khuôn mặt con người, bao gồm tổn thương do ánh nắng mặt trời, hút thuốc, thiếu độ ẩm, thói quen biểu hiện trên khuôn mặt (như cau mày), tư thế ngủ, v.v. Vì vậy, chúng ta cần thật sự chú ý và cần thay đổi một số thói quen xấu khiến da mặt hình thành nếp nhăn khi ngủ.
Dưới đây là một số gợi ý từ các chuyên gia.
1. Tư thế nằm ngủ
Việc tạo áp lực lặp đi lặp lại tại cùng một vị trí có thể dẫn đến các nếp nhăn trên mặt. Khi bạn ngủ nghiêng hoặc nằm sấp, da mặt sẽ bị ép và bị tác động nhiều hơn so với khi bạn nằm ngửa.
Vì vậy, điều đầu tiên cần làm là nên nằm ngửa khi ngủ hoặc thay đổi tư thế ngủ thường xuyên để giảm áp lực lên da mặt, từ đó giảm khả năng xuất hiện nếp nhăn. Có thể luyện tập và làm quen cách ngủ ngửa bằng việc sử dụng gối chèn xung quanh: Dưới đầu gối, lưng dưới, hai bên sườn… để tránh di chuyển sang tư thế ngủ nghiêng hoặc sấp.
2. Giảm áp lực trên mặt
Thời gian của mỗi tư thế ngủ, áp lực tác động lên mặt và vùng tiếp xúc với gối cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hình thành nếp nhăn.
Các bác sĩ da liễu thường có thể thấy những khác biệt này. Đối với những người thích ngủ nghiêng, khuôn mặt họ có xu hướng xuất hiện nhiều nếp nhăn rõ ràng ở bên mặt áp với gối.
3. Chăm sóc da
Collagen và Elastin là hai thành phần chính của lớp hạ bì (lớp bên trong của da), chúng hình thành cấu trúc và duy trì độ đàn hồi của da.
Vì vậy, việc bổ sung collagen thông qua chế độ chăm sóc da thường xuyên có thể làm tăng độ đàn hồi của da và giúp giảm sự hình thành nếp nhăn.
Axit hyaluronic là một phân tử xuất hiện tự nhiên trong cơ thể con người. Nó có thể giữ lại collagen và Elastin (Sợi đàn hồi, Protein), kích thích sản xuất collagen và bổ sung độ ẩm nên có thể trì hoãn sự hình thành nếp nhăn; đồng thời hỗ trợ chữa lành vết thương, điều trị khô mắt, trào ngược axit và viêm xương khớp.
Cơ thể có thể sản xuất axit hyaluronic nhưng theo thời gian sẽ không còn nhiều. Vì vậy, chúng ta cần tìm cách bổ sung nó thông qua các sản phẩm chăm sóc da và thực phẩm hàng ngày.
Những thực phẩm giàu hyaluronic bao gồm: Sụn cá, rau cải xoong, nấm, đậu, củ cải đường….Những thực phẩm này cũng giúp kích thích sản xuất collagen trong da.
4. Sử dụng gối chuyên dụng
Sử dụng gối được thiết kế đặc biệt để giúp việc ngủ nằm ngửa thoải mái hơn, tránh nằm nghiêng, nằm sấp. Việc sử dụng vỏ gối bằng lụa hoặc sa tanh có thể giúp ngăn ngừa những nếp nhăn trên khuôn mặt bởi da mặt sẽ không phải chịu nhiều áp lực khi ngủ, từ đó giảm hình thành các nếp nhăn.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những chiếc gối được thiết kế để giảm căng thẳng cơ học khi ngủ có thể ngăn ngừa biến dạng da. Loại gối như vậy giúp trì hoãn và ngăn ngừa sự hình thành các nếp nhăn trên khuôn mặt.
5. Hình thành thói quen sống lành mạnh
Ngoài ra, lựa chọn lối sống và thói quen như bỏ hút thuốc, đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn uống lành mạnh (ăn đủ rau, trái cây, các loại hạt, chất béo lành mạnh, thực phẩm lên men như sữa chua)… để cải thiện sự xuất hiện sự lão hóa của da mặt.
Từ khóa Nếp nhăn sau khi ngủ dậy