Một cụ bà lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ nặng, khó có thể nói chuyện với người khác và thậm chí mất luôn khả năng giao tiếp bằng mắt đã có biểu hiện vô cùng kỳ lạ sau khi nghe thấy tiếng đàn violin. Điều gì đã khiến cho cụ bà có phản ứng như vậy?

nhac co dien
Cụ bà lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ thường có đôi mắt đờ đẫn đã phản ứng sau khi nghe đàn violin. Tại sao âm nhạc cổ điển có thể cải thiện chức năng não? (Ảnh: Stokkete/ Shutterstock)

Một cụ bà 102 tuổi mắc chứng mất trí nhớ nặng đang cúi mặt ngồi bất động một chỗ. Tuy nhiên một điều bất ngờ đã xảy ra, sau khi tiếng đàn violin cất lên từ một người nghệ sĩ tại buổi biểu diễn âm nhạc của Đại học Central Florida, Hoa Kỳ, bà bỗng từ từ ngẩng đầu lên, miệng liên tục mấp máy và đôi mắt bừng sáng như thể bà đang nghe và cố gắng theo dõi điệu nhạc.

Những người từng tiếp xúc với bà cụ đều ngạc nhiên và nói rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy bà ấy phản ứng như thế này trước đây!”

Nhiều người cho rằng bà cụ có phản ứng như vậy là bởi vì tác phẩm nhạc cổ điển mà người nghệ sĩ biểu diễn đã khiến não bà có phần chấn động. Vậy thực sự âm nhạc có thể tác động lớn đến con người như thế sao?

nhac co dien 3
Cụ bà 102 tuổi sau khi nghe âm nhạc cổ điển. (Ảnh minh họa: Alexander Raths/ Shutterstock)

Hiệu ứng Mozart là có thật

Vào những năm 1990, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature đã thu hút sự chú ý rất nhiều người. Ba nhóm người tham gia nghiên cứu ngồi yên lặng, thư giãn hoặc nghe bản sonata piano K448 của Mozart. Kết quả là sau 10 phút, khả năng suy luận không gian của những người nghe nhạc Mozart đã được cải thiện đáng kể và điểm IQ không gian trung bình của họ đạt được 119 điểm, cao hơn hai nhóm còn lại.

Kể từ đó, các nhà khoa học đã liên tục bắt đầu tiến hành nhiều thí nghiệm trên động vật và con người bằng cách sử dụng nhạc Mozart và các loại nhạc cổ điển khác, cuối cùng họ xác nhận các kết quả đáng kinh ngạc rằng nghe nhạc cổ điển hoặc học nhạc cụ không chỉ dẫn đến điểm cao hơn; khả năng suy luận về không gian và thời gian tốt hơn; giảm nguy cơ teo não mà còn khiến các chức năng não suy giảm chậm hơn.

Kiminobu sugaya, giáo sư y khoa tại Trường Y thuộc Đại học Central Florida, Hoa Kỳ và là giám đốc Khoa Khoa học Thần kinh tại Trường Khoa học Y sinh Burnett, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: “Hiệu ứng Mozart là có thật. Trong các thí nghiệm mà tôi tiến hành trên người dân địa phương, khi loại nhạc cổ điển này được chơi, tôi nhận thấy chức năng não của người nghe đã tăng lên 50%.”

Âm nhạc cổ điển không chỉ cải thiện sức mạnh trí não mà còn được dùng để điều trị các bệnh về não – chẳng hạn như bệnh động kinh hay bệnh Parkinson. Tiến sĩ Michael Turnbull, giáo sư danh dự về thần kinh học và tâm thần kinh tại Viện Thần kinh học, Đại học College London, Anh và là thành viên của Đại học Bác sĩ Hoàng gia cho biết: “Nhiều nghiên cứu chứng minh rõ ràng rằng bạn có thể cải thiện chức năng não và điều chỉnh những bất thường thông qua âm nhạc”. 

Bệnh động kinh đôi khi khó kiểm soát bằng thuốc, nhưng việc “huấn luyện” bộ não của những người bị động kinh bằng âm nhạc cổ điển được coi là phương pháp rất tối ưu. Sau khi nghe nhạc, bộ não sẽ được điều chỉnh cẩn thận để có thể bình thường hóa sóng não và điện não đồ của những người này.

Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí đánh giá khoa học liên ngành cũng nhấn mạnh rằng: “Cho đến nay, các bản hòa tấu piano K448 và K545 của Mozart vẫn là những lựa chọn âm nhạc chống động kinh được xác minh nhiều lần bằng thực nghiệm. Khoảng 84% người tham gia cho thấy hoạt động não bị động kinh giảm đáng kể khi nghe K448 của Mozart.” Phân tích được công bố vào năm 2022.

Điều gì khiến âm nhạc cổ điển có thể cải thiện chức năng não? 

Bà Clara James một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: “Từ góc độ tác động của chúng lên não bộ con người, sự khác biệt lớn nhất giữa nhạc cổ điển và nhạc pop là sự phức tạp và cấu trúc”.

Âm nhạc cổ điển có những quy tắc rất nghiêm ngặt về cấu trúc của nó. Nếu người chơi mắc chỉ một lỗi nhỏ, ngay cả một người bình thường không phải là nhạc sĩ cũng sẽ nghe thấy rằng có điều gì đó không ổn.

Bà cho biết: “Nó nhấn mạnh nhiều vào tỷ lệ, sự cân bằng và hài hòa, trong khi một số hình thức cấu trúc âm nhạc khác có thể không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc này.”

Tiến sĩ Turnbull nói: “Bộ não con người yêu thích các quy luật của âm nhạc”. Ông nhấn mạnh rằng các quy luật của âm nhạc chứa đựng sức mạnh tự nhiên và logic toán học. Đặc biệt, âm nhạc cổ điển vốn liên quan rất chặt chẽ đến toán học và do đó thường được não bộ nhận biết và chấp nhận.

Ông giải thích: “Mozart đã phát triển một phong cách âm nhạc hoàn toàn khác. Trong âm nhạc của Mozart, những hòa âm và nhịp điệu nhất định sẽ tái hiện trở lại, và trong sự lặp lại sẽ có những thay đổi tinh tế, vang vọng qua lại và mạch lạc. Và bộ não yêu thích sự hài hòa, mạch lạc này. Hơn nữa sự tái hiện này sẽ ảnh hưởng rõ ràng đến hệ thần kinh trung ương.”

Sự tái hiện của âm nhạc cổ điển rất phong phú. Tuy nhiên, nhiều bản nhạc pop lại là “một trình tự giống nhau được lặp đi lặp lại”, và thông tin được truyền tải thường mơ hồ và ngắn gọn. Âm nhạc pop đột ngột đạt đến cao trào rồi dừng lại đột ngột, không có sự chuyển động nhịp nhàng và thay đổi xảy ra như trong âm nhạc cổ điển. Tiến sĩ Turnbull cho biết mọi người thực sự có thể cảm thấy chán nếu âm nhạc không như bộ não mong đợi.

Thời gian biểu diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển tương đối dài, thường từ 20 đến 25 phút, và tất nhiên có những tác phẩm dài hơn, chẳng hạn như một số tác phẩm của Mahler kéo dài hơn một giờ. Nó mang theo rất nhiều thông tin và cung cấp cho não đủ chỗ để phân tích. Nó giống như sự khác biệt giữa việc nhai chậm một quả táo và ăn kẹo dẻo vị táo. Một bản nhạc cổ điển hoàn chỉnh, điển hình có rất nhiều nhịp điệu, lúc mạnh lúc nhẹ, nốt cao và nốt trầm, những đoạn cực chậm và cực nhanh, tất cả đều được kết hợp một cách hoàn chỉnh. Ngược lại, các đĩa đơn nhạc pop có độ biến thiên hạn chế và nhịp độ rất trung bình.

nhac co dien 2
Bộ não thích các quy tắc tuyệt vời của âm nhạc cổ điển. (Ảnh: Wongsiri Subhayon/ Shutterstock)

Âm nhạc cổ điển tăng cường năng lực não bộ

Khi già đi, bộ não của người bình thường dần dần co lại, điều đó có nghĩa là chúng ta dần mất đi các tế bào thần kinh trong não. Nhưng đối với các nhạc sĩ, có những phần não của họ không hề co lại theo thời gian, điều này đã được xác nhận trong các thí nghiệm thử nghiệm NMR và các nghiên cứu tương tự khác.

Điều thú vị là, việc luyện tập âm nhạc liên tục không chỉ có hiệu quả trong việc duy trì khối lượng não mà thậm chí còn có thể tăng khối lượng não và điều này có thể xảy ra ở mọi người, từ trẻ sinh non đến người lớn tuổi.

Trong não có chất xám và chất trắng. Chất xám mà chúng ta thường nghe tới chính là các tế bào thần kinh của não và nghe nhạc có thể làm tăng lượng chất xám này. Cô James giải thích rằng điều này không phải vì sẽ có nhiều nơron hơn mà là do các nơron liên kết với nhau để phân tích âm nhạc nên các kết nối trở nên mạnh mẽ và kích thước dây thần kinh cũng trở nên lớn hơn. Chất trắng có thể được hiểu là cái đuôi dài của các nơron và mạng lưới liên lạc của chúng, giống như đường cao tốc nối các thành phố khác nhau lại với nhau. Trong quá trình nghe nhạc, chất trắng cũng trở nên định hướng và kết nối tốt hơn.

Ngoài ra, khi một người nghe nhạc, vùng hồi hải mã sẽ “sáng lên”. Hơn nữa, rất nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng hải mã đối với nhận thức và trí nhớ.

Hồi hải mã là đơn vị xử lý trung tâm của não, giúp nhận thức, hình thành và tìm kiếm ký ức. Khi nghe nhạc, vùng hải mã được kích hoạt vì não đang cố gắng hiểu và phân tích âm nhạc. Nếu vùng hồi mã chịu trách nhiệm về trí nhớ không được tham gia thì người đó sẽ không hiểu những gì đang được nghe. Giống như nếu người nước ngoài nói chuyện với bạn bằng ngôn ngữ của họ mà bạn không biết loại ngôn ngữ đó thì bạn sẽ không hiểu.

Ký ức về âm nhạc của chúng ta dường như cũng không dễ phai nhạt như những ký ức hay trải nghiệm thường ngày ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời. Đây là lý do tại sao một số người lớn tuổi có thể ngân nga những bài hát hoặc bản nhạc mà họ yêu thích khi còn trẻ mà không cần nỗ lực nhiều.

Ngoài vùng hải mã, âm nhạc mà chúng ta thưởng thức sẽ thắp sáng hạch hạnh nhân trong não. Hạch hạnh nhân là “máy phát hiện” các tình huống nguy hiểm hoặc bất thường và âm nhạc sẽ kích hoạt vùng này.

Bà James cho rằng: “Một điểm quan trọng nữa là loại nhạc cổ điển kích thích trí não nhất bởi chúng không có lời bài hát, điều này giúp mọi người tập trung trong quá trình thưởng thức, từ đó kích thích chức năng nhận thức nhiều hơn. Âm nhạc đại chúng thường có lời bài hát, và theo bản năng, bộ não con người chú ý đến ngôn từ trong tác phẩm âm nhạc hơn là cấu trúc cơ bản của âm nhạc. Ngoài ra, nội dung được lời bài hát truyền tải cũng có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến cảm xúc của con người.”

Hơn nữa, âm lượng trực tiếp của một số buổi hòa nhạc nhạc pop hiện đại rất chói tai, đồng thời, hành vi của các ca sĩ và người hâm mộ có phần điên rồ loạn tính. Tiến sĩ Turnbull cho biết trong trường hợp này “bạn không thể nghe thấy âm nhạc vì mọi người lúc nào cũng la hét cuồng loạn.”

Âm nhạc cổ điển đánh thức cảm xúc con người

Tiến sĩ Turnbull: “Điều tuyệt vời nhất về âm nhạc là nó có thể thức tỉnh bạn. Trong nghiên cứu của mình, ông phát hiện ra rằng 90% mọi người đề cập rằng âm nhạc có thể khiến họ khóc.”

Âm nhạc cổ điển có thể đẩy cảm xúc của bạn lên hoặc xuống và chúng được kết nối chặt chẽ với âm nhạc. Tiến sĩ Turnbull tin rằng, “phản ứng thực sự của chúng ta đối với âm nhạc gần như là siêu việt”.

“Nếu để giảm bớt căng thẳng và lo lắng, hãy nên nghe nhạc cổ điển. Bởi trong âm nhạc cổ điển luôn có những giây phút thư giãn, tĩnh lặng, chúng giúp bạn thực sự thư giãn”, bà James nói.

Ngoài ra, âm nhạc cổ điển còn đáp ứng mong muốn về cái đẹp, sự hài hòa, lòng nhân ái của con người và có sự hấp dẫn lâu dài cũng như tiềm năng chữa bệnh. Hơn nữa, cấu trúc của âm nhạc cổ điển cũng có thể mang lại cảm giác êm dịu và thoải mái trong những lúc căng thẳng hoặc bối rối.

Từ xa xưa đến hiện đại, âm nhạc khẳng định đã đóng một vai trò chữa lành rất tốt. Bác sĩ, nhà châm cứu y học Trung Quốc ở Canada kiêm giáo sư về y học Trung Quốc tại Ontario, Jonathan Liu nói rằng mọi người có thể cảm nhận được sự thiêng liêng từ âm nhạc cổ điển. Từ đó khiến mọi người kính trọng trời đất và cảm thấy biết ơn hơn.

Cô Ayako đã kể lại một cảnh tượng khó quên của mình rằng: “Trong một tiết mục, khi đang biểu diễn được nửa chừng, tôi thấy một bà cụ đang ngồi trong đám đông tay vịn ghế và từ từ chuyển từ tư thế ngồi sang quỳ trên mặt đất. Bà mở mắt ra và bắt đầu thành kính cầu nguyện.” Cô Ayako cũng thẳng thắn nói: “Cá nhân tôi khi chơi bản concerto cho violin của Beethoven hay Chaconne của Bach và những kiệt tác khác sẽ khiến người ta cảm thấy xúc động”.

am nhac co dien
Các chuyên gia tin rằng âm nhạc cổ điển có sức hấp dẫn lâu dài và có tiềm năng trị liệu. (Ảnh: Edward/ The Epoch Times)

Đằng sau sự cải thiện tâm trạng là sự sản sinh một loạt chất trong não

Âm nhạc thúc đẩy não tiết ra endorphin, bradykinin, dopamine và serotonin. Tác dụng sinh học của chúng rất lớn, từ việc khiến con người vui vẻ và thư giãn, đến việc giảm bớt sự khó chịu về thể chất, cho đến khả năng thúc đẩy giấc ngủ.

Những bản nhạc cổ điển hay cũng rất thích hợp để hẹn hò, vì lượng dopamine tiết ra trong não cũng sẽ khiến bạn trông quyến rũ hơn trong mắt người đối diện. Hơn nữa giờ đây người ta phát hiện ra rằng âm nhạc hay cũng có thể làm tăng lượng oxytocin khiến bạn cảm thấy yêu đời hơn.

Bộ não có rất nhiều tiềm năng mà con người chưa phát triển đầy đủ. Việc giải phóng dopamine không chỉ khiến con người hạnh phúc mà còn kích thích hệ thống nhận thức và khen thưởng của não.

Bà James cho biết, khi con người đắm chìm trong âm nhạc cổ điển và cảm thấy cột sống bị tê cứng thì đó là hiện tượng hệ thống khen thưởng của não được kích thích và khơi dậy hoàn toàn bởi trải nghiệm thú vị này. Ở một số cơ sở trị liệu khác như bệnh viện, đặc biệt là phòng chăm sóc đặc biệt và điều kiện thí nghiệm, các tác phẩm của Mozart, Bach và một số nhà soạn nhạc cổ điển Ý thường được xem là liều thuốc có tác dụng “trị liệu” tốt hơn trong việc giảm căng thẳng và giảm đau.

Trong khi âm nhạc cổ điển làm giảm lo lắng và trấn an tâm thần thì một số thể loại nhạc rock hiện đại mang lại sự phấn khích tột độ hoặc u sầu quá mức. Tiến sĩ Turnbull nói về một số người trẻ thích âm nhạc kích thích: “Tôi không nghĩ nó giúp ích cho trạng thái cảm xúc của bạn, nó chắc chắn khiến bạn ngày càng tức giận và tuyệt vọng hơn”.

Trên thực tế, không chỉ nhạc rock mà một số thể loại nhạc hiện đại của thời đại mới cũng có tác động rất tiêu cực đến cảm xúc của con người.

Trong một nghiên cứu được công bố trước đó, 144 người ở các độ tuổi khác nhau đã nghe các loại nhạc khác nhau trong 15 phút và họ sẽ cùng điền vào một bảng câu hỏi trước và sau khi nghe nhạc. Kết quả cho thấy âm nhạc cổ điển làm giảm đáng kể sự căng thẳng; trong khi nhóm người nghe nhạc rock không chỉ có cảm giác căng thẳng, hận thù, mệt mỏi, buồn bã mà sự minh mẫn và ý thức về sức sống cũng như cảm giác được chăm sóc hay thư giãn đều giảm đi.

Nghe nhạc cổ điển, nhịp tim và hơi thở cũng sẽ đồng nhất với giai điệu

Trong nghiên cứu được dẫn đầu bởi Giáo sư Wolfgang Tschacher kiêm nhà tâm lý học tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 132 người tham gia buổi hòa nhạc cổ điển trong độ tuổi từ 18 đến 85 ở Berlin, Đức.

Những người tham gia được chia thành 3 nhóm và tham dự các buổi hòa nhạc khác nhau. Nhưng những buổi hòa nhạc này có chung một dàn nhạc giao hưởng và chơi cùng những tiết mục ngũ tấu đàn dây.

Những tác phẩm được biểu diễn bao gồm “Ngũ tấu cung C thứ” (Quintet in C minor) của nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven và “Ngũ tấu số 2 cung G trưởng” (Quintet No.2 in G major) của Johannes Brahms và “Epitaphs” (Văn bia) do Brett Dean, nhà soạn nhạc thường trú của Dàn nhạc Giao hưởng London sáng tác.

Khi những người tham gia thưởng thức âm nhạc, các cảm biến được lắp đặt trên cơ thể sẽ phát hiện nhịp tim, nhịp thở và lượng mồ hôi trên đầu ngón tay của họ. Kết quả cho thấy, hơi thở của họ có sự phối hợp nhịp nhàng nhất, tiếp theo là nhịp tim và mức độ hưng phấn (được đo bằng lượng mồ hôi trên đầu ngón tay).

Trước khi tham dự buổi hòa nhạc, họ cũng được yêu cầu làm bài kiểm tra tính cách. Kết quả cho thấy, những người tham gia có tính cách thân thiện, và yêu thích những trải nghiệm mới có nhiều khả năng đồng bộ hóa với âm nhạc và những người xung quanh hơn.

nhạc cổ điển
Nghiên cứu cho thấy, khi nghe nhạc cổ điển, nhịp tim và hơi thở của khán giả sẽ đồng nhất với giai điệu. (Ảnh: Pavel L Photo and Video/ Shutterstock)

Cách kết hợp âm nhạc cổ điển vào cuộc sống

Cô James, một nhà khoa học thần kinh từng là nghệ sĩ vĩ cầm chuyên nghiệp cùng với cô Ayako, người hoạt động tích cực trên sân khấu và trên bục giảng đã khuyến khích mọi người hãy đưa âm nhạc cổ điển vào cuộc sống hàng ngày của mình. Dù chỉ một vài thay đổi nhỏ này cũng có thể giúp mọi người nhận ra âm nhạc cổ điển có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân họ đến mức nào.

Trên thực tế, đối với người bình thường, âm nhạc cổ điển cũng không phải là điều mới mẻ. Nhiều bản nhạc cổ điển thực ra rất dễ hiểu. Cô James nói: “Những người chưa từng học nhạc vẫn có thể đánh giá rất tốt âm nhạc”.

Ngoài ra Cô Ayako còn đề cập rằng âm nhạc cổ điển trong thời kỳ cổ điển ban đầu là được dùng để giải trí cho giới quý tộc, hơn nữa, những tác phẩm của các nhà soạn nhạc như Mozart và Haydn rất dễ tiếp cận. Mặc dù có bản chất phức tạp hơn một chút, nhưng âm nhạc cổ điển từ thời kỳ Baroque của các nhà soạn nhạc như Bach và Handel là một sự giới thiệu tuyệt vời về việc thưởng thức âm nhạc. Còn âm nhạc cổ điển của Kỷ nguyên Lãng mạn được đại diện bởi các nhà soạn nhạc như Brahms và Schumann, nó mang đến vẻ đẹp và chiều sâu phong phú.

“Tôi và chồng nghe nhạc vào buổi sáng khi chúng tôi cùng nhau ăn sáng”, cô Ayako tiết lộ chi tiết nhỏ vui vẻ này trong cuộc sống của mình. 

“Không gì có thể so sánh được với một buổi hòa nhạc trực tiếp và cách tốt nhất để thưởng thức âm nhạc cổ điển chắc chắn là một buổi hòa nhạc. Vì không có thứ gì khác làm phân tâm nên mọi người có thể tập trung sự chú ý vào việc nghe nhạc, đồng thời còn có thể xem các nhạc sĩ chơi nhạc cụ một cách sống động. Đó chính là giây phút để bạn trải nghiệm niềm vui và hứng thú cao nhất là trong buổi hòa nhạc”, bà James nhấn mạnh. 

Trên cơ sở khoa học phương tây, y học hiện đại hay y học cổ truyền cũng đều công nhận âm nhạc đối với cơ thể con người có rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Nhà soạn nhạc Gao Yuan, của dàn nhạc giao hưởng Thần Vận (ShenYun) cũng nói rằng: “Tổ tiên của chúng ta tin rằng âm nhạc có sức mạnh để dung hòa tâm hồn của một người mà y học không thể làm được. Ở Trung Hoa cổ đại, một trong những mục đích đầu tiên của âm nhạc là để chữa bệnh.”

Đến nay, chỉ có nhạc cổ điển và nhạc truyền thống Trung Hoa đã được chứng minh là có lợi cho tinh thần và thể chất cho con người, thậm chí có thể sử dụng như một liệu pháp y học.

Theo Trung y thì âm nhạc có tác động rất lớn lên sức khỏe con người. Các loại nhạc truyền thống Trung Hoa có thang âm ngũ cung, bao gồm cung, thương, giốc, chủy, vũ, tương đương với đồ, rê, mi, sol và la.

Theo “Hoàng Đế Nội Kinh”, một trong Tứ Đại Kỳ Thư, thì 5 cung này có mối tương đồng rất rõ ràng với năm cơ quan lớn trong cơ thể – ngũ tạng. Mỗi một cung sẽ nuôi dưỡng và tiếp thêm năng lượng cho các hệ cơ thể theo một cách khác nhau, qua đó có các tác dụng cải thiện các trạng thái cảm xúc, tinh thần khác nhau.

Bạn có thể truy cập “Trang web của Shen Yun Creations” để nghe các bản nhạc cổ điển của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.

Tuệ Di t/h