Công ty Nhật chạy drone phát nhạc thúc giục nhân viên tăng ca về nhà
- Thanh Trúc
- •
Một công ty của Nhật lên kế hoạch khởi động máy bay drone phát nhạc bay một vòng công ty sau khi tan sở, thúc giục các nhân viên có ý định tăng ca ban đêm về nhà nghỉ ngơi.
Drone bay một vòng quanh văn phòng theo đường bay định sẵn sau khi các nhân viên tan sở. Nếu quét thấy có người tăng ca, drone sẽ bay xung quanh người đó và phát đoạn nhạc “Auld Lang Syne” mà Nhật Bản thường dùng để thông báo cửa hàng sắp đóng cửa.
Theo BBC, nơi công sở ở Nhật thịnh “văn hóa tăng ca”, nhiều năm trở lại đây, các công ty Nhật mong muốn thay đổi tình trạng tăng ca quá độ của nhân viên, bởi vì thường xuyên tăng ca sẽ gây nên các vấn đề về sức khỏe, nhân viên cũng có thể quá lao lực do tăng ca, dẫn đến tử vong.
Theo truyền thông Nhật, công ty Taisei sẽ hợp tác cùng công ty viễn thông NTT East và công ty Blue Innovation chuyên sản xuất drone để chế tạo ra loại drone nói trên.
Drone có lắp đặt ống kính ghi hình này sẽ đi tuần tra văn phòng sau giờ tan ca và tự động phát bài hát “Auld Lang Syne” khi thấy có người tăng ca.
Giám đốc của công ty Kaisei, ông Norihiro Kato nói với tờ AFP rằng, khi người ta nghe thấy tiếng vù vù của drone và bản nhạc “Auld Lang Syne”, chắc hẳn họ sẽ không thể tiếp tục tập trung làm việc được, đành phải về nhà.
Công ty Kaisei dự kiến loại drone này sẽ bắt đầu phục vụ trong nội bộ công ty vào tháng 4 năm sau và cung cấp đến các công ty khác vào cuối năm sau.
Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển có thời gian làm việc dài nhất
Giáo sư khoa xã hội học của trường đại học Osaka, ông Scott North cho biết: “Cho dù drone làm phiền khiến các nhân viên rời khỏi văn phòng, nhưng nếu họ chưa hoàn thành nhiệm vụ, họ cũng sẽ mang về nhà để làm.”
Ông North nói thêm: “Để giảm thời gian tăng ca, cần phải giảm lượng công việc, ví dụ như giảm những mục làm phí thời gian, hoặc sự cạnh tranh thường thấy nơi công sở ở Nhật. Nếu không thì phải tuyển dụng thêm nhân viên.”
Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm ở Nhật có hàng trăm người chết vì quá mệt, bao gồm quá lao lực dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ và tự sát. Thế nhưng người ta cho hay, con số tử vong do quá lao lực thực tế cao hơn nhiều.
Văn hóa tăng ca và tử vong do quá lao lực
Khảo sát cho thấy, gần 1/4 nhân viên công ty ở Nhật mỗi tháng tăng ca hơn 80 giờ và thường là tăng ca không lương. Ngoài ra, có 12% công ty có giờ tăng ca hơn 100 giờ đồng hồ.
Con số này rất quan trọng, bởi vì thời gian tăng ca một tháng của nhân viên vượt quá ngưỡng 80 giờ thì tỷ lệ tử vong sẽ tăng mạnh. Trong một thời gian dài, Nhật Bản đang nỗ lực phá vỡ quan niệm cho rằng nếu về nhà lúc công ty tan ca thì bị xem là ‘coi thường cấp trên hoặc đồng nghiệp’, văn hóa này đã kéo dài mấy chục năm.
Tăng ca thời gian dài sẽ dẫn đến vấn đề về sức khỏe, tăng ca quá độ cũng sẽ dẫn đến tử vong, thậm chí ở Nhật còn sinh ra một danh từ chuyên dụng chỉ điều này – koroshi (chết vì quá lao lực).
Đối với rất nhiều nhân viên của các công ty phát triển ở Nhật, thói quen này được xem là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như đột quỵ, bệnh tim mạch và tự sát…
Gần 1/4 nhân viên các công ty ở Nhật có thời gian tăng ca mỗi tháng nhiều hơn 80 giờ
Vào tháng 10 năm nay, công ty quảng cáo Dentsu đã bị tòa phán quyết là vi phạm luật lao động do có một nhân viên trẻ tự sát vì quá mệt mỏi. Sau đó, người ta phát hiện thấy cô ấy tăng ca đến 159 giờ trong một tháng.
Vào tháng 2, chính phủ Nhật phát động kế hoạch “Ngày thứ Sáu thưởng”, cổ vũ các công ty cho nhân viên tan ca trước 3 giờ chiều vào ngày thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng với hy vọng kích thích tiêu dùng vào các lĩnh vực mua sắm, ăn bên ngoài, du lịch…
Thế nhưng, trước mắt thì kế hoạch này vẫn chưa ảnh hưởng nhiều, rất nhiều nhân viên cho biết ngày thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng là một trong những ngày mà họ bận rộn nhất.
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản Người Nhật Công ty nhật Tăng ca