Cuộc đời của cây keo 300 tuổi cô đơn nhất thế giới
- Minh Minh
- •
Cây keo Ténéré tồn tại hàng trăm năm và trở thành ngọn hải đăng soi đường cho biết bao thế hệ dân du mục. Thế nhưng chỉ vì sự bất cẩn của con người mà cái cây đã phải chấm dứt sự sống vào năm 1973.
Sa mạc không phải là vùng đất lý tưởng để sinh sống, nhưng cây keo Ténéré đã đứng vững ở đó hàng trăm năm.
Ténéré là một cây keo (mặc dù nó thực sự thuộc chi vachellia) nằm trong sa mạc Ténéré ở đông bắc Niger. Trước khi nổi danh là một cây keo đơn độc, nó đã từng là một phần của một lùm cây lớn rậm rạp. Người ta cho rằng hàng ngàn năm trước đây, khu vực này vốn được bao phủ bởi rừng rậm. Khí hậu thay đổi theo thời gian và lượng mưa dần trở nên khan hiếm chính là lý do khiến số lượng cây cối sụt giảm.
View this post on Instagram
Theo ghi nhận đầu tiên của các nhà thám hiểm phương Tây, trong bán kính 400km xung quanh cây Ténéré không có gì ngoài cát. Cây Ténéré trở thành một cột mốc dẫn đường cho các đoàn lữ hành và khách du lịch khi họ thực hiện các cuộc thám hiểm. Suốt hàng trăm năm, các thương nhân dẫn lạc đà chở muối, chà là và các hàng hóa khác qua sa mạc, tất cả đều dừng chân ở địa điểm thiêng liêng này.
Khi nhìn thấy cái cây này vào năm 1939, chỉ huy của Phái bộ Quân sự Đồng minh Michel Lesourd đã vô cùng kinh ngạc khi biết có thứ lại sống sót nổi trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Nếu không tận mắt nhìn thấy cây Ténéré, bạn sẽ không thể tin nổi vào sự tồn tại của nó.
Dân du mục tôn trọng cái cây, coi nó như một ngọn hải đăng chiếu sáng hành trình của họ. Hằng năm, những đoàn người di chuyển theo hành trình Azalai sẽ tụ tập quanh gốc gây keo này trước khi băng qua sa mạc Ténéré. Cây keo là khởi điểm và cũng là đích đến chào đón họ trở về. Những đoàn Azalai sẽ đi từ Agadez (thành phố lớn nhất miền trung Niger) tới Bilma (thị trấn ốc đảo ở đông bắc Niger), và ngược lại.
Năm 1938, khi khoan xuống lòng đất để tìm kiếm nguồn nước, người ta đã phát hiện ra bí mật tạo ra sức sống mãnh liệt cho cây Ténéré. Hóa ra, bộ rễ của cây đã đâm sâu 35m xuống một nguồn nước ngầm.
Bản thân cái cây chỉ cao vài mét với vài nhánh sống, nhưng nó vẫn bám trụ để sống kiên cường suốt 300 năm. Cũng giống như những người dân sa mạc, họ cần sức khỏe phi thường và khát khao sống mãnh liệt để tồn tại.
View this post on Instagram
Lần đầu tiên cây Ténéré bị ô tô đâm vào là vào những năm 1940. Người lái xe bất cẩn đã làm đổ một trong hai thân cây giòn của nó. Sau đó anh ta đã chặt ở gốc cây để che giấu bằng chứng về việc làm của mình. Cái cây bị hư hại nặng nề không thể khắc phục được, nhưng nó vẫn cố gắng tồn tại.
Đến năm 1973, cú tông của một tài xế xe tải người Libya vào thân cây còn lại đã chính thức chấm dứt cuộc sống của cây Ténéré. Có người đoán tai nạn xảy ra do tài xế bị say rượu, bị ngủ quên, hoặc bị chắn tầm nhìn… Dù với lý do gì thì cuộc sống của cây keo 300 tuổi cũng đã kết thúc giống như những bạn bè cây cối của nó.
Phần còn sót lại của cây được đưa đến Bảo tàng Quốc gia Niger ở Niamey, còn nơi cây từng sinh sống thì được dựng một tấm bia tưởng niệm. Đài tưởng niệm được làm bằng sắt nên không thể so sánh với vẻ đẹp độc đáo của cây Ténéré thực sự. Nó trông giống một cái ăng-ten hơn là một cái cây, nhưng ít nhất chính quyền đã cố gắng làm một cái gì đó để tưởng nhớ “ngọn hải đăng sa mạc” này. Một năm sau khi cây bị chẻ làm đôi, Cộng hòa Niger đã phát hành một con tem kỷ niệm có hình ảnh của cây keo huyền thoại này.
Mặc dù cây keo Ténéré đã “qua đời” được 50 năm nhưng câu chuyện về nó chưa bao giờ bị lãng quên. Cây keo Ténéré là minh chứng cho thấy sự sống có thể tồn tại mạnh mẽ ở những nơi khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Minh Minh (Theo The Treeographer)
Xem thêm:
Từ khóa thực vật cô đơn cây cổ thụ