Mục tiêu là tiền đề cho sự thành công của bất kể một cá nhân hay tập thể nào. Đặc biệt, nếu bạn đang quản lý một doanh nghiệp thì việc đặt ra một mục tiêu có thể hoàn thành là điều rất quan trọng, nó sẽ là yếu tố quyết định sự phát triển hay không của doanh nghiệp đó. Vậy cụ thể là chúng ta cần đặt mục tiêu như thế nào? 

chuyen gia chia se cach dat muc tieu hieu qua tai noi lam viec 1
Một mục tiêu lý tưởng sẽ là chìa khóa giúp một cá nhân hoặc tập thể đạt được thành công vượt trội. (Ảnh: PeopleImages.com – Yuri A/ Shutterstock)

Khi có mục tiêu, chúng ta sẽ có thể so sánh chúng với hiệu suất thực tế, khi đó bạn mới biết mọi việc có được thực hiện tốt hay không, đây cũng được coi là một phương pháp quản lý. Tuy nhiên, việc đặt ra mục tiêu tốt hay không sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc và hiệu suất làm việc của mỗi cá nhân hoặc cả một tập thể.

Gil Winch, nhà tâm lý học người Israel và là tác giả cuốn sách ‘Winning with Underdogs: How Hiring the Least Likely Candidates Can Spark Creativity, Improve Service, and Boost Profits for Your Business’ (Chiến thắng với những kẻ yếu thế: Làm thế nào để tuyển dụng những ứng viên có khả năng khơi dậy sự sáng tạo, cải thiện dịch vụ và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp của bạn) sẽ chia sẻ cho bạn cách đặt mục tiêu tại nơi làm việc.

Ông Winch chỉ ra rằng việc đặt mục tiêu trong công việc đã là trọng tâm của nghiên cứu học thuật từ những năm 1960, với hàng ngàn tài liệu nghiên cứu về nó. Bất kỳ hình thức thiết lập mục tiêu nào cũng có tác động đáng kể đến tâm trạng và động lực của nhân viên. Vì vậy, bí quyết là hãy xác định mục tiêu tạo ra cảm xúc tích cực, thúc đẩy bản thân có thể cố gắng hết sức và đạt được kết quả lâu dài tốt nhất.

Tuy nhiên, có một sự thật là đa số nhân viên thường thấy mình bị đặt cho những mục tiêu không thể đạt được. Lý do là bởi những mục tiêu này thường được thiết kế chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của các nhà điều hành cấp cao nhưng từ đó mà vô tình làm giảm động lực và kết quả của cá nhân hoặc một nhóm.

Khi nói đến việc thiết lập mục tiêu, nhiều tổ chức doanh nghiệp không thể làm tốt việc này, bởi vì họ đã không xác định được là họ đang chiều theo mong muốn của ai; cuối cùng kết quả là đạt được ít hơn nhiều so với những gì họ mong đợi.

Nói tóm lại, có một số nguyên tắc thiết lập mục tiêu có thể tạo ra cảm xúc tích cực cho nhân viên và cho phép họ phát huy hết khả năng của mình với các nguồn lực sẵn có của họ. Vì vậy, để tạo ra được một mục tiêu chất lượng, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

chuyen gia chia se cach dat muc tieu hieu qua tai noi lam viec 2
Việc thiết lập mục tiêu tốt sẽ tạo ra cảm xúc tích cực giữa các nhân viên. (Ảnh: Studio Romantic/ Shutterstock)

– Mục tiêu được xác định rõ ràng: Mục tiêu cần được xác định càng rõ ràng càng tốt. Mấu chốt là cho dù nó có đòi hỏi nỗ lực (thậm chí rất nhiều nỗ lực) đến đâu để đạt được thì nó vẫn cần nằm trong khả năng của nhân viên và nhóm.

– Xây dựng mục tiêu với sự tham gia của nhân viên: Nhân viên có tiếng nói trong việc đặt ra mục tiêu và tham gia vào quá trình này có nhiều khả năng được thúc đẩy để đạt được mục tiêu tốt hơn. Lý do là họ có ý thức làm chủ và điều đó nhất quán với mục tiêu và giá trị cá nhân của họ.

Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cùng nhau đặt ra mục tiêu có thể tăng cường sự gắn kết và cam kết tập thể của nhóm để đạt được mục tiêu chung.

– Gia tăng giá trị: Mục tiêu có ý nghĩa là những mục tiêu phù hợp với mục tiêu của cá nhân và nhóm, đồng thời được thiết kế để thúc đẩy học tập và phát triển, giúp nâng cao động lực và kết quả của nhân viên.

Ngoài cách làm sao đặt ra một mục tiêu lý tưởng phía trên thì bạn cũng cần chú ý không mắc phải những lỗi này khi xây dựng mục tiêu. Bởi nó có thể làm suy yếu nỗ lực của nhân viên, tạo ra cảm xúc tiêu cực ở nhân viên và làm giảm sản lượng…Trong đó những lỗi này là quan trọng nhất:

– Các mục tiêu từ nhỏ đến lớn đều chỉ được lập ra bởi sếp hoặc người quản lý.

– Thách thức quá cao và phần lớn nhân viên không thể đạt được mục tiêu.

– Không thúc đẩy mục tiêu học tập và phát triển của nhân viên.

– Mục tiêu được đặt quá thấp hoặc không có mục tiêu nào cả.

Ông Winch cho biết, kiểu thiết lập mục tiêu này cũng có thể tạo ra những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ ở nhân viên, biểu hiện là tinh thần xuống thấp, thiếu gắn kết, lòng tự trọng bị hạ thấp; thậm chí sự cân bằng giữa công việc hay cuộc sống đều kém đi.

Cuối cùng, ông kết luận rằng các nhà điều hành ở mọi cấp độ, đặc biệt là những người ở cấp cao nhất, cần nhận ra tác động sâu sắc của các mục tiêu được xây dựng tốt đối với tổ chức của họ. Bằng cách đó, họ sẽ cho phép nhân viên của mình phát huy hết tiềm năng vốn có và nỗ lực đóng góp vào thành công của cá nhân hoặc tổ chức.